“Tết này, con không về”

  • Cập nhật: Chủ nhật, 14/2/2021 | 2:19:08 PM

YênBái - Ngày Tết trong văn hóa người Việt là sự sum họp, là cảm giác quây quần của tình thân và chia sẻ những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình. Thế nhưng trước tết năm Tân Sửu chỉ vài ngày, làn sóng thứ 3 của dịch Covid-19 hoành hành tại một số tỉnh, thành trong cả nước khiến cho cuộc đoàn tụ của nhiều gia đình đã không thể thực hiện, nhiều người con đã không thể trở về nhà vào dịp Tết này.

Vợ ông Trần Đức Kha, 71 tuổi ở phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái gọi  video call với anh con trai lớn đang công tác tại Hà Nội, vì dịch mà không thể về sum họp cùng gia đình tết Nguyên đán này.
Vợ ông Trần Đức Kha, 71 tuổi ở phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái gọi video call với anh con trai lớn đang công tác tại Hà Nội, vì dịch mà không thể về sum họp cùng gia đình tết Nguyên đán này.

Gia đình ông bà Thắng Lê ở phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái năm nay đón Tết có thêm một thành viên đặc biệt. Đó là bạn Đỗ Thu Thảo, sinh viên K53, báo ảnh của Học viện Báo chí - Tuyên truyền. 

Trong gia đình ông bà, ai cũng dành cho Thảo sự quan tâm hơn bởi nhà Thảo ở thành phố Hải Dương, ba mẹ Thảo cùng em trai và tất cả người dân ở Hải Dương đang phải thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt phòng chống dịch, còn em thì không thể về nhà ăn tết. 

Thảo chia sẻ: "Trước kỳ nghỉ tết, thầy cô khuyên nếu các bạn mà gia đình đang ở vùng dịch thì không nên về nhà trong dịp tết mà có thể ở lại ký túc. Nhưng ngày tết là ngày sum vầy bên gia đình, em cũng hỏi ý kiến ba mẹ ở nhà, ba mẹ cũng bảo em nên ở lại trường vì sợ khi về phải cách ly khó quay lại trường để tiếp tục việc học theo đúng lịch được. Rất may, bạn Liên Hương đã mời em về nhà ăn tết cùng gia đình bạn ấy. Để đảm bảo an toàn cho 2 đứa, bác Thắng (bố Liên Hương) đã xuống tận trường đón chúng em bằng xe riêng. Ở đây, 2 bác quan tâm em, động viên em lắm. Lần đầu tiên trong đời em ăn tết xa nhà. Đêm 30 nhớ bố mẹ mà chỉ muốn chảy nước mắt”. 

Năm 2020 đã có quá nhiều những biến động do đại dịch Covid-19 gây ra, thế nên Tết Tân Sửu này, nhiều người làm ăn xa cũng đã phải chọn ăn Tết xa quê như không thể khác. Những thương nhớ, những ký ức và cả những mong ngóng vì thế cũng trở nên nhiều nỗi niềm. Không ai vui khi không thể về quê nhà ăn Tết. Nhưng ở lại thành phố cũng là một lựa chọn cho sự an toàn của bản thân và những người thân yêu… 

Mấy ngày Tết, ông Trần Đức Kha, 71 tuổi ở phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái hầu như chỉ ở trong nhà. Phần vì theo khuyến cáo của các cơ quan chức năng hạn chế việc thăm gặp trong ngày Tết, phần vì ông còn bận chuyện trò với anh con trai lớn đang công tác tại Hà Nội, vì dịch mà không thể về sum họp cùng gia đình như mọi năm. 

Ông chia sẻ: "Nhà con tôi ở quận Nam Từ Liêm, trong quận thì cũng đã có mấy địa chỉ đang khoanh vùng dịch, mặc dù chỗ con gái tôi ở không có ca nhiễm nào nhưng để dự phòng, đảm bảo an toàn cho tất cả mọi người, vợ chồng nó quyết định ở lại Hà Nội đón Tết. Nhưng sợ bố mẹ buồn và cũng nhớ cảm giác sum họp nên ngày nào nó cũng gọi điện hình ảnh về cho vợ chồng tôi, nhà gói bánh, nấu cỗ hay làm bất cứ thủ tục ngày tết nào bố mẹ lại cũng gọi hình ảnh cho vợ chồng nó và mấy đứa nhỏ để đỡ phần nhớ nhà. Vợ chồng tôi bảo nhau tết này là "tết livestream". Nhưng mà cũng may là nhờ có công nghệ mà mọi người còn được cảm giác gần hơn trong dịp Tết”. 

Cũng giống như anh con trai ông Kha, chị Lê Na, con gái thứ của bà Cẩm Lê – phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái cũng đã không thể về nhà ăn tết cùng bà. Định cư tại Hà Nội gần 20 năm nay, nhưng chưa một năm nào chị Lê Na không về ăn Tết ở Yên Bái, bởi 2 bên gia đình nội ngoại của chị vẫn đang sống tại thành phố Yên Bái. 

Là một bác sĩ, chị hiểu hơn ai hết việc phòng dịch quan trọng như thế nào. Song có lẽ dù sự cứng rắn của một bác sĩ có sẵn trong chị đến đâu đi chăng nữa thì việc không thể sum họp bên gia đình ngày Tết cũng khiến cho chị trở nên yếu đuối. 

Bà Lê chia sẻ: "Nhà có mỗi cô gái thứ định cư tại Hà Nội, còn lại các anh chị em đều ở quanh đây cả. Hàng năm ngày Tết các con về sum vầy bên tôi, năm nay thiếu mình nó. Tối qua gọi điện hình ảnh về cho mẹ thấy cả nhà đang ngồi quây quần bên mâm cơm, nó khóc nức nở, khiến mọi người trong nhà ai cũng xót xa”. 

Chị Lê Na cũng như nhiều người con làm việc xa quê không thể về bên gia đình trong những ngày Tết này không thiếu bất cứ thứ gì, chỉ thiếu duy nhất là tình thân sum họp. 

Tết này nhiều người con xa quê đã không thể về nhà, song chúng ta vẫn đang ở trong cùng một cái Tết giữa trời và đất này. Những người mà chúng ta thương yêu vẫn luôn quan tâm và hướng những lời chúc tốt đẹp dành cho nhau. "Tết này, con không về để tất cả những Tết sau con sẽ về" - đó là mong ước của tất cả mọi người, đó cũng là sự đồng lòng vượt qua giai đoạn khó khăn này, chiến thắng dịch bệnh. 

Thanh Ba

Tags Nguyễn Thái Học thành phố Yên Bái con không về

Các tin khác

Các mặt hàng thực phẩm, đồ dùng sau Tết Nguyên đán sức tiêu thụ kém không phải là điều đáng ngạc nhiên khi nền kinh tế còn khó khăn, đặc biệt, năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên người dân hạn chế tụ tập đông người, nhà nào ăn tết nhà nấy nên mặc dù giá thành ổn định, hàng hóa phong phú nhưng sức mua chưa cao.

Thời gian qua, thành phố Yên Bái luôn nỗ lực để mang một cuộc sống chất lượng hơn đến người dân. Điều đó được thể hiện rõ ở những không gian sống văn minh xanh, sạch, đẹp đang ngày càng xuất hiện nhiều nơi trên địa bàn thành phố.

Bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức chăm sóc cho bệnh nhân bị chấn thương do pháo tự chế phát nổ.

Theo báo cáo công tác y tế 3 ngày nghỉ Tết của Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), từ 7h sáng 10-2 (tức 29 Tết) đến 7h sáng 13-2 (tức mùng 2 Tết Nguyên đán Tân Sửu), các cơ sở khám, chữa bệnh đã thường trực cấp cứu, đón gần 7.300 em bé chào đời, thực hiện khám, cấp cứu cho trên 125.400 bệnh nhân, giảm 50% so với Tết năm ngoái. Đáng chú ý, các loại cấp cứu như: Tai nạn đánh nhau, tai nạn giao thông, ngộ độc... đều giảm so với Tết năm ngoái, chỉ có tai nạn pháo nổ tăng.

Mâm cơm Tết Việt là trung tâm của sự đoàn viên. (Ảnh: minh họa)

Cành đào bích với những nụ hoa chúm chím xen lẫn chồi lá xanh biếc cùng mâm ngũ quả, bánh chưng, đồ lễ được bày biện ngăn nắp trên ban thờ tổ tiên. Nhà cửa trang hoàng sạch sẽ và hơn hết con cháu đi làm ăn xa quê đều trở về đón tết cùng ông bà, cha mẹ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục