Khoảng thời gian đó tuy ít ỏi, nhưng tôi đã học được ở ông sự nhiệt thành, đam mê mà nghiêm túc, sâu sắc trong công việc và cả sự hóm hỉnh dễ hòa đồng biến phức tạp thành đơn giản, điều này giúp ích rất nhiều cho quá trình tác nghiệp của tôi sau này. Kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, hôm nay, tôi lại đến để nghe ông chia sẻ chuyện đời, chuyện nghề.
Ông là nhà báo Nguyễn Thanh Vân.
Vẫn cái chất hóm hỉnh, ông kể: "Ngày còn nhỏ, mình mê nghe đài lắm, cứ thấy ở đâu có tiếng đài là tìm đến! Nhà nghèo, học hết cấp II (lúc đó đã là rất hiếm) thì xin làm cán bộ tuyên truyền của Ty Văn hóa - Thông tin tỉnh Yên Bái. Yêu nghề viết nên trong những lần về xã, mình đều tranh thủ nắm thông tin và viết bài cộng tác với Báo Yên Bái. Viết nhiều, nhiều bài đạt yêu cầu tuyên truyền, mình trở thành cộng tác viên của Báo”.
Trong những năm ở Ty Văn hóa - Thông tin Yên Bái, tuy hoàn cảnh công việc và điều kiện hết sức khó khăn nhưng để không ngừng nâng cao kiến thức, vừa học vừa làm, ông đã hoàn thành chương trình bổ túc cấp III. Lãnh đạo cơ quan nhận thấy ông đam mê nghề viết và có năng khiếu nên điều ông về làm ở Phòng Biên tập.
Năm 1974, bộ phận này sáp nhập vào Đài Truyền thanh Yên Bái, ông được bổ nhiệm làm Trưởng phòng. Năm 1976, ông theo cơ quan lên Lào Cai làm Trưởng phòng Biên tập thuộc Ty Thông tin khi tỉnh Hoàng Liên Sơn thành lập. Cuối năm 1977, Đài Phát thanh Hoàng Liên Sơn được thành lập, ông trở về làm Trưởng phòng Biên tập của Đài. Lúc này, yêu cầu công việc cao hơn, năm 1979, ông đã thi đỗ và xin cơ quan cho đi học đại học tại Phân viện Báo chí và Tuyên truyền (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền, thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh).
"Rung động trong trái tim, viết mới chạm được vào trái tim"!
Từ một cán bộ tuyên truyền, được Đảng, Nhà nước quan tâm đào tạo, cùng ngọn lửa say nghề, ông Nguyễn Thanh Vân đã trở thành nhà báo được nhiều đồng nghiệp quý mến, được tín nhiệm giữ nhiều trọng trách khác nhau như: Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Tổng Biên tập Báo Yên Bái, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy Văn Yên, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh.
Cương vị nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với những đổi mới, sáng tạo song "máu nghề" vẫn luôn chảy trong ông.
Luôn ý thức mình là một nhà báo, ông trải lòng: "Các cụ đã dạy: "Văn là người". Ý thức, phẩm chất, tư tưởng, tính cách của người viết thế nào nó thể hiện ra bài viết thế ấy. Người biên tập đọc qua là biết ngay người viết lao động như thế nào, nghiêm túc hay hời hợt. Bởi thế, người làm báo có trách nhiệm phải luôn tu dưỡng, học hỏi, thận trọng, nghiêm túc với công việc. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, ngoài nghiệp vụ chuyên môn vững vàng, người làm báo phải có bản lĩnh chính trị, đặc biệt nếu thông thạo ít nhất một ngoại ngữ thì rất tốt”.
Nghiêm túc với nghề, khắt khe với mình, chân thành với đồng nghiệp là phẩm chất đáng quý của nhà báo Nguyễn Thanh Vân. Có nhiều lần anh em trong đơn vị mắc lỗi, là thủ trưởng cơ quan, họp giao ban, ông nghiêm mặt nhắc nhở để cán bộ đó phải thấy rõ mức độ hậu quả lỗi mình gây ra. Tuy nhiên, ngay sau đó, ông lại "tổng kết" bằng một hình ảnh, câu ví von dí dỏm (ví như: "Cậu giỏi thật đấy, chụp thế nào mà để bưởi lủng lẳng trên đầu thủ trưởng?") khiến người được tiếp thu vừa thấm mà lại vừa được phen cười xòa an ủi. Chính điều này đã giúp ông luôn được yêu quý, giúp ông luôn hoàn thành tốt mọi công việc được giao, nhất là công việc của cơ quan tuyên truyền của tỉnh.
