Nhiệt độ xuống thấp, kéo dài nhiều ngày qua đã làm cho con trai nhỏ của chị Phùng Thị Thắm ở thôn Khe Phưa, xã Minh An bị ho kéo dài. Chị quyết định cho con trai đi khám tại Trung tâm Y tế huyện. Sau khi thăm khám, con trai chị được chẩn đoán bị viêm phế quản cấp, phải nằm điều trị tại bệnh viện. Sau 7 ngày nằm viện, bệnh cháu đã thuyên giảm hẳn và sớm được ra viện.
"Không chỉ làm tốt nhiệm vụ chuyên môn là thăm, khám và điều trị bệnh nhân mà trong quá trình con điều trị, tôi đã được các bác sĩ Trung tâm hướng dẫn cách phòng, chống các loại bệnh khi thời tiết giao mùa, cách vệ sinh tai - mũi - họng, giữ ấm chăm sóc cho trẻ để hạn chế mắc các bệnh về hô hấp khi thời tiết rét đậm, rét hại” - chị Thắm chia sẻ.
Những ngày qua, Khoa Nội - Nhi, Trung tâm Y tế huyện Văn Chấn tiếp nhận lượng bệnh nhân tương đối cao. Trung bình mỗi ngày có 95 - 100 bệnh nhân điều trị bệnh tại Khoa, trong khi số giường thực tế là 80 giường.
Bệnh nhân chủ yếu bị các bệnh về đường hô hấp và tim mạch như: hen suyễn, viêm phế quản, viêm phổi, đột quỵ... Hầu hết bệnh nhân từ 60 tuổi trở lên và bệnh nhi dưới 6 tuổi phải nhập viện do mắc các bệnh liên quan đến thời tiết lạnh.
Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Hậu - Trưởng khoa Nội - Nhi, Trung tâm Y tế huyện Văn Chấn cho biết thêm: "Để việc chăm sóc bệnh nhân được đảm bảo, Khoa đã kê thêm giường bệnh để bệnh nhân không phải nằm ghép, tham mưu với Ban Giám đốc tăng cường bác sĩ từ các khoa khác sang. Đồng thời, động viên đội ngũ y, bác sĩ và điều dưỡng viên trong Khoa nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì người bệnh, thực hiện đầy đủ các bước thường lệ như: giao ban, đi buồng, khám, chỉ định làm các xét nghiệm và chỉ định thuốc điều trị cho bệnh nhân...”.
Từ đầu tháng 12, do nhiệt độ giảm mạnh, huyện Văn Chấn đã có nhiều xã vùng cao, nhiều thôn bản ở vùng sâu, vùng xa nhiệt độ xuống rất thấp vào ban đêm và sáng sớm.
Do đó, người nhập viện tăng, bệnh nhân điều trị nội trú tăng từ 15 - 20%, cục bộ ở một số khoa như: Nội - Nhi, Cấp cứu, Ngoại tổng hợp... Những bệnh này đều có liên quan đến việc thay đổi thời tiết đột ngột. Tuy lượng bệnh nhân nhập viện tăng nhưng Trung tâm đã chuẩn bị đầy đủ về thuốc men, phương tiện máy móc, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân.
Với 11 khoa chuyên môn và 5 phòng chức năng, 7 phòng khám đa khoa khu vực và 24 trạm y tế xã, thị trấn. Trung tâm đang thực hiện đồng thời hai chức năng là khám chữa bệnh và y tế dự phòng; đồng thời, quản lý các trạm y tế xã, thị trấn.
Rút kinh nghiệm trong quá trình điều trị, ngay từ đầu mùa đông, Trung tâm đã chỉ đạo trạm y tế các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người dân cách phòng, chống một số loại bệnh khi thời tiết giao mùa, đặc biệt là khi nhiệt độ xuống thấp cần giữ ấm cho cơ thể, ăn uống đủ chất, tăng cường ăn rau xanh, hoa quả để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Đồng thời, khuyến cáo người dân không sưởi qua đêm bằng than củi hoặc bếp than tổ ong để hạn chế những vụ ngộ độc đáng tiếc xảy ra. Cùng với đó, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, người dân cần nêu cao tinh thần chủ động phòng chống dịch, tránh tụ tập nơi đông người và đeo khẩu trang khi đi ra ngoài...
Bác sĩ Hoàng Văn Hải - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Văn Chấn khuyến cáo: Các gia đình cần thường xuyên theo dõi diễn biến của thời tiết; giữ ấm, ăn uống đủ chất dinh dưỡng, tránh lạnh đột ngột, phòng ngủ phải bảo đảm kín, tránh gió lùa. Trẻ nhỏ nên bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng; cho trẻ tiêm phòng đầy đủ, giữ ấm cho trẻ khi thời tiết trở lạnh. Đối với người cao tuổi khi có biểu hiện tăng huyết áp, ho, sốt, khó thở phải đến cơ sở y tế gần nhất để kịp thời xử lý.
Ngọc Thúy - Minh Chiến (Trung tâm TT&VH huyện Văn Chấn)