Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm án hình sự (Phòng 7), Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tỉnh có chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm án hình sự; kiểm tra bản án, quyết định hình sự sơ thẩm của cấp huyện, tham mưu với lãnh đạo Viện KSND tỉnh kháng nghị theo trình tự phúc thẩm phát hiện các bản án; quyết định sơ thẩm phát hiện có sai sót vi phạm nghiêm trọng; hướng dẫn chỉ đạo các viện KSND cấp huyện về công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự…
Hưởng ứng các phong trào thi đua của ngành KSND và địa phương phát động, mỗi cán bộ, đảng viên Phòng 7 đều sôi nổi tham gia. Trong thời gian 5 năm (2013 đến 2017), tập thể cán bộ, kiểm sát viên Phòng 7 đã nỗ lực phấn đấu đề cao tinh thần trách nhiệm đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao; nội bộ đoàn kết, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, tổ chức tốt các phong trào thi đua, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần trong tập thể, thực hành tiết kiệm và hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu kế hoạch công tác của ngành đề ra.
Trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm các kiểm sát viên luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, các quy định của pháp luật nên quan điểm, đề nghị của kiểm sát viên tại phiên tòa đều có căn cứ, đúng pháp luật được toà chấp nhận.
Trong số án đã xét xử, Viện KSND đề nghị sửa án sơ thẩm đối với 180 vụ/349 bị cáo; hủy án sơ thẩm 7 vụ/ 10 bị cáo và đều được tòa án chấp nhận; không có vụ án nào có sai sót, vi phạm bị Viện KSND cấp cao kháng nghị giám đốc thẩm. Công tác kiểm tra và chỉ đạo cấp huyện về hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự cũng được Phòng đặc biệt chú trọng.
Phòng tham mưu với lãnh đạo Viện KSND tỉnh hướng dẫn, chỉ đạo sát sao việc tổ chức các phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm để rút kinh nghiệm đối với kiểm sát viên, kết quả có 3 đơn vị cấp tỉnh và 9 đơn vị viện KSND cấp huyện phối hợp với tòa án cùng cấp tổ chức được tổng số 352 phiên tòa. Sau khi tham dự tiến hành kiểm tra hồ sơ kiểm sát xét xử hình sự đã tổ chức họp rút kinh nghiệm; đồng thời, ban hành thông báo rút kinh nghiệm chung bằng văn bản gửi các viện KSND cấp huyện để cùng học hỏi rút kinh nghiệm; qua đó, kỹ năng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự tại phiên tòa nâng lên, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp hiện nay.
Giai đoạn 2013 - 2017, Phòng 7 đã thực hiện kiểm tra 2.079 bản án sơ thẩm, 1.934 báo cáo kết quả sơ thẩm của cấp huyện; sau kiểm tra đã tham mưu, đề xuất với lãnh đạo Viện KSND tỉnh ban hành 22 quyết định kháng nghị phúc thẩm (tất cả các các vụ án Viện KSND tỉnh kháng nghị đưa ra xét xử đều được Tòa án chấp nhận) và ban hành 13 kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm (tất cả các kiến nghị đều được Tòa án tiếp thu và sửa chữa, khắc phục vi phạm).
Tuy biên chế còn hạn chế, khối lượng công việc nhiều nhưng đơn vị luôn xác định công tác hướng dẫn nghiệp vụ, trả lời thỉnh thị đối với viện KSND cấp huyện là một trong những công việc trọng tâm, cần phải quan tâm đầu tư, nhằm nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử hình sự trong toàn tỉnh. Đơn vị trực tiếp nghiên cứu trả lời thỉnh thị về nghiệp vụ 3 vụ án của viện KSND cấp huyện các vụ án đã được giải quyết theo đúng quy định của pháp luật và hàng chục ý kiến tranh thủ về nghiệp vụ, giúp các đơn vị cấp huyện tháo gỡ vướng mắc trong việc giải quyết án hình sự.
Ghi nhận những thành tích đã đạt được, nhiều năm qua, Phòng 7, Viện KSND tỉnh được công nhận là "Tập thể lao động xuất sắc”, tập thể Phòng và nhiều cá nhân được tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý của UBND tỉnh và Viện KSND Tối cao. Đặc biệt, năm 2017, Phòng 7 vinh dự được Đảng, Chính phủ tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.