Toàn tỉnh có 2.153 người nhiễm HIV còn sống được quản lý; tỷ lệ hiện nhiễm HIV toàn tỉnh là 0,26%. Lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong 3 con đường chính lây truyền HIV với tỷ lệ 0,49% toàn tỉnh.
Năm 2020, 100% phụ nữ mang thai nhiễm HIV phát hiện đều được điều trị dự phòng lây truyền mẹ con (LTMC) với 15 người và 15 trẻ sống từ mẹ nhiễm HIV được điều trị dự phòng. Nếu người mẹ nhiễm HIV được chẩn đoán sớm và điều trị hiệu quả thì tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con chỉ còn 2-6%, thậm chí là 0%.
Hiệu quả điều trị dự phòng LTMC đã thấy rõ trong nhiều năm qua song tỷ lệ người được điều trị mới chỉ phản ánh một phần thực tế số phụ nữ có nguy cơ cao trên địa bàn. Có nhiều nguyên nhân được đặt ra như: tâm lý e ngại, sợ kỳ thị, thiếu kiến thức hay nỗi lo chi phí...
Xác định được điều đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã chỉ đạo các trung tâm y tế tuyến huyện, các trạm y tế các xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp: truyền thông về Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; xét nghiệm HIV cho phụ nữ có thai; điều trị ARV cho phụ nữ có thai nhiễm HIV; điều trị cho trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV...
Đồng thời, tổ chức giám sát, hỗ trợ kỹ thuật cho các trung tâm y tế, bệnh viện đa khoa, tăng cường công tác tập huấn chuyên môn cho cán bộ tuyến tỉnh, huyện, xã về dự phòng LTMC; tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con hàng năm (từ 1-31/6).
Theo đó, công tác truyền thông thay đổi hành vi được đẩy mạnh với 672 buổi truyền thông trực tiếp, gần 15.000 người được truyền thông. Phụ nữ mang thai nhiễm HIV đều được cung cấp dịch vụ tư vấn, xét nghiệm HIV và được cấp thuốc điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Những phụ nữ nhiễm HIV hoặc có nguy cơ cao sẽ được tư vấn về: nguy cơ khi mang thai, sinh đẻ, việc nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ sau này, lựa chọn thời điểm mang thai hợp lý khi tải lượng virut HIV dưới ngưỡng ức chế, qua đó, giúp họ lựa chọn việc đình chỉ thai hay tiếp tục mang thai và sinh đẻ.
Năm 2020, đã có 11.159 mẫu giám sát HIV phụ nữ có thai được xét nghiệm, tỷ lệ dương tính là 0,0013%. Ngay khi phát hiện bị nhiễm HIV, phụ nữ mang thai tiếp tục được tư vấn và điều trị ngoại trú uống thuốc kháng virut HIV. Hiện nay, tất cả các cơ sở y tế có chuyên khoa sản ở tuyến tỉnh, huyện đều đã cung cấp gói dịch vụ phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Ngoài ra, một số trạm y tế cung cấp dịch vụ tư vấn, xét nghiệm sàng lọc HIV tự nguyện cho phụ nữ mang thai. Trong thời kỳ mang thai sẽ được các y, bác sỹ thăm khám thai định kỳ hàng tháng; lựa chọn nơi sinh con tại các trung tâm y tế có dịch vụ dự phòng LTMC. Trẻ sau sinh sẽ được dùng thuốc ARV, dùng liên tục từ 6 đến 12 tuần tùy từng trường hợp cụ thể. Bên cạnh đó, trẻ sẽ được dùng sữa ngoài thay thế trong 6 tháng đầu hoặc có thể bú sữa mẹ nếu mẹ uống thuốc ARV tuân thủ điều trị tốt.
Ông Nguyễn Văn Hà - Phó Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: "Những người trong nhóm nguy cơ cũng không cần phải lo ngại chi phí hay sợ kỳ thị. Bởi việc bảo mật thông tin về quá trình khám chữa bệnh HIV/AIDS đã được quy định, trường hợp cá nhân, tổ chức (bao gồm cả người làm việc tại cơ sở y tế, cơ quan Bảo hiểm xã hội) vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Ngoài ra, chi phí điều trị HIV được BHYT thanh toán tùy theo giá trị từng loại thẻ, phần đông chi trả còn lại được UBND tỉnh chi trả. Trường hợp không có thẻ BHYT do hoàn cảnh khó khăn, người nhiễm HIV sẽ được UBND tỉnh chi trả phí mua BHYT theo kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025 đã được UBND tỉnh phê duyệt”.
Hoài Anh