BHXH tỉnh Yên Bái trả lời: Tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 31 Luật BHXH quy định điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con như sau: Phải đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con, hoặc lao động nữ đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng BHXH từ đủ 3 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
Khoản 4 Điều 31 Luật BHXH quy định: người lao động đủ điều kiện quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 31 Luật BHXH mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định.
Như vậy, nếu trong khoảng thời gian 12 tháng tính từ thời điểm vợ bạn sinh con trở về trước đó mà vợ bạn tham gia BHXH bắt buộc từ đủ 6 tháng (không cần liên tục) thì vợ bạn sẽ đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản. Trường hợp khi sinh vợ bạn đã đủ điều kiện hưởng chế độ và đã ngừng tham gia BHXH thì chế độ thai sản sẽ được cơ quan BHXH nơi vợ bạn cư trú hoặc có hộ khẩu thường trú giải quyết.
Bạn Trần Thị Thu Hiếu, có địa chỉ Email:msminhkhue.tran@gmail.com hỏi: Hiện tại, trong công ty có 1 trường hợp, người lao động bị tại nạn giao thông (TNGT), nhưng vẫn đi làm bình thường, sau 8 ngày mới đi kiểm tra thì phát hiện có thương tích. Vậy công ty có cơ sở để kết luận thương tích đó là do thương tích từ vụ TNGT gây ra hay không?
Cụ thể sự việc như sau: Tại thời điểm bị va quệt vào ngày 21/10/2020, người lao động không đến cơ sở y tế để kiểm tra tình trạng thương tích do vụ va quệt gây ra.
Mặt khác, trong khoảng thời gian sau đó là từ ngày 22 đến ngày 31/10/2020, bà Đỗ Thị Tuyết vẫn đi làm bình thường (bảng chấm công tháng 10 tại Công ty là đủ 27 công). Vào ngày 28/10/2020 (sau khi xảy ra tai nạn 8 ngày) bà Đỗ Thị Tuyết đi kiểm tra tại Bệnh viện và bệnh viện kết luận bị trượt đốt sống L4L5(M43.0)-L5S1. Với nội dung trên, Công ty kính đề nghị BHXH cho ý kiến để có cơ sở triển khai thực hiện.
BHXH tỉnh Yên Bái trả lời: Theo quy tại Khoản 8 Điều 3 Luật An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ), tai nạn lao động (TNLĐ) là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.
Tại Khoản 1 Điều 35 Luật ATVSLĐ quy định người sử dụng lao động có trách nhiệm thành lập đoàn điều tra TNLĐ cấp cơ sở để tiến hành điều tra TNLĐ làm bị thương nhẹ, TNLĐ làm bị thương nặng một người lao động thuộc thẩm quyền quản lý của mình.
Quy trình, thủ tục điều tra TNLĐ được thực hiện theo hướng dẫn tại Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATVSLĐ; theo đó, trưởng đoàn điều tra TNLĐ quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình đối với kết quả điều tra TNLĐ.
Việc kết luận thương tích của người lao động có phải thương tích do vụ TNGT gây ra hay không, không thuộc thẩm quyền hướng dẫn của cơ quan BHXH. Đoàn điều tra TNLĐ cần căn cứ vào tình trạng của người lao động, chẩn đoán của y, bác sĩ, chứng cứ, tài liệu có liên quan đến vụ TNGT để xem xét, kết luận.
Trường hợp không đủ căn cứ để kết luận, đoàn điều tra TNLĐ tại đơn vị bạn tập hợp hồ sơ có liên quan, báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh để Sở hướng dẫn thực hiện theo đúng thẩm quyền.
H.D