8 năm qua, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước; sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Bộ GD& ĐT với các bộ, ngành liên quan trong hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Đề án 89; sự nỗ lực, cố gắng của các địa phương, cơ quan, tổ chức xã hội có liên quan…, các mục tiêu cơ bản của Đề án đã hoàn thành, các nhiệm vụ đã được thực hiện đúng tiến độ và đạt được một số kết quả quan trọng.
Nhận thức của các cấp uỷ, chính quyền và xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập chuyển biến tích cực. Công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ được củng cố vững chắc. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn, lý luận chính trị cho cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), người lao động được tăng cường.
Mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên tiếp tục được củng cố và phát triển nhanh về số lượng, đa dạng về mô hình, hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực đáp ứng nhu cầu học tập của người dân.
Việc triển khai các mô hình học tập được thực hiện linh hoạt, từng bước vững chắc, nhận được sự đồng thuận của nhân dân.
Giai đoạn 2012-2020, cả nước xoá mù chữ cho trên 295.000 người trong độ tuổi 15-60, nâng tỷ lệ biết chữ trong độ tuổi này lên 97,85%. Trong đó: số người biết chữ trong độ tuổi 15 - 35 chiếm 99,3%; số người mới biết chữ tiếp tục học tập và không mù chữ trở lại chiếm 90,8%; 63/63 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ II và 21/63 tỉnh thành đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ III.
Đến tháng 12 năm 2020, 22/63 tỉnh, thành phố đạt mục tiêu về kết quả học tập nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ với số cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) tham gia học tập nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm đạt 93,89%; có trình độ ngoại ngữ bậc II đạt 43,53%, bậc III đạt 19,14%...
Tham luận tại Hội nghị, lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố đã nêu những hạn chế, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện Đề án 89 cũng như bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình thực hiện. Theo đó, các ý kiến thống nhất cần tiếp tục có sự vào cuộc đồng bộ, sát sao, sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa của các bộ, ngành, tổ chức xã hội và các địa phương, từng bước tạo sự chuyển biến cơ bản trong xây dựng xã hội học tập.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đề nghị trong thời gian tới, các địa phương, các ngành liên quan cần tiếp tục phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho CBCCVC, người lao động về ý nghĩa, tầm quan trọng của học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong tổ chức các hoạt động học tập suốt đời; tăng cường sự tham gia của các cơ sở giáo dục đại học liên thông thông qua hệ thống cơ sở giáo dục thường xuyên để cung ứng nguồn tài nguyên học liệu mở, mở rộng cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người.
Nhân dịp này, nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong tổ chức thực hiện Đề án 89 đã được Bộ GD&ĐT khen thưởng.
Hồng Oanh