Cần sớm giảm thiểu ô nhiễm từ bãi rác

  • Cập nhật: Thứ tư, 12/5/2021 | 7:43:11 AM

YênBái - 290 tấn/ngày là khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại khu vực nông thôn theo số liệu từ Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái năm 2020. Khối lượng đó chiếm tới gần 70% lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh cho thấy, rác thải sinh hoạt nông thôn đã và đang rất cần được quan tâm xử lý.

Bãi rác quy mô cấp xã tại xã Đại Phác chỉ xử lý bằng đốt và chôn lấp.
Bãi rác quy mô cấp xã tại xã Đại Phác chỉ xử lý bằng đốt và chôn lấp.

Quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH), nhất là ở khu vực nông thôn trước nay luôn là vấn đề còn nhiều bất cập. Đề án "Tăng cường năng lực quản lý CTRSH trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030” hứa hẹn sẽ giải quyết tốt được vấn đề này, trong đó đặc biệt là đối với các bãi rác từ quy mô cấp xã đến cấp huyện.

290 tấn/ngày là khối lượng CTRSH phát sinh tại khu vực nông thôn theo số liệu từ Sở Tài nguyên và Môi trường năm 2020. Khối lượng đó chiếm tới gần 70% lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh cho thấy, rác thải sinh hoạt nông thôn đã và đang rất cần được quan tâm xử lý. 

Để thu gom rác thải trên địa bàn, đã có những xã thành lập các tổ tự quản thu gom, vận chuyển rác thải, gồm 1 - 2 người/tổ và chỉ có phương tiện thô sơ để thu gom, vận chuyển rác tới nơi tập kết. Tuy nhiên, đến nay, toàn tỉnh mới có 32 tổ tự quản như thế này ở 28/150 xã. Bởi vậy, tại nhiều địa phương, người dân phải xử lý rác thải sinh hoạt bằng phương pháp chôn lấp tại gia đình. 

Nhiều hộ có ý thức thì tự mang rác của gia đình tới nơi tập kết rác. Nhưng không phải người dân nào cũng có ý thức như vậy nên hiện tượng rác thải vứt bừa ra môi trường, nhất là xuống sông, suối là không ít. Nhu cầu về thu gom rác thải của người dân luôn được đặt ra nhưng không phải đã được đáp ứng. 

Ông Nguyễn Văn Thiệu - thôn Đào Kiều, xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình cho biết: "Suốt nhiều năm qua, để xử lý rác thải sinh hoạt, gia đình phải gom lại rồi mang ra bãi tập kết rác của thị trấn Yên Bình cách đó mấy cây số. Như vậy cũng rất bất tiện. Quá trình mang rác đi cũng mất vệ sinh. Chúng tôi sẵn sàng đóng góp để được thu gom rác”. 

Tổ chức được việc thu gom rác cho các hộ dân chắc chắn là việc người dân luôn mong muốn để không còn phải tự xử lý rác của gia đình như vẫn làm bấy lâu nay.

Ngay cả khi rác thải sinh hoạt tại nhiều khu vực nông thôn đã được thu gom thì vẫn tiếp tục có những vấn đề nảy sinh cần quan tâm xử lý. Nhiều xã trên địa bàn tỉnh nhờ quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới đã quy hoạch được các điểm thu gom rác tập trung. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, về lâu dài, nguy cơ ô nhiễm môi trường từ những bãi rác này không thể không bàn đến. Xã Đại Phác, huyện Văn Yên là xã thực hiện khá tốt việc quy hoạch bãi rác và thu gom rác thải trên địa bàn. 

Ông Hoàng Trung Kiên - Chủ tịch UBND xã Đại Phác cho biết: "Bãi chôn lấp rác của xã có diện tích 400 m2, được quy hoạch ngoài khu vực cánh đồng, xa khu dân cư nhưng lại giáp với xã Yên Phú. Xã cũng đã tuyên truyền nhân dân thực hiện việc phân loại rác thải sinh hoạt từ gia đình nên lượng rác thải ra cũng đã được hạn chế. Trung bình mỗi tháng thu gom khoảng 60 tấn rác. Việc thu gom được thực hiện tốt nhưng hiện tại thì việc xử lý rác tại bãi rác cũng chỉ bằng cách thủ công là đốt bằng dầu và chôn lấp, không thể tránh khỏi hiện tượng ô nhiễm không khí trong khi đốt”. 

Tại xã An Thịnh, huyện Văn Yên, việc xử lý rác sau khi thu gom vào bãi rác của xã cũng chỉ bằng các phương pháp thủ công như vậy. 

Ông Trần Văn Hai - Phó Chủ tịch UBND xã An Thịnh cho biết: "Bãi rác của xã quy hoạch ở khu vực một quả đồi, có diện tích 1 ha, cũng đã khá xa khu dân cư, mỗi ngày thu gom khoảng 2 tấn rác và cũng chỉ xử lý rác tại bãi đốt và chôn lấp”.

Trên địa bàn huyện Văn Yên, việc thu gom CTRSH được thực hiện trên các tuyến đường chính, khu trung tâm xã, thị trấn, khu dân cư sống tập trung, khu chợ… nhằm đảm bảo thu gom tối đa lượng chất thải rắn phát sinh. Chất thải rắn sau khi gom sẽ được tập kết và vận chuyển đến bãi rác. Các khu vực còn lại rác thải được thu gom, xử lý tại hố rác gia đình. 

Hiện, trên địa bàn huyện có 12 bãi rác, trong đó có 1 bãi rác ở thị trấn Mậu A được đầu tư cải tạo nâng cấp xử lý theo hình thức chôn lấp, còn các bãi rác ở các xã là nơi tập kết rác chưa có biện pháp xử lý đảm bảo. Tình trạng bãi rác tại xã chưa được xử lý đảm bảo không phải chỉ ở riêng Văn Yên mà là tình trạng chung của 19 bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt quy mô cấp xã tại 19 xã nông thôn mới trên phạm vi toàn tỉnh. 

Không chỉ cấp xã, ngay cả quy mô cấp huyện, việc xử lý rác tại bãi rác chưa triệt để khiến cho nhiều bãi rác trở thành nơi gây ô nhiễm môi trường. Tại thị xã Nghĩa Lộ, bãi rác có diện tích 2,44 ha, nằm trên đồi Pú Lo, thôn Pá Làng, xã Nghĩa Phúc đưa vào sử dụng từ đầu năm 2005.

Theo lãnh đạo Công ty Môi trường đô thị thị xã Nghĩa Lộ, mỗi ngày, Công ty thu gom khoảng 24 tấn rác vào bãi rác. Rác tại đây được xử lý chủ yếu bằng chôn lấp, san gạt, lu lèn kết hợp với phun hóa chất. Tuy nhiên, do còn thiếu phương tiện nên việc san gạt thường thực hiện khi được một lượng nhất định gây ra tình trạng có thời điểm rác tràn trên miệng hố, bốc mùi, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh. 



Bãi rác của huyện Lục Yên được quy hoạch trên địa phận xã Liễu Đô.

Ở Lục Yên, bãi rác được quy hoạch trên địa phận xã Liễu Đô, có diện tích 6,8 ha. Ông Vũ Văn Bổng - Phó Giám đốc Công ty cổ phần Nước sạch và Môi trường Lục Yên cho biết: "Công ty thu gom khoảng 20 tấn rác/ngày vào bãi rác. Ngoài ra, rác thải từ một số địa bàn không thuộc phạm vi Công ty thu gom cũng đổ tại đây. Rác được xử lý 2 ngày 1 lần cũng chỉ bằng phương pháp chôn lấp và phun hóa chất”. Theo phản ánh của nhiều người dân sống quanh khu vực này thì ô nhiễm không khí từ bãi rác đã ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. 

Được biết, ngày 1/10/2020, UBND tỉnh Yên Bái ban hành Quyết định số 2311/QĐ-UBND về việc ban hành Đề án "Tăng cường năng lực quản lý CTRSH trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030”. 

