Lương tối thiểu vùng năm 2021 có thể chưa tăng

  • Cập nhật: Thứ tư, 5/8/2020 | 2:23:42 PM

Chín thành viên Hội đồng tiền lương đồng ý chưa tăng lương tối thiểu năm 2021, bốn đại diện Tổng liên đoàn không bỏ phiếu tán thành.

Phiên họp có 13 thành viên đại diện cho ba bên, gồm Bộ Lao động, VCCI và Tổng liên đoàn lao động.
Phiên họp có 13 thành viên đại diện cho ba bên, gồm Bộ Lao động, VCCI và Tổng liên đoàn lao động.

Sáng 5/8, 13 thành viên Hội đồng tiền lương Quốc gia (Hội đồng) đã họp bàn phiên thứ hai, bỏ phiếu với kết quả đa số đồng ý chưa tăng lương tối thiểu vùng cho đến hết năm 2021, giữ nguyên mức cũ với bốn vùng.

Theo đó, vùng I là 4,42 triệu đồng, vùng II 3,92 triệu, vùng III 3,43 triệu và vùng IV 3,07 triệu đồng.

Chín thành viên Hội đồng bỏ phiếu đồng tình, bốn thành viên Tổng liên đoàn không bỏ phiếu vì "phương án không đáp ứng được nguyện vọng của người lao động". Trước đó khi thương lượng, cơ quan này đề xuất hai phương án lương tối thiểu tăng bình quân 3,95% áp dụng từ 1/7/2021; hoặc tăng bình quân 2,5% áp dụng từ 1/1/2021, song không được chấp thuận.

Phương án sẽ được Hội đồng trình Chính phủ quyết định. Việc hoãn tăng lương được đưa ra trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào làn sóng Covid-19 thứ hai hơn mười ngày. Phiên họp trước đó diễn ra vào cuối tháng 6 tại Quảng Ninh, khi làn sóng thứ nhất vừa kết thúc, khiến hàng loạt doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, thiếu đơn hàng, gần 30,8 triệu lao động bị ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập và việc làm, mất hoặc giãn việc.

"Việc chưa điều chỉnh lương tối thiểu vùng chỉ nên hoãn đến mốc 1/7/2021. Đầu năm sau, căn cứ vào tình hình kinh tế xã hội nên xem xét lại có điều chỉnh tiếp hay không", ông Lê Đình Quảng, Phó ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đề xuất.

Có quan điểm trái chiều, ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nói doanh nghiệp đang gặp khó khăn do Covid-19, mong người lao động đồng hành.

Từng nhiều năm làm chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia, ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động nhận định, Covid-19 khiến nền kinh tế ảm đạm, cuối năm có thể thêm nhiều người thất nghiệp. Điều quan trọng là doanh nghiệp phải tồn tại thì mới giữ được việc làm. Tăng lương là mong muốn chính đáng của người lao động, nhưng trong lúc này cũng cần chia sẻ với doanh nghiệp để vượt qua khủng hoảng.

"Đến năm 2021 nếu tình hình ổn định, có thể bàn tính lại phương án tăng", ông Huân nói.

Lương tối thiểu vùng là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp thỏa luận, trả lương cho người lao động. Mức lương này áp dụng với người làm việc theo chế độ hợp đồng của Bộ luật Lao động; làm việc trong doanh nghiệp thành lập theo Luật Doanh nghiệp; hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam có thuê lao động.

(Theo VnExpress)

Các tin khác
Khung cảnh vụ nổ tại Beirut.

Đã có ít nhất 78 người thiệt mạng và gần 4.000 người bị thương trong vụ nổ tại khu vực cảng thành phố Beirut, trong đó có nhiều công dân nước ngoài.

Qua công tác kiểm tra, thanh tra, trong tháng 7/2020, Thanh tra Sở Y tế đã xử phạt vi phạm hành chính 6 cơ sở với số tiền 72,7 triệu đồng.

Lãnh đạo xã Yên Phú kiểm tra việc xây nhà cho hộ người có công.

Huyện Văn Yên được phê duyệt làm mới và sửa chữa 157 nhà cho người có công với cách mạng và hộ nghèo đặc biệt khó khăn.

Ảnh minh họa.

Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đề nghị các đơn vị liên quan thực hiện chi trả gộp 2 tháng 8 và 9 lương hưu, trợ cấp BHXH, bảo hiểm thất nghiệp cho người hưởng ở 5 tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi và Đắk Lắk.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục