Mù Cang Chải là một trong những huyện nghèo của cả nước với trên 90% dân số sinh sống trên địa bàn là người dân tộc Mông, trình độ dân trí chưa đồng đều, điều kiện để phát triển kinh tế xóa đói, giảm nghèo còn gặp nhiều khó khăn.
Mặt khác, việc tiếp cận với các chế độ chính sách, cập nhật thông tin chưa thường xuyên; am hiểu về các quy định của pháp luật còn hạn chế; tỷ lệ hộ nghèo cao, tồn tại một số phong tục, thói quen truyền thống chậm thay đổi, làm cản trở hoặc gây ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả thực hiện các chính sách giảm nghèo.
Xác định giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Mù Cang Chải, thời gian qua, bên cạnh triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách đầu tư cho phát triển, các cấp chính quyền từ huyện đến các ban, ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn đã đặc biệt quan tâm tới công tác đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Ông Trương Đăng Hùng - Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) huyện cho biết: "Phòng đã bám sát các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch của tỉnh, của Huyện ủy, UBND huyện, kịp thời, chủ động ban hành kế hoạch thực hiện nhiệm vụ sát với thực tế địa phương và hệ thống các văn bản chỉ đạo. Đồng thời, hướng dẫn, đôn đốc các xã, thị trấn tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả từng chính sách đảm bảo an sinh xã hội. Trong đó, tổ chức, phân công thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững năm 2020; đôn đốc các xã, thị trấn ban hành quyết định công nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo sau rà soát năm 2019; rà soát đối tượng thụ hưởng chính sách bảo trợ xã hội và thực hiện chi trả kinh phí trợ giúp xã hội…”.
Bên cạnh thực hiện tốt các chính sách về hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế, công tác thương binh - liệt sĩ, người có công, công tác phòng chống tệ nạn xã hội; công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em; bình đẳng giới, công tác lao động - việc làm, dạy nghề trên địa bàn cũng thu được kết quả đáng khích lệ nhờ thực hiện tốt kế hoạch đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động; tăng cường giải pháp xây dựng quan hệ lao động hài hòa trong tình hình mới; thực hiện chỉ tiêu và kinh phí đào tạo nghề cho lao động nông thôn ngân sách địa phương; đề nghị phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch bệnh Covid-19…
Anh Mùa A Dình ở bản Háng Sung, xã Mồ Dề cho biết: "Cùng với được thực hiện chính sách bảo trợ xã hội, bảo hiểm y tế… người dân còn được tuyên truyền về tuyển sinh dạy nghề và tuyển dụng lao động của doanh nghiệp, về giáo dục nghề nghiệp…”.
Theo lãnh đạo Phòng LĐTB&XH, huyện đã phối hợp với Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam tuyển sinh đào tạo nghề và tổ chức hội nghị tư vấn việc làm, học nghề, xuất khẩu lao động năm 2020 tại các xã, thị trấn; phối hợp triển khai kế hoạch tuyển chọn thực tập nam đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản đợt 1, tuyển lao động nữ cho Công ty TNHH Cam Việt năm 2020; lập danh sách lao động nông thôn tham gia học nghề năm 2020; đôn đốc thực hiện các chỉ tiêu giải quyết việc làm, đào tạo nghề, lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp năm 2020…
Đến hết năm 2020, Mù Cang Chải đã mở 15 lớp nghề, tổng số 304 học viên; giải quyết việc làm cho 1.220/1.200 người, đạt 101% kế hoạch; chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp 458 người...; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 39,7/39,5% kế hoạch, vượt kế hoạch 0,02%, nâng số lao động qua đào tạo lên 13.593/34.220 người lao động trong độ tuổi tham gia hoạt động kinh tế.
Năm 2020, tỷ lệ giảm nghèo của Mù Cang Chải đạt 8,54% theo chuẩn nghèo đa chiều với 948/747 hộ thoát nghèo, đạt 126,9% so với số hộ dự kiến thoát nghèo. Riêng trong 2 tháng đầu năm 2021, Mù Cang Chải giải quyết việc làm cho 170 người. Trong đó, phát triển kinh tế - xã hội 82 người, lao động ngoại tỉnh 83 người, vay vốn quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm 5 người; chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp 36 người.
Năm 2021, Mù Cang Chải phấn đấu huyện sẽ giảm nghèo 6,5% dự kiến theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021 - 2025; giải quyết việc làm mới cho 1.200 lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 40,1%; 642 lao động chuyển dịch từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 99,07%; tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc/số phải tham gia đạt 94,5%.
Thành Trung