Dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp trên cả nước. Yên Bái đến thời điểm này chưa có ca mắc trong cộng đồng. Tuy nhiên, địa phương không chủ quan. Thực hiện chỉ đạo tại Công văn số 1627 của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh và Công văn 1154 của UBND thành phố Yên Bái, từ ngày 29/5, thành phố Yên Bái tiếp tục tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu, sự kiện tập trung đông người; các nhà hàng, quán ăn, quán bia không bán hàng tại quán, chỉ bán mang về hoặc bán online cho đến khi có thông báo mới; nghiêm cấm hoạt động quán cóc, vỉa hè ... nhằm triệt để hơn các biện pháp phòng chống, tránh các nguy cơ dịch bệnh có thể xảy ra.
Chình vì việc, thời điểm này, việc mua sắm trực tuyến được rất nhiều người lựa chọn. Đứng trước nhu cầu đó, các siêu thị, doanh nghiệp, hộ kinh doanh cũng đã chuyển đổi phương thức kinh doanh từ truyền thống sang bán hàng online.
Nếu trước đây, cứ vào dịp cuối tuần, chị Nguyễn Thị Bích Hoa, ở phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái thường xuyên đến các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại để mua sắm, vui chơi thì từ khi có dịch bệnh Covid-19, gia đình chị đã không đến những nơi đông người. Chị Bích Hoa chia sẻ: "Tôi thấy việc mua sắm online cũng là một giải pháp hữu hiệu trong mùa dịch bệnh, vì không phải đi lại nhiều. Sau thời gian chọn lựa, hàng hóa đã được giao tận nhà. Tôi vừa đặt đơn hàng gần một triệu đồng, mua đầy đủ các loại thực phẩm, đồ dùng thiết yếu tại một siêu thị bằng hình thức online…”.
Mua bán online là một biện pháp hữu hiệu để phòng, chống dịch, bệnh COVID-19.
Cũng giống như chị Hoa, chị Nguyễn Thị Hằng, ở phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái rất lo ngại trong việc đi lại, ăn uống, mua sắm trong mùa dịch. Bản thân đang thuộc diện phải cách ly tại nhà nên chị Hằng đã lựa chọn hình thức mua sắm trực tuyến để tránh phải tiếp xúc với nhiều người.
Theo chị Hằng, mua sắm online rất tiện lợi bởi chỉ cần ngồi nhà nhấp chuột, lựa mặt hàng mình thích, thanh toán qua mạng và sẽ được giao hàng tận nơi. "Trong lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, mình thấy mua sắm online là lựa chọn tối ưu vì vẫn mua được hàng mình cần mà không phải đi ra ngoài. Dịch vụ giao hàng cũng nhanh chóng, thậm chí mình còn nhờ cửa hàng "đi chợ hộ”, mua sắm các mặt hàng thiết yếu khác nữa”, chị Hằng nói.
Nắm bắt được nhu cầu của khách hàng, các siêu thị, cửa hàng kinh doanh ăn uống, cà phê, giải khát… đã đẩy mạnh bán hàng online thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo, website, thậm chí điện thoại tư vấn cho khách hàng để rồi sau đó, nhân viên hoặc đơn vị vận chuyển sẽ giao hàng tận nhà cho khách.
Chị Quỳnh Quyên, chủ cửa hàng rau, củ quả tại chợ Km6, đường Nguyễn Đức Cảnh, phường Yên Thịnh cho biết, từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay, lượng khách đến mua hàng trực tiếp giảm đáng kể nhưng khách đặt qua mạng có xu hướng tăng mạnh nên doanh thu của cửa hàng vẫn ổn định, không bị sụt giảm quá nhiều so với trước đó.
"Thực hiện giãn cách xã hội, người tiêu dùng hạn chế đi mua sắm, chính vì thế, tôi phải đẩy mạnh bán hàng qua các kênh trực tuyến như Facebook, Zalo, điện thoại tư vấn cho khách hàng rồi sau đó sẽ giao hàng đến tận nhà cho khách. Trung bình mỗi ngày tôi nhận giao từ 30 – 40 chục đơn hàng”, chị Quyên chia sẻ.
Một nhân viên quán cà phê ship đồ uống tận nhà cho khách.
Để tăng lượng khách hàng mua sắm, bên cạnh việc giảm giá sản phẩm, nhiều cửa hàng còn hỗ trợ giao hàng miễn phí. Anh Nguyễn Quốc Kiên, chủ quán cà phê trên đường Nguyễn Tất Thành, thành phố Yên Bái cho biết: Những ngày qua, cửa hàng chuyển sang bán online. Nếu khách có nhu cầu gọi đồ uống, cửa hàng sẽ pha chế và ship tận nhà. "Nhờ việc bán hàng online nên cửa hàng dù đóng cửa nhưng đơn hàng bán ra vẫn ổn định, cửa hàng vẫn có thể "sống sót” qua mùa Covid-19”, anh vui vẻ cho biết.
Có thể nói, mua sắm online trong "thời Covid" hay phát huy tính năng quản trị công việc qua các thiết bị thông minh đang là một giải pháp hữu hiệu để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình, cộng đồng, góp phần cùng nhau chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid -19.
Đức Toàn