Tự hào tết Việt!

  • Cập nhật: Chủ nhật, 14/2/2021 | 8:44:22 AM

YênBái - Cành đào bích với những nụ hoa chúm chím xen lẫn chồi lá xanh biếc cùng mâm ngũ quả, bánh chưng, đồ lễ được bày biện ngăn nắp trên ban thờ tổ tiên. Nhà cửa trang hoàng sạch sẽ và hơn hết con cháu đi làm ăn xa quê đều trở về đón tết cùng ông bà, cha mẹ.

Mâm cơm Tết Việt là trung tâm của sự đoàn viên. (Ảnh: minh họa)
Mâm cơm Tết Việt là trung tâm của sự đoàn viên. (Ảnh: minh họa)

Chỉ vậy thôi, đối với cụ ông Nguyễn Văn Phương, 75 tuổi, ở tổ 3 phường Minh Tân, thành phố Yên Bái, tết đã đủ đầy. 

Năm Canh Tý 2020 với gia đình cụ Phương là năm nhiều may mắn và thành công. Cụ Phương chia sẻ: "Đối với người Việt nói chung và bản thân gia đình tôi luôn tin rằng "có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Nên để năm mới may mắn, bình an, tài lộc và hạnh phúc, gia đình tôi vẫn giữ truyền thống tốt đẹp như: đón giao thừa, hái lộc, xông đất, xuất hành, chúc tết, mừng tuổi, đi lễ cầu may... với niềm tin khởi đầu năm mới thuận lợi, cả năm cũng sẽ hanh thông mọi sự. Bởi vậy, những phong tục ngày tết luôn được các thành viên trong gia đình tôi trân trọng, duy trì”.

Với bất cứ gia đình Việt nào, phong tục đón giao thừa đều vô cùng quan trọng, thiêng liêng khi đất trời chuyển giao năm cũ - năm mới. Vào đúng thời khắc đêm giao thừa hoặc vào sáng sớm mùng 1, người Việt thường có thói quen đi hái lộc đầu năm với mong muốn rước lộc về nhà, hy vọng một năm mới thật nhiều may mắn. 

Xông đất cũng là phong tục rất được coi trọng trong năm mới, nhất là với những người kinh doanh, buôn bán. Với quan niệm rằng, người xông đất sẽ quyết định cả một năm hanh thông, phát đạt, bởi vậy, gia chủ thường mời những người hợp tuổi với chủ nhà đến xông đất với niềm tin rằng, người đó sẽ mang may mắn, điềm lành trong suốt cả một năm. Đi chúc tết cũng là một nét đẹp văn hóa được lưu truyền trong tết Việt. 

Vào ngày mùng 1 tết, con cháu có lệ đi chúc tết ông bà, cha mẹ, hai bên nội ngoại cùng với phong bào lì xì gửi trao may mắn. Đặc biệt, phong tục đi lễ đền, chùa trong những ngày đầu của năm mới là một nét đẹp văn hóa tâm linh vẫn được giữ gìn mà ở đó mỗi người sẽ tìm thấy sự thư thái, tĩnh tại, an yên trong ngày đầu xuân mới. 

Theo cụ Nguyễn Văn Phương: "Tết ngày nay ít nhiều đã khác với tết xưa. Ngày trước, cuộc sống khó khăn thường gọi là "ăn tết” nhưng ngày nay cuộc sống đủ đầy về vật chất dần chuyển thành "chơi tết”, "nghỉ tết”. Nhưng nét văn hóa ngày xuân thì không hề thay đổi. Vẫn cành đào, cây quất, bánh chưng xanh, vẫn đi chúc tết họ hàng, bạn bè, vẫn mừng tuổi đầu năm cho con trẻ… Điều đó cần được quan tâm giữ gìn, phát huy cho thế hệ sau”. 

Thực tế, mỗi người vẫn mong về ngày tết đoàn viên, và giá trị truyền thống vẫn đang được phát huy gìn giữ, trong đó có những gia đình trẻ. Với gia đình anh Trần Tuấn Hào, phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái năm nay là năm đầu tiên đón tết trong căn nhà mới. Dù hối hả với công việc cuối năm, anh vẫn sắp xếp để chuẩn bị một cái tết chu toàn cho gia đình nhỏ của mình. 

Anh Hào chia sẻ: "Dù xã hội ngày nay phát triển thế nào, ngày tết vẫn là ngày lễ trọng đại nhất trong năm. Đón cái tết đầu tiên cho tổ ấm của riêng mình, tôi và vợ con đã cùng tìm hiểu và chuẩn bị một cái tết theo đúng những phong tục mà ông bà, bố mẹ tôi vẫn làm. Từ việc lau dọn bàn thờ, cúng ông Táo ngày 23 tháng Chạp đến việc sửa soạn mâm cơm cúng tất niên, cúng giao thừa… để ngày tết thêm ý nghĩa”. 

Phong tục cổ truyền ngày tết không chỉ là những hoạt động văn hóa mang tính biểu trưng, mà còn là sợi dây kết nối quá khứ với hiện tại, là niềm tự hào thiêng liêng của mỗi người con đất Việt.

  Thu Hiền

Các tin khác

Mùa xuân này đặc biệt hơn những mùa xuân qua đối với người dân các xã phía hữu ngạn sông Hồng của huyện Trấn Yên nói chung, người dân xã Y Can nói riêng. Bởi vừa mới đây thôi, cây cầu Cổ Phúc - cây mơ ước của bao thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân đã chính thức nối nhịp dòng sông đưa Y Can - vùng quê vốn cách trở đò ngang nay đang lại gần những ước vọng phát triển.

Vui mùa quả ngọt.

Một sớm xuân! Nghe chộn rộn bởi những lời gần xa chúc nhau hạnh phúc với những điều tốt đẹp. Vậy ra: “Hạnh phúc” có phải không, đó là gói lại tất cả những điều tốt đẹp mà mỗi người, mỗi cộng đồng mong có và trao gửi cho nhau vào phút giao thời đón năm mới.

Việc vui xuân, đón giao thừa năm nay đã chịu ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn ra hết sức phức tạp. Các hoạt động du ngoạn đã hạn chế, lễ hội chào đón năm mới không diễn ra, người dân thành phố Yên Bái bình an đón thời khắc giao thừa.

Sắc xuân rộn ràng trên khắp các nẻo đường, góc phố ở TP Yên Bái.

Dù đã chính thức dừng tổ chức đón pháo hoa để phòng, chống dịch Covid-19 nhưng không khí chào đón năm mới ở TP Yên Bái vẫn rộn ràng, rực rỡ khắp các nẻo đường, góc phố.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục