Những năm gần đây, án hình sự trên địa bàn huyện Lục Yên có nhiều diễn biến phức tạp, chủ yếu là các tội danh như: trộm cắp tài sản; tàng trữ, sử dụng các chất ma túy; cố ý gây thương tích… Năm 2019, Tòa án nhân dân (TAND) huyện Lục Yên thụ lý và xét xử 29 vụ án hình sự với 45 bị cáo; năm 2020, thụ lý 29 vụ, xét xử 85 bị cáo và 8 tháng năm 2021 (tính từ 1/10/2020 - 31/5/2021) thụ lý 30 vụ/47 bị cáo, xét xử 14 vụ/25 bị cáo.
Ông Trần Đăng Ninh - Chánh án TAND huyện cho biết: "Trước khi đưa các vụ án hình sự ra xét xử, chúng tôi luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, thận trọng khi áp dụng pháp luật trong từng vụ án cụ thể, đánh giá đúng tính chất mức độ hành vi phạm tội của từng bị can, bị cáo để quyết định hình phạt nghiêm minh, đúng pháp luật. Do vậy, công tác xét xử luôn đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm và án quá hạn luật định. Việc tổ chức phiên tòa xét xử các vụ án hình sự tiếp tục được đổi mới theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW và Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, đảm bảo tính uy nghiêm của phiên tòa, tính công bằng, dân chủ, công khai và minh bạch của pháp luật. Các phán quyết của Tòa án đều dựa trên kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa, cũng như những người có quyền lợi liên quan. Chất lượng xét xử các vụ án hình sự đã đáp ứng tốt các yêu cầu cải cách tư pháp”.
Những năm gần đây, các vụ án dân sự như: hôn nhân - gia đình, hành chính, kinh tế, lao động, kinh doanh thương mại… trên địa bàn huyện có chiều hướng tăng về số vụ và có diễn biến khá phức tạp với trung bình trên 400 vụ, việc/năm. Đặc biệt, nhiều vụ tranh chấp đất đai và tài sản trên đất chủ yếu liên quan đến bố, mẹ, anh em ruột trong gia đình và dòng họ…
Các đương sự đến Tòa yêu cầu xem xét giải quyết nhưng thường không cung cấp được đầy đủ các giấy tờ liên quan về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giấy cho, tặng, chuyển nhượng, mua bán không rõ ràng, không theo các quy định của Luật Đất đai.
Trước khi xét xử các vụ việc này, Tòa án đã cử cán bộ phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền địa phương đến tận hộ dân để thẩm định vị trí tranh chấp, nguồn gốc đất...
Qua xem xét cho thấy, việc quản lý đất đai của một số địa phương còn lỏng lẻo dẫn tới việc cho, tặng không đúng theo hiện trạng đất; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân còn chậm…
Một vấn đề "nóng” nữa là tình trạng vợ, chồng trẻ gửi đơn xin ly hôn có chiều hướng gia tăng. Từ năm 2017 trở về trước, hàng năm, TAND huyện thụ lý và giải quyết trung bình trên 200 vụ/năm nhưng từ năm 2018 trở lại đây số vụ, việc này tăng lên trên 300 vụ/năm. Năm 2018, Tòa án thụ lý 357 vụ, việc; năm 2019 là 366 vụ việc; năm 2020 vừa qua là 342 vụ, việc và 8 tháng năm 2021 là 271 vụ việc. Tỷ lệ cặp vợ, chồng trẻ xin ly hôn độ tuổi từ 18 đến 35 chiếm tỷ lệ trên 70%, còn lại là từ 36 tuổi trở lên.
Nguyên nhân chủ yếu là do người chồng lười lao động, thường xuyên sử dụng rượu, bia, ham mê cờ bạc không quan tâm đến cuộc sống gia đình, nhiều trường hợp ngược đãi, bạo hành vợ, con; vợ, chồng sau khi kết hôn đi làm ăn xa ở ngoài tỉnh với mức thu nhập trung bình từ 7 đến trên 10 triệu đồng/tháng, cuộc sống có nhiều thay đổi nên muốn ly hôn; do vợ hoặc chồng có quan hệ tình cảm với người khác… Để giải quyết loại án này, Tòa đã kiên trì hòa giải, phân tích, chia sẻ, giúp nhiều vợ, chồng về sống đoàn tụ với gia đình.
Thời gian tới, TAND huyện Lục Yên đề ra mục tiêu phấn đấu giải quyết án hình sự đạt tỷ lệ 95% trở lên; các loại án dân sự 90% trở lên; tăng cường nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ thẩm phán, thư ký, hội thẩm nhân dân… tổ chức tốt các phiên tòa theo yêu cầu cải cách tư pháp đã đề ra.
Thạch Phong