Trước thực tế nhiều người dân tự phát trở về quê ngay sau thời điểm các địa phương nới lỏng giãn cách, chuyển sang trạng thái "bình thường mới,” từ Trung ương cho đến cơ sở, cả hệ thống chính trị đã và đang thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, nỗ lực để thực hiện mục tiêu cao nhất là kiểm soát dịch hiệu quả gắn với phục hồi kinh tế-xã hội, bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng và đời sống người dân.
Nỗ lực cao từ Trung ương đến cơ sở
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra đầu tháng 10, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã lưu ý các địa phương tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người lao động ở các thành phố lớn sớm ổn định cuộc sống, không di chuyển tự phát.
Trường hợp người dân, người lao động quyết tâm rời thành phố, các khu công nghiệp, khu chế xuất để về quê, các địa phương phối hợp thực hiện tốt các biện pháp y tế, tổ chức việc đưa đón có trật tự, an toàn, không gây ách tắc; thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ cần thiết, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân.
Tại Sóc Trăng, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh đã kịp thời thành lập khung lãnh đạo điều hành tiếp nhận công dân từ các tỉnh, thành phố trở về địa phương.
Tỉnh phân công trách nhiệm của từng thành viên theo từng ca trực cụ thể, đảm bảo 24/24 giờ trong ngày sẵn sàng ứng trực chỉ đạo, điều hành công tác tiếp nhận công dân trở về được an toàn, đáp ứng các yêu cầu phòng, chống dịch.
Đối với công tác điều trị, ngay trong những ngày đầu tháng 10, Sóc Trăng đã triển khai hoạt động Bệnh viện điều trị COVID-19 với quy mô 150 giường bệnh, đặc biệt là có các giường điều trị hồi sức tích cực (ICU) cho những ca bệnh nặng.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng Huỳnh Thị Diễm Ngọc, việc thiết lập và triển khai Bệnh viện điều trị COVID-19 tỉnh Sóc Trăng nhằm đáp ứng yêu cầu thu dung, chăm sóc, theo dõi và điều trị các trường hợp mắc COVID-19; đồng thời, đảm bảo an toàn cho cán bộ y tế, người bệnh và thân nhân người bệnh, chống lây nhiễm chéo trong bệnh viện và lây nhiễm ra ngoài cộng đồng.
Cũng theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn cơ bản được kiểm soát, toàn tỉnh đã chuyển sang trạng thái bình thường mới, hoạt động sản xuất kinh doanh từng bước được khôi phục, sinh hoạt của nhân dân ngày càng thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, hiện các tỉnh trong khu vực và Thành phố Hồ Chí Minh đang nới lỏng giãn cách, nhu cầu và thực trạng người dân đang trở về quê rất lớn, nguy cơ bùng phát dịch bệnh là rất cao. Do đó, yêu cầu nâng cao năng lực y tế của tỉnh, trong đó năng lực điều trị y tế là nhiệm vụ cấp bách, lâu dài và cần được đặt lên hàng đầu.
Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Bến Tre hỗ trợ thức ăn, nước uống cho người dân làm thủ tục tại chốt cầu Rạch Miễu.
Tương tự, An Giang - địa phương đang có số lượng rất lớn người dân trở về sau thời điểm giãn cách, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo thành lập Ban Tổ chức tiếp nhận công dân An Giang từ các tỉnh, thành phố tự phát trở về và kêu gọi sự hỗ trợ của xã hội, chung tay chăm lo cho người dân.
Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang lưu ý các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn ưu tiên phân bổ vaccine tiêm bổ sung đủ liều cho người đã được tiêm mũi 1 và tổ chức tiêm mũi 1 vaccine phòng COVID-19 cho người dân khi trở về địa phương.
Riêng những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn khi trở về, địa phương phải vận động nguồn lực hỗ trợ, không để người dân thiếu đói.
Tại Bạc Liêu, tạo điều kiện cho người dân ra-vào địa bàn tỉnh sau thời gian giãn cách xã hội, đảm bảo công tác phòng dịch COVID-19, tỉnh đã có hướng dẫn cụ thể như với những trường hợp di chuyển vào địa bàn (trừ người trên phương tiện vận tải hàng hóa được quy định riêng) cần đảm bảo điều kiện và quy định là được sự cho phép của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh hoặc người được Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh phân công, ủy quyền; có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ kể từ khi lấy mẫu; chấp hành nghiêm quy định về phòng, chống dịch COVID-19, nhất là việc thực hiện cách ly y tế theo quy định.
Cần sự thấu hiểu, sẻ chia và đồng lòng
Quan tâm chăm lo, kịp thời triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn phòng dịch đối với những trường hợp trở về quê là những công việc đã và đang được các địa phương nỗ lực thực hiện.
Tuy nhiên, nhận định nguy cơ dịch lây lan từ việc tự phát trở về quê là rất lớn, trong khi các địa phương còn gặp nhiều khó khăn về công tác điều trị bệnh nhân COVID-19, tỷ lệ người được tiêm đủ hai mũi vaccine phòng dịch tại nhiều nơi còn thấp, lãnh đạo nhiều địa phương cũng mong muốn từng người dân hãy thấu hiểu, chia sẻ và cân nhắc trước những dự định trở về quê nhà trong thời điểm này để cùng chung tay, đồng lòng thực hiện thích ứng an toàn, kiểm soát dịch hiệu quả gắn với phục hồi kinh tế.
Có như vậy đời sống của từng gia đình người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 thời gian qua mới nhanh chóng giảm bớt khó khăn.
Cùng thực hiện mục tiêu kiểm soát hiệu quả dịch bệnh gắn với phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, mong muốn người lao động khắp mọi miền cùng góp sức lao động, sản xuất, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh hay các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai... đều đã đưa ra thông điệp trân trọng, động viên người lao động ở lại tiếp tục đóng góp, cùng đồng hành với địa phương trong phục hồi, phát triển kinh tế.
Từng địa phương với nỗ lực cao nhất đều đang và sẽ thực hiện tiếp các chính sách như ưu tiên phủ vaccine đến người lao động, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, hỗ trợ người lao động xa quê sớm ổn định chỗ ở, nơi làm việc phù hợp.
Theo ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh, bất cứ người dân nào đến, thành phố đều trân trọng đón tiếp và thực sự chăm sóc để họ có điều kiện tốt nhất khi ở lại.
Đối với người lao động, Thành phố lại càng trân trọng, bởi vì họ đã và đang góp phần phát triển kinh tế Thành phố. Thành phố Hồ Chí Minh luôn tạo điều kiện tốt nhất, tìm những giải pháp tốt nhất để chăm lo cho người lao động.
Ngày 3/10, tại Chỉ thị số 27/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phục hồi sản xuất tại các khu vực sản xuất công nghiệp trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với trách nhiệm là cơ quan quản lý doanh nghiệp trên địa bàn, khẩn trương thành lập Ban Chỉ đạo phục hồi sản xuất, phân công nhiệm vụ cụ thể (có thể hình thành nhiều tổ công tác) để triển khai kế hoạch, thông qua phương án sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn, vừa đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Công dân Bình Thuận có hộ khẩu tại thành phố Phan Thiết được cách ly tập trung tại ký túc xá trường chuyên Trần Hưng Đạo (thành phố Phan Thiết).
Các địa phương chủ động phối hợp với Bộ Y tế để phân bổ kịp thời vaccine tiêm phòng cho người lao động tại các doanh nghiệp; xem xét, quyết định cho mở lại một số dịch vụ cần thiết để phục vụ đời sống người lao động; phối hợp chặt chẽ trong việc quản lý và thống nhất phương án di chuyển của người lao động giữa các địa phương đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, tạo điều kiện thuận lợi khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là tại các địa phương dịch còn diễn biến phức tạp.
Như vậy, có thể thấy, dù trong giai đoạn thực hiện giãn cách nghiêm ngặt để chống dịch COVID-19 hay khi chuyển sang trạng thái "bình thường mới,” thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch gắn với phục hồi các hoạt động phát triển kinh tế, mục tiêu cao nhất của các giải pháp được triển khai đều xuất phát từ việc bảo đảm an toàn, sức khỏe và mong muốn cuộc sống người dân ngày càng tốt đẹp hơn.
Vì vậy, thấu hiểu, sẻ chia và cân nhắc cho những dự định trở về quê nhà ngay trong thời điểm này, chính là sự chung tay, đồng lòng của mỗi người dân, góp phần thực hiện các giải pháp thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, gắn với phục hồi kinh tế trong giai đoạn "bình thường mới”./.
(Theo Vietnam+)