Theo đó, Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025, trên 93% tổng lượng CTRSH phát sinh tại các đô thị được thu gom và xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; 80% lượng CTRSH phát sinh tại khu dân cư nông thôn tập trung được thu gom, lưu giữ, vận chuyển, tự xử lý, xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, trong đó có trên 50% lượng CTRSH phát sinh được thu gom, xử lý tập trung; 95% các bãi chôn lấp CTRSH tại khu vực nông thôn đã đóng cửa được cải tạo, xử lý, tái sử dụng đất; phấn đấu 100% các bãi chôn lấp chất thải tự phát không thuộc quy hoạch phải được xử lý đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường… 

Đến năm 2030, phấn đấu tỷ lệ CTRSH được thu gom, vận chuyển để xử lý tập trung ở khu vực đô thị đạt tối thiểu 95%; phấn đấu tỷ lệ CTRSH ở khu vực nông thôn được thu gom, vận chuyển để xử lý tập trung đạt tối thiểu 60%...

Đồng bộ các giải pháp sẽ được triển khai để thực hiện mục tiêu Đề án, như: tăng cường năng lực quản lý Nhà nước về CTRSH; tăng cường năng lực xử lý CTRSH trên địa bàn tỉnh; tăng cường nâng cao nhận thức, sự tham gia và trách nhiệm của người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Trong đó, nhằm tăng cường năng lực xử lý CTRSH trên địa bàn tỉnh, sẽ đầu tư các khu xử lý CTRSH tập trung.

Theo đó, ngay trong giai đoạn 2020-2025, sẽ đầu tư mới 13 lò đốt CTRSH tại các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh đảm bảo quy chuẩn  QCVN 61-MT: 2016/BTNMT- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt CTRSH. Giai đoạn sau năm 2025, trong trường hợp có đầy đủ các yếu tố cần thiết và kêu gọi được nhà đầu tư xã hội hóa, dự kiến sẽ đầu tư 2 lò đốt CTRSH sử dụng công nghệ đốt có thu hồi năng lượng để phát điện.

Trước mắt, trong thời gian chưa được đầu tư lò đốt CTRSH, thực hiện đầu tư nâng cấp, cải tạo các bãi chôn lấp CTRSH cơ bản theo quy định tại Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-BKHCNMT-BXD để đáp ứng được khả năng tiếp nhận CTRSH cũng như giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của nhân dân. Sau khi đầu tư các khu xử lý CTRSH tập trung mới tiến hành đóng cửa, xử lý ô nhiễm đối với toàn bộ các bãi chôn lấp rác thải trên địa bàn tỉnh (8 bãi chôn lấp cấp huyện và 19 bãi chôn lấp quy mô cấp xã)… 

Việc Đề án này sớm được triển khai chắc chắn là điều mong mỏi của người dân để có thể được sống trong môi trường giảm thiểu những ảnh hưởng bởi ô nhiễm từ nguồn CTRSH. 

Thu Hạnh

Tags Yên Bái Sở Tài nguyên và Môi trường chất thải rắn sinh hoạt ô nhiễm bãi rác

Các tin khác
Lãnh đạo Cơ quan Kiểm tra - Thanh tra huyện Mù Cang Chải trao đổi với cán bộ về nghiệp vụ chuyên môn.

Năm 2020, các cơ quan chuyên môn, Ban tiếp công dân huyện đã thực hiện tiếp 37 lượt công dân, với 67 lượt người đến kiến nghị, phản ánh.

Bảo hiểm Việt Nam vừa có báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9-4-2020 và Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19-10-2020 sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Người dân đến lĩnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội tại điểm Bưu điện - Văn hóa xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch Covid-19.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, thực hiện sự chỉ đạo của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, BHXH tỉnh Yên Bái phối hợp với Bưu điện tỉnh thực hiện chi trả gộp 2 tháng lương hưu, trợ cấp BHXH (tháng 5, tháng 6/2021) vào cùng một kỳ chi trả của tháng 5 cho người thụ hưởng.

Các cơ quan chức năng kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.

Đến hết năm 2020, Yên Bái có 8.880 cơ sở, trong đó, ngành y tế quản lý 2.444 cơ sở, ngành nông nghiệp quản lý 2.789 cơ sở, ngành công thương quản lý 3.638 cơ sở. Trước tình trạng mất an toàn thực phẩm tràn lan, việc hàng hóa cần dán tem truy xuất nguồn gốc, an toàn bếp ăn trường học...là những nội dung quan tâm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục