Bảo đảm ATTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm; hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp tết Nguyên đán Tân Sửu và lễ hội xuân năm 2021, thời điểm này, các địa phương trong tỉnh đang tập trung cao điểm cho công tác tuyên truyền về ATTP.
Ông Nguyễn Mạnh Hà - Trưởng phòng Y tế huyện Trấn Yên cho biết: "Thực hiện sự chỉ đạo của cấp trên và huyện Trấn Yên, chúng tôi đã phối hợp với Trung tâm Truyền thông và Văn hóa huyện, tổ phát thanh các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền trực tiếp thông qua các buổi họp tại cộng đồng, nhằm phổ biến các nội dung của Luật ATTP, các văn bản của Chính phủ và các bộ, ngành, UBND các cấp về công tác đảm bảo ATTP, các tiêu chuẩn, quy chuẩn quy định điều kiện ATTP, kiến thức về vệ sinh ATTP; về phòng ngừa ngộ độc (không ăn các loại thực phẩm như nấm rừng, nội tạng cóc, uống các loại nước ngâm cây rừng không rõ nguồn gốc, ngộ độc do rượu… nhất là tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định của pháp luật”.
Qua các phương tiện thông tin đại chúng, Trấn Yên kịp thời biểu dương các điển hình tiên tiến, mô hình sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, đồng thời cũng công khai các tổ chức, cá nhân vi phạm về ATTP.
Là trung tâm tỉnh lỵ, địa bàn thành phố Yên Bái là đầu mối giao thương các mặt hàng phục vụ đời sống xã hội, nhất là lĩnh vực sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm. Vì vậy, các hình thức truyền thông để phổ biến các quy định của pháp luật về ATTP cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm đến người tiêu dùng được các cơ quan chức năng của thành phố đặc biệt quan tâm.
Đồng chí Vũ Thị Thanh Thủy - Trưởng phòng Y tế thành phố Yên Bái cho biết: "Thành phố Yên Bái đã triển khai kế hoạch bảo đảm ATTP tết Nguyên đán Tân Sửu và mùa lễ hội xuân năm 2021. Với công tác tuyên truyền, chúng tôi đã xác định những nhiệm vụ cụ thể để tuyên truyền theo các thời điểm trước, trong và sau tết. Xác định nội dung cho từng đối tượng như đối với chính quyền các cấp, các nhà quản lý; nêu cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc quản lý ATTP tại địa phương, cơ sở; đối với người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; đối với người tiêu dùng thực phẩm… Huy động sự vào cuộc của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong việc tuyên truyền các kiến thức về ATTP, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm đến người trực tiếp sản xuất, chế biến thực phẩm và cộng đồng dân cư, kịp thời cảnh báo nguy cơ mất ATTP trong dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán Tân Sửu và mùa lễ hội xuân năm 2021”.
Thời điểm trước tết, cơ quan chức năng tỉnh tập trung tuyên truyền đối với người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm với các nội dung như: phổ biến các quy định về điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.
Sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến được phép sử dụng, đúng liều lượng, đúng đối tượng theo quy định trong sản xuất, chế biến thực phẩm. Đảm bảo các điều kiện bảo quản, kinh doanh giò, chả, bánh chưng, bánh tét, bánh, mứt cổ truyền để đảm bảo ATTP.
Nghị định số 115 ngày 4/9/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP; phổ biến các mô hình sản xuất, kinh doanh, các sản phẩm, chuỗi thực phẩm an toàn, các sản phẩm truyền thống của địa phương nhằm quảng bá, khích lệ sản xuất sản phẩm thực phẩm an toàn, mang đậm nét truyền thống, đặc sản địa phương...
Vì sức khỏe và sự phát triển bền vững, mỗi người tiêu dùng hãy là một giám sát viên, đấu tranh với các hành vi vi phạm ATTP, để tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 và mùa lễ hội được diễn ra vui tươi, an toàn.
Thành Trung