Có lẽ vì vậy, tuy đảm đương nhiều trọng trách khác nhau, trăm ngàn mối lo của người đứng đầu, nhưng có lẽ chưa khi nào ông ngừng cầm bút. Đứng đầu cơ quan báo chí của tỉnh, ông luôn giữ tác phong tháng nào cũng đi cơ sở một lần, xuống các xã vùng cao, vùng nông thôn, ăn ngủ nhà dân mà ngày trước ông vẫn thường đùa là đi "lắng nghe hơi thở của dân".
Ông thường chia sẻ với đồng nghiệp: "Chỉ những gì mình thấy rung động trong trái tim khi viết ra mới làm cho người ta cảm động, chạm được vào trái tim bạn đọc và như vậy bài báo mới hiệu quả”. Chả thế, có lần ông đã không cầm được nước mắt cả một buổi sáng khi đọc bài của một nhà báo trẻ viết về bà mẹ Việt Nam anh hùng có 3 con hy sinh cùng báo tử một ngày....
"Nghề báo đã cho mình nhiều thứ!"
Khi làm Tổng Biên tập Báo Yên Bái, có lần, ông quyết định lên Tân Phượng, một xã cực kỳ khó khăn của huyện Lục Yên lúc chưa có đường ô tô đến nơi. Để đến xã, phải đi bộ từ xã Việt Tiến (Bảo Yên - Lào Cai), vượt qua chặng đường đồi núi hàng chục cây số, bữa cơm tối mãi tận 23 giờ đêm. Chuyến đi gian nan, vất vả nhưng đổi lại, ông đã cho ra đời những bài báo sinh động phản ánh thực tế cơ sở, trong đó bài "Trở lại vùng đất Ngọc” được đăng trên Báo Yên Bái và Báo Nhân dân, được cán bộ và nhân dân Lục Yên trân trọng đón nhận.
Nói về lòng yêu nghề, cho đến bây giờ, những đồng nghiệp cũ ở Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh vẫn nhắc lại với một sự thán phục về một người thủ trưởng thường chọn đi những nơi xa xôi, khó khăn nhất, nhiều khi chỉ đến được bằng phương tiện duy nhất là đôi chân.
Ông tâm sự: "Nghề báo cho mình nhiều thứ, giúp mình rất nhiều trong công việc”. Trong 2 năm làm Bí thư Huyện ủy Văn Yên, ông đã đi hết 27 xã của huyện, xã ít nhất cũng đến 2 lần để gặp gỡ, tìm hiểu đời sống, tâm tư, tình cảm của bà con. Từ những chuyến đi thực tế, ông đã cùng tập thể Ban Thường vụ Huyện ủy đề ra những quyết sách đúng đắn để tháo gỡ khó khăn cho địa phương.
Trong khoảng thời gian giữ cương vị Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, ông luôn coi trọng và lấy báo chí là phương tiện tuyên truyền, vận động, tập hợp quần chúng, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân…
Trận lũ quét kinh hoàng xảy ra tại xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn năm 2005 gây thiệt hại nặng nề về người và của (hơn 50 người chết và mất tích), nhờ làm tốt công tác công tác thông tin, tuyên truyền trong điều kiện hạ tầng mạng thông tin còn rất hạn chế, những đau thương, tang tóc do lũ gây ra đã được cả nước, cả thế giới biết đến, quan tâm nên nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ rất lớn từ các tổ chức, cá nhân, trong đó có nhiều kiều bào ta ở nước ngoài.
72 năm tuổi đời, 52 năm tuổi Đảng, đã qua cái tuổi "xưa nay hiếm”, sức đã yếu, nhưng nguồn năng lượng trong ông chưa bao giờ vơi cạn. Nhiều bài báo với lập luận sắc bén vẫn lần lượt ra đời để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, trực diện phản bác những quan điểm sai trái, thù địch, uốn nắn những biểu hiện lệch lạc suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức ngay khi vừa nhen nhóm. Hóm hỉnh mà nghiêm túc, đam mê vẫn tỉnh táo, nhẹ nhàng nhưng vô cùng sâu sắc; người bạn đồng hành là trang giấy, cây bút, với nhà báo Nguyễn Thanh Vân - "lửa nghề" còn cháy mãi.
Đình Tứ