Theo ông Lương Quốc Dũng - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, có được kết quả đáng mừng trong công tác đảm bảo ATTP thời gian qua, nhất là trong Tháng hành động Vì ATTP năm 2020 là do công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của Nhà nước về ATTP được quan tâm, chú trọng, đẩy mạnh ở các cấp, các ngành.
Riêng trong Tháng hành động Vì ATTP năm 2020, trên hệ thống phát thanh đã có 580 tin, bài, phóng sự, trên truyền hình có 30 phóng sự, tọa đàm, 34 tin, bài, phóng sự trên báo in, 232 băng zôn, khẩu hiệu, 1.031 tờ gấp, tờ rơi tuyên truyền về ATTP.
Nội dung tuyên truyền được tập trung vận động, hướng dẫn bảo đảm an toàn điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ sơ chế, chế biến thực phẩm; vệ sinh cá nhân trong việc phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; phổ biến kiến thức, tăng cường trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm theo quy định của pháp luật; vận động người tiêu dùng lựa chọn và sử dụng thực phẩm bảo đảm an toàn, nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng. Hiểu đúng, dùng đúng thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Biểu dương các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia các hoạt động bảo đảm ATTP, đồng thời phê phán, đưa tin các đơn vị, cá nhân vi phạm các quy định pháp luật về ATTP. Tuyên truyền về các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý theo chuỗi, để tạo điều kiện truy xuất nguồn gốc thực phẩm…
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương đã tổ chức ký cam kết đồng loạt với các cơ sở kinh doanh thực phẩm, bếp ăn tập thể và các gia đình tổ chức các bữa ăn đông người như: đám hiếu, hỷ, lễ hội truyền thống… Qua đó, nhận thức của các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng từng bước được nâng lên, các cơ sở có ý thức hơn đối với các mặt hàng thực phẩm tham gia vào thị trường.
Công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm được lực lượng chức năng, cơ quan chuyên môn các cấp tập trung theo nội dung các văn bản quy phạm pháp luật như: Nghị định số 15/2018/NĐ-CP; Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP...
Đáng chú ý là các nội dung về: Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đối với những cơ sở thuộc diện phải có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; Giấy cam kết sản xuất thực phẩm an toàn đối với cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ; Giấy chứng nhận sức khỏe, xác nhận kiến thức ATTP của chủ cơ sở và người lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm; việc thực hiện các quy định về tự công bố sản phẩm/ đăng ký bản công bố sản phẩm, trình tự công bố sản phẩm, phiếu kết quả kiểm nghiệm và các hồ sơ, tài liệu pháp lý theo quy định Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018; Nhãn sản phẩm thực phẩm đối với những sản phẩm thuộc diện phải ghi nhãn...
Trong Tháng hành động Vì ATTP năm 2020, cấp tỉnh đã tổ chức 1 đoàn kiểm tra liên ngành, 3 đoàn kiểm tra chuyên ngành, các huyện, thị xã, thành phố tổ chức 8 đoàn, cấp xã 137 đoàn tiến hành kiểm tra 765 cơ sở. Trong quá trình kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã có ý thức chấp hành tốt Luật ATTP.
Trong đó, 715/765 cơ sở được kiểm tra đạt, tuyến huyện có 18 cơ sở kinh doanh thực phẩm, 2 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống bị xử phạt trên 18 triệu đồng; tuyến tỉnh có 4 cơ sở sản xuất thực phẩm, 8 cơ sở kinh doanh thực phẩm bị xử phạt 28 triệu đồng.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý ATTP trên địa bàn tỉnh còn gặp một số khó khăn. Đó là, do công tác quản lý ATTP của chính quyền địa phương mang tính kiêm nhiệm, vì vậy, có địa phương còn lơ là, chưa nghiên cứu sâu các văn bản pháp luật để triển khai trên địa bàn quản lý.
Ở cấp xã, công tác ATTP được giao cho cán bộ văn hóa phụ trách, trong khi các sản phẩm thực phẩm chủ yếu sản xuất từ nông nghiệp, chuyên môn của cán bộ được giao phụ trách về ATTP còn hạn chế. Về xử lý các trường hợp vi phạm chủ yếu mới dừng lại ở mức độ đánh giá thực trạng và nhắc nhở, vì vậy, kết quả công tác kiểm tra tuyến dưới chưa cao...
Thành Trung