Triển khai thí điểm việc phân loại, thu gom, vận chuyển xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, Sở TN&MT đã phối hợp với UBND huyện Trấn Yên và xã Việt Thành tập huấn phân loại rác thải cho các hộ gia đình trên địa bàn xã; khảo sát, lựa chọn các địa điểm, vị trí để đặt thùng rác công cộng, mua sắm các trang thiết bị, dụng cụ cần thiết để hỗ trợ cho xã.
Xã cũng đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện phân loại rác thải và tham gia mô hình thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải; thành lập tổ tự quản bảo vệ môi trường; xây dựng phương án thu, quản lý và sử dụng phí vệ sinh môi trường trên địa bàn.
Đồng thời, UBND xã còn tiến hành đầu tư nâng cấp, cải tạo các điểm tập kết rác thải tập trung hiện tại của xã dọc theo trục đường Yên Bái - Khe Sang; phối hợp với Đội Giao thông và Dịch vụ huyện để thu gom rác từ các hộ gia đình ra điểm tập kết.
Sau thời gian thí điểm, tháng 11/2019, mô hình chính thức ra mắt. Đến nay, 100% hộ gia đình trên địa bàn xã đã thực hiện phân loại chất thải sinh hoạt rắn ngay tại hộ gia đình thành 3 loại theo đúng hướng dẫn.
Theo đó, chất thải hữu cơ được tận dụng làm thức ăn chăn nuôi hoặc ủ trong các hố chôn lấp, phun chế phẩm xử lý đảm bảo hợp vệ sinh, có thể sử dụng trong trồng trọt; chất thải nhựa và chất thải vô cơ khác có thể tái chế được thu gom, phân loại riêng và bán lại cho những người thu mua đồng nát, ve chai, phế liệu; chất thải vô cơ không tái chế được thu gom, vận chuyển và xử lý tập trung tại bãi rác xã Báo Đáp.
Nếu như trước đây, chỉ có khoảng 100 hộ dân trên địa bàn xã dọc theo trục đường Yên Bái - Khe Sang thực hiện thu gom rác thải ra các bãi tập kết và ký hợp đồng với Đội Giao thông và Dịch vụ huyện để vận chuyển, xử lý tại bãi rác xã Báo Đáp thì với mô hình này, đến nay chất thải rắn sinh hoạt của 100% các hộ gia đình trên địa bàn xã (848 hộ) đã được thu gom, xử lý tập trung.
Mô hình còn cho thấy rõ hiệu quả khi lượng chất thải phải xử lý giảm rõ rệt. Lúc mới triển khai mô hình, các tổ thực hiện thu gom 2 lần/ tuần song hiện nay trung bình tần suất thu gom là 1 lần/ tuần, cá biệt có những thời điểm 2 tuần mới phải thu gom 1 lần.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Nga - Phó Chủ tịch UBND xã Việt Thành cho biết: "Việc xây dựng mô hình phân loại tại nguồn và thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại xã Việt Thành góp phần nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của người dân về công tác bảo vệ môi trường nói chung, trong đó có công tác phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, giữ gìn vệ sinh môi trường tại gia đình và khu dân cư. Mô hình cũng giúp cho xã Việt Thành nâng cao và hoàn thành tiêu chí về môi trường trong xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu theo đúng quy định. Môi trường của xã ngày càng tốt hơn, đường làng, ngõ xóm xanh - sạch - đẹp, không có tình trạng chất thải rắn sinh hoạt vứt bừa bãi ra các khu vực công cộng”.
Công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn giúp nâng cao tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được tái chế, tái sử dụng, giảm lượng chất thải phải mang đi xử lý tập trung, giảm áp lực cho các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Từ hiệu quả của việc triển khai ở Việt Thành cho thấy đây là mô hình cần được quan tâm để tiếp tục nhân rộng.
Thu Hạnh