Ngày 8/7, tại Hà Nội, Ngân hàng Chính sách xã hội đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc với các đại biểu, chi nhánh các tỉnh, thành phố về chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất.
Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, ngày 1/7/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Cụ thể, Thủ tướng giao Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay đối với người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất đối với người lao động.
Phát biểu tại hội nghị trực tuyến, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh đánh giá cao Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc nhanh chóng, tích cực triển khai chính sách ngay sau khi Chính phủ, Thủ tướng ban hành Nghị quyết, Quyết định.
Để thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ, Thứ trưởng Lê Văn Thanh khẳng định cần có sự vào cuộc quyết liệt ngay từ bước đầu của toàn hệ thống chính trị từ khâu xác định đúng đối tượng cho vay đến khâu triển khai giải ngân vốn kịp thời và giám sát chặt chẽ để tránh tiêu cực, đảm bảo công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện.
Theo đó, Thứ trưởng đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội làm tốt công tác tuyên truyền từ Trung ương đến địa phương để cấp ủy, chính quyền các cấp, doanh nghiệp hiểu rõ nội dung của Nghị quyết, Quyết định, huy động sự vào cuộc đồng nhất từ Trung ương đến địa phương.
Với tinh thần triển khai chính sách cho vay nhanh chóng, kịp thời, thuận tiện "phục vụ tại nhà, giải ngân tại xã” và hiệu quả, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Dương Quyết Thắng yêu cầu chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, thành phố tập trung coi việc triển khai chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất đối với người lao động và coi đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, ngân hàng cần mạnh công khai chính sách đến các điểm giao dịch xã, "mỗi cán bộ là một tuyên truyền viên” tuyên truyền chính sách đến toàn thể doanh nghiệp, người dân trên địa bàn.
Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp tiếp tục quan tâm chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách xã hội nói chung cũng như hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất đối với người lao động theo Quyết định 23, đảm bảo chính sách nhanh chóng đi vào cuộc sống, góp phần khắc phục hậu quả đại dịch COVID-19, phục hồi phát triển kinh tế-xã hội tại các địa phương.
Được biết, Nghị quyết số 68/NQ-CP quy định điều kiện hỗ trợ lần này giảm thời gian tạm hoãn, nghỉ việc không hưởng lương xuống còn 15 ngày; bỏ quy định doanh thu kê khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm đối với các hộ kinh doanh, chỉ quy định dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên; giảm điều kiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất từ 50% lao động xuống còn 15% lao động.
Lãnh đạo Ngân hành chính sách xã hội cho biết tổng vốn cho gói chính sách này là 7.500 tỷ đồng. Trường hợp giải ngân hết gói hỗ trợ này, Bộ Lao động Thương binh và xã hội sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ để cấp vốn giải ngân tiếp.
(Theo Vietnam+)