Số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là gần 4.000 trẻ; trong đó, trẻ em khuyết tật là 1.900, trẻ em bị bỏ rơi và trẻ em mồ côi không nơi nương tựa là gần 2.000 trẻ, trẻ bị nhiễm HIV/AIDS là 65 trẻ. Ngoài ra, còn có khoảng 60.000 trẻ em sống trong hộ gia đình nghèo, trên 2.000 trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.
Các nội dung Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2012-2020 theo Quyết định số 1555/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được tỉnh triển khai với những giải pháp phù hợp, thiết thực nhằm mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho trẻ em. Sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng được thể hiện qua các văn bản triển khai công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Văn bản chỉ đạo và kế hoạch tổ chức thực hiện đã đảm bảo tính phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương, phù hợp với phong tục tập quán, đáp ứng yêu cầu thực hiện quyền trẻ em ở vùng cao, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, nhận được sự đồng thuận của nhân dân.
Công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức linh hoạt đã tạo được sự lan tỏa, hưởng ứng, quan tâm của đông đảo người dân và cộng đồng, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, cộng đồng, gia đình và toàn xã hội, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền trẻ em, đặc biệt là trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số nhằm thực hiện hiệu quả hơn các chính sách, chương trình và vận động xã hội để giảm khoảng cách về cơ hội phát triển và tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế, giáo dục, bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nước sạch và các dịch vụ phúc lợi xã hội của trẻ em giữa các vùng kinh tế và dân tộc.
Công tác xã hội hóa về bảo vệ, chăm sóc trẻ em được đẩy mạnh, các hoạt động chăm sóc giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được quan tâm, chia sẻ từ chính cộng đồng các em đang sống, đặc biệt là trẻ em bị ảnh hưởng HIV/AIDS, trẻ em mồ côi, trẻ em khuyết tật và trẻ em bị bạo lực, xâm hại. Quỹ Bảo trợ trẻ em các cấp đã làm tốt công tác vận động ủng hộ, tranh thủ các sự giúp đỡ của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam tăng thêm nguồn kinh phí để hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và đầu tư các công trình phục vụ cho trẻ em vùng đặc biệt khó khăn, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc.
Công tác quản lý và sử dụng quỹ được đảm bảo có hiệu quả, đã triển khai các chương trình như: cấp học bổng, tặng quà cho trẻ em nhân ngày lễ, tết, Trung thu; hỗ trợ phẫu thuật cho trẻ em khuyết tật, tim bẩm sinh; hỗ trợ các trường mầm non xây dựng các công trình phúc lợi, phản nằm, chăn ấm cho trẻ em. Trên 10.000 trẻ em được hỗ trợ về đồ dùng sinh hoạt, học tập; đồ ấm mùa đông; được hỗ trợ nhà ở, bảo trợ hàng tháng, hỗ trợ đột xuất, hỗ trợ dinh dưỡng, được khám chữa bệnh miễn phí… thông qua Quỹ Bảo trợ trẻ em.
Cùng đó, nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế đã được triển khai. Có thể kể đến Dự án Nâng cao năng lực cho hệ thống bảo vệ trẻ em, chấm dứt bạo lực trẻ em do Tổ chức Tầm nhìn Thế giới tài trợ; Dự án Thúc đẩy các giải pháp thay thế nhằm cải thiện dinh dưỡng trẻ em và an ninh lương thực cho những người nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do Tổ chức Cứu trợ trẻ em Nhật Bản tài trợ được triển khai tại 9 xã huyện Văn Chấn…
Qua đó, các chỉ tiêu/mục tiêu của Chương trình đã đạt so với kế hoạch đề ra, từ các mục tiêu về y tế, giáo dục, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đến vui chơi, giải trí…, góp phần mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho trẻ em trên địa bàn. Yên Bái được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi vào năm 2015.
Đến năm 2020, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi còn 24,7%; tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi còn 16,2%; 85% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, tái hòa nhập và có cơ hội phát triển; 50% số xã có trung tâm hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí tổng hợp, trong đó có khu vui chơi giải trí cho trẻ em; trên 75% xã, phường phù hợp với trẻ em… Mỗi năm giảm 4% trẻ em bị tai nạn thương tích; tăng tỷ lệ trẻ em tham gia diễn đàn trẻ em các cấp mỗi năm 2,5%...
Thời gian tới, dự báo tình hình trẻ em bị đuối nước, trẻ em bị bạo lực, xâm hại chưa có chiều hướng thuyên giảm. Nhiệm vụ công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được các cấp, các ngành và toàn xã hội quan tâm, đặt ra những khó khăn, thách thức mới, yêu cầu cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của mọi người dân. Ngoài việc sử dụng nguồn lực của Nhà nước thì việc vận động xã hội hóa công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em cần được đề cao để đảm bảo thực hiện tốt các mục tiêu bảo vệ trẻ em theo kế hoạch đề ra.
Thu Hạnh