Yên Bái: Phát triển y tế cơ sở - nền tảng hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân

  • Cập nhật: Thứ tư, 8/9/2021 | 7:45:28 AM

YênBái - Những năm qua, ngành y tế Yên Bái không ngừng xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở, hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân; các trạm y tế được quan tâm và đầu tư, đáp ứng cơ bản nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.

Ngoài thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, cán bộ Trạm Y tế xã Pá Hu, huyện Trạm Tấu còn tích cực tuyên truyền người dân thực hiện biện pháp phòng bệnh.
Ngoài thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, cán bộ Trạm Y tế xã Pá Hu, huyện Trạm Tấu còn tích cực tuyên truyền người dân thực hiện biện pháp phòng bệnh.

Còn nhiều khó khăn

Vào những ngày cuối tháng Bảy, dưới cái nắng gắt, chúng tôi trở lại xã Pá Hu, huyện Trạm Tấu, nơi 90% dân số là đồng bào Mông với hơn 2.300 nhân khẩu ở 4 thôn bản. Những năm trước đây, Pá Hu được xem như "vùng lõm” về y tế, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở mức cao, tỷ lệ tiêm chủng, khám chữa bệnh (KCB) của nhân dân đạt thấp. 

Hơn thế, khi có bệnh, phần lớn người dân không đến cơ sở y tế xã khám mà tự chữa bằng lá cây rừng hoặc nhờ thầy cúng chữa bệnh để rồi đã có những hệ lụy xảy ra. Giờ thì Pá Hu đã khoác lên mình một diện mạo mới, trình độ dân trí của người dân ngày càng nâng cao, hệ thống điện - đường - trường và đặc biệt là trạm y tế đã được đầu tư. 

Dù đã hẹn trước, nhưng khi đến Trạm Y tế xã vẫn phải đợi, vì Trạm trưởng Nguyễn Vân Thủy đang thăm khám cho bệnh nhân.

Xong việc, Trạm trưởng Nguyễn Vân Thủy dẫn chúng tôi đi thăm Trạm, chị phấn khởi chia sẻ: "Với các giải pháp đồng bộ, tuyên truyền nâng cao nhận thức, đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực… Từ đó, quan niệm của người dân về y tế đã thay đổi, đặc biệt, năm 2020, Trạm được tu sửa và xây thêm phòng chức năng. Do đó, chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng được nâng cao. 

Nhiều năm trở lại đây trên địa bàn không có dịch bệnh xảy ra… Hơn thế, khi có bệnh, bà con đã chủ động đến Trạm để được khám và cấp thuốc, hủ tục chữa bệnh bằng cúng bái và dùng lá cây rừng gần như đã được xóa bỏ. Tỷ lệ tiêm chủng hàng năm đạt trên 97%, số lượt người KCB tăng trên 2.000 lượt/năm… 

Tuy nhiên, Trạm vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là nhân lực mỏng nên cán bộ vẫn còn phải kiêm nhiệm thêm việc, không có bác sĩ làm việc thường xuyên; lực lượng y tế thôn, bản vẫn còn trường hợp chưa được đào tạo cơ bản nên cũng có ảnh hưởng ít nhiều đến công tác KCB”. 

Rời Pá Hu, chúng tôi ngược lên xã Dế Xu Phình, huyện Mù Cang Chải cũng là địa phương có tới 90% dân số là đồng bào dân tộc Mông sinh sống, đời sống người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao... Những năm qua, Trạm Y tế xã Dế Xu Phình cũng nhận được nhiều nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất. 

Y sĩ Giàng A Sình - Trạm trưởng Trạm Y tế xã chia sẻ: "Do cách xa trung tâm huyện nên hoạt động chăm sóc sức khỏe cho nhân dân phần lớn đều do Trạm Y tế xã đảm nhận. Những năm gần đây, công tác y tế ở xã đã có nhiều chuyển biến đáng ghi nhận, trung bình gần 1.500 lượt KCB/ năm, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ hàng năm cho trẻ dưới 1 tuổi đạt 98%, tỷ lệ suy sinh dưỡng cân nặng ở trẻ em giảm còn dưới 19%... 

Song, Trạm Y tế xã Dế Xu Phình cũng không tránh khỏi những khó khăn như trạm y tế ở các địa phương vùng cao khác là thiếu nhân lực nên phải kiêm nhiệm nhiều việc, tư tưởng người dân còn có mặt lạc hậu, một số bộ phận người dân có tư tưởng trông chờ, ỷ lại… phần nào ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân của Trạm”.



Khắc phục khó khăn, cán bộ Trạm Y tế xã Dế Xu Phình, huyện Mù Cang Chải chăm sóc tốt sức khỏe cho người dân. 

Giải pháp phát triển

Thực tế cho thấy, phần lớn các trạm y tế trên địa bàn tỉnh đã và đang được quan tâm đầu tư, đảm nhiệm tốt vai trò, chức năng. Tuy nhiên, vẫn còn có một số khó khăn, nhất là các trạm y tế vùng cao, vùng sâu. Vì vậy, cần phải có sự quan tâm hơn nữa để y tế cơ sở thực sự phát huy tốt nhiệm vụ. 

Xác định tuyến xã là "xương sống” của hệ thống y tế, những năm qua, Yên Bái đã tích cực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực. Giai đoạn 2015 - 2020, trên địa bàn tỉnh có 155 trạm y tế, trong đó 44 trạm được xây dựng mới, 40 trạm sẽ được sửa chữa. 

Về trang thiết bị, các trạm cơ bản đảm bảo danh mục theo thông tư của Bộ Y tế (49 trang thiết bị y tế và 18 trang thiết bị văn phòng); 87,9% xã có bác sĩ làm việc… Mặc dù được đánh giá cao về kết quả hoạt động nhưng thực tế hoạt động của trạm y tế cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức như: mô hình bệnh tật thay đổi theo hướng phức tạp, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến khó lường, nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm… 

Trong khi đó, cơ sở vật chất và nhân lực y tế chưa được đảm bảo dẫn đến khả năng đáp ứng các dịch vụ y tế còn hạn chế. 

Bác sĩ Chuyên khoa II Cao Ngọc Thắng - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Văn Yên - một trong những đơn vị đi đầu tuyến huyện về phát triển y tế cơ sở cho biết: "Văn Yên có 23 trạm y tế xã, thị trấn và 2 phòng khám đa khoa khu vực, tuy nhiên, trong 23 trạm thì 20 trạm có bác sĩ, đạt 4,2 bác sĩ /1 vạn dân, trung bình 5 cán bộ/trạm. Đến nay, có 18/25 xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã. Các trạm y tế xã hiện tại cơ bản đã có đủ các trang thiết bị y tế, đã ứng dụng công nghệ thông tin trong KCB, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu và KCB thông thường cho nhân dân". 

"Tuy vậy vẫn còn một số trạm y tế trong tình trạng xuống cấp. Thêm nữa, mô hình thiết kế và đầu tư chưa đồng đều nên một số trạm y tế thiếu phòng chức năng, thiếu hạng mục. Trên thực tế, hiện nay ở một số xã, nhiều máy móc, thiết bị đã cũ, hỏng. Đội ngũ nhân lực trình độ chuyên môn chưa đồng đều, nguồn kinh phí hàng năm các trạm nhận được chỉ đủ để duy trì một số hoạt động tối thiểu. Do đó, cần tiếp tục thu hút các nguồn lực để đầu tư cải tạo, xây mới các trạm đã xuống cấp; cung cấp thêm trang thiết bị phục vụ công tác KCB và quản lý các bệnh mãn tính cho nhân dân tại địa bàn...” - Bác sỹ Thắng nói.  

Bà Lê Thị Hồng Vân - Giám đốc Sở Y tế cho biết: Giai đoạn 2015 - 2020, các trạm y tế cơ bản đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng cân nặng từ 19% giảm còn 16,1%; không có bệnh nhân sốt rét mới phát hiện và không có dịch sốt rét, không có ca tử vong do sốt rét; 75,1% trạm y tế đạt Bộ tiêu chí quốc gia; 100% trạm y tế đủ điều kiện khám, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế... 

Bên cạnh những kết quả tích cực, hệ thống y tế cơ sở vẫn còn những khó khăn nhất là nguồn nhân lực chưa thực sự đảm bảo, cơ sở vật chất nhiều nơi đã xuống cấp. Để thực hiện tốt hơn chức năng của trạm y tế xã, cần phải có sự đầu tư đồng bộ và hợp lý về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực với từng địa phương cụ thể. 

Đồng thời, thực hiện Kế hoạch số 72/KH-UBND tỉnh Yên Bái về thực hiện Quyết định 2348/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về củng cố phát triển hệ thống y tế cơ sở trong tình hình mới là xây dựng trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình giai đoạn 2019 - 2020 đến năm 2025 đã đạt nhiều kết quả tích cực. 

Đồng thời, việc xây dựng xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế gắn với xây dựng nông thôn mới, tính đến hết năm 2020 có 130 xã bằng 75% đạt tiêu chí quốc gia về y tế; năm 2021, đã và đang thực hiện 12 xã, có 7 xã đạt. 

"Với mục tiêu năm 2020 - 2025, y tế tuyến xã thực hiện tối thiểu 70 - 80% danh mục kỹ thuật… ngành y tế cần phải phối hợp với các ngành hữu quan triển khai các giải pháp đồng bộ và quyết liệt hơn nữa” - bà Vân dự báo.

Để giải quyết những vấn đề đó, thiết nghĩ ngành y tế cần tiếp tục thực hiện đổi mới y tế cơ sở một cách toàn diện, đồng bộ, hướng tới "Bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân” và để bảo đảm tất cả mọi người dân được sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính và chức năng, nhiệm vụ của y tế cơ sở. 

Đối với cán bộ y tế, cần thực hiện luân phiên từ huyện xuống cơ sở và ngược lại; bồi dưỡng nâng cao kỹ thuật chuyên môn, được tiếp cận với mô hình bệnh tật, nhu cầu của người dân. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tiến tới thực hiện mục tiêu quản lý sức khỏe toàn diện cho từng người dân để người dân được khám sức khỏe định kỳ chứ không chỉ khám bệnh khi ốm đau… 

Trần Minh

Tags Yên Bái y tế cơ sở chăm sóc sức khỏe toàn dân Pá Hu người Mông Trạm Tấu nông thôn mới cách ly y tế tỷ lệ tiêm chủng khám chữa bệnh

Các tin khác
Lãnh đạo Công an tỉnh Yên Bái trao quyết định đặc xá cho 3 nữ phạm nhân.

Không phải là trại cải tạo, nơi giáo dục, giam giữ đông phạm nhân, Trại Tạm giam, Công an tỉnh chủ yếu thực hiện việc giam giữ những người vi phạm pháp luật, trong quá trình điều tra, chờ ngày xét xử. Số phạm nhân đang chấp hành án phạt tù, cải tạo tại Trại chủ yếu làm nhiệm vụ tăng gia sản xuất, lao động vệ sinh, đảm bảo các bữa ăn hàng ngày…

Ông Nguyễn Văn Thành (ngoài cùng bên phải) giới thiệu với lãnh đạo Hội Người cao tuổi thị trấn Yên Bình công việc đổ chậu hoa trồng cây cảnh của gia đình.

Những năm qua, hội viên Hội Người cao tuổi (NCT) thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình không chỉ gương mẫu thực hiện các phong trào, hoạt động của địa phương mà còn tích cực tham gia phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, lan tỏa tinh thần tuổi cao gương sáng.

Vị trí và hướng di chuyển của bão Conson.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15 km, đi vào Biển Đông.

Ông Luyện Hữu Chung - Bí thư Huyện ủy Văn yên trao quà cho hộ ông Đặng Văn Sâu, xã An Bình.

Trong ngôi nhà cấp 4 rộng 35m vuông, mái lợp tôn xốp còn vương mùi vôi vữa, ông Đặng Văn Sâu (ở thôn Khe Rồng, xã An Bình) đang tất bật cùng bà con hàng xóm đến chung vui, kê đồ đạc, dọn đến nhà mới, thỏa ước mơ sau bao nhiêu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục