Năm 2021 - năm đầu tiên thực hiện chiến lược dân số giai đoạn 2021-2025, cũng là năm chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19, song công tác dân số trên địa bàn tỉnh vẫn đạt được nhiều kết quả khả quan, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Linh hoạt ứng phó với dịch, công tác truyền thông thay đổi hành vi về dân số không bị gián đoạn với việc đẩy mạnh các hình thức truyền thông trên mạng Internet.
Ngành dân số đã cung cấp 15.060 tài liệu truyền thông; tổ chức 311 hội nghị truyền thông chuyên đề, 1.160 buổi truyền thông cộng đồng, 223 buổi lồng ghép, tư vấn cho trên 10.000 hộ gia đình về chính sách dân số và các biện pháp tránh thai an toàn; tổ chức 4 buổi sinh hoạt ngoại khóa tại trường học, 880 buổi sinh hoạt câu lạc bộ…
Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh đảm bảo cung cấp phương tiện tránh thai (PTTT) miễn phí đúng đối tượng sử dụng ở cơ sở, tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng các PTTT hiện đại là 69,8%. Là mô hình khởi đầu cho hạnh phúc, mô hình tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân là một yếu tố quan trọng để trang bị thêm kiến thức, kỹ năng làm vợ, làm chồng, từ đó phát hiện sớm những bệnh lây truyền để điều trị trước sinh, giúp các cặp vợ chồng tiến tới hôn nhân bền vững.
Trong năm 2021, từ mô hình đã tổ chức tư vấn tiền hôn nhân, tư vấn, khám sức khoẻ cho 5.648 người trước khi kết hôn, tổ chức 64 buổi hội thảo, nói chuyện chuyên đề, 7 buổi sinh hoạt ngoại khoá tại các trường học.
Nhờ đó, trong 2.376 cặp nam/nữ mới kết hôn có 63,7% được tư vấn, khám sức khoẻ tiền hôn nhân. Toàn tỉnh thành lập và duy trì hoạt động của 82 câu lạc bộ tiền hôn nhân; các mô hình, chương trình: "Can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”, "Sàng lọc trước sinh và sơ sinh”, can thiệp giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi được triển khai đồng bộ, góp phần từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng dân số.
Bà Hà Thị Mộng Hoài - Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết: "Năm 2021, ngành tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, hoạt động của công tác dân số; quyết liệt thực hiện mục tiêu giảm sinh; tập trung chuẩn bị cơ sở triển khai toàn diện 8 mục tiêu cụ thể trong Kế hoạch hành động thực hiện chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030 tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025. Đặc biệt là việc tham mưu đưa vào cuộc sống Nghị quyết 11 của HĐND tỉnh ban hành một số chính sách về công tác DS-KHHGĐ tại các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025”.
Theo đó, các nội dung chính sách bao gồm: chi phí dịch vụ KHHGĐ; bồi dưỡng người vận động, hỗ trợ đối tượng thực hiện đối với biện pháp tránh thai triệt sản, đặt dụng cụ tử cung; hỗ trợ nhân viên y tế thôn bản kiêm cộng tác viên làm nhiệm vụ dân số 200.000 đồng/người/tháng; tổ chức chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ KHHGĐ 4 triệu đồng/xã/2 lần/năm; thưởng với các xã thực hiện tốt chính sách dân số...
Đây là nguồn động lực lớn khích lệ nhân dân các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn thực hiện tốt hơn nữa chính sách dân số, góp phần thực hiện mục tiêu đưa nhanh mức sinh chung của toàn tỉnh về mức sinh thay thế; giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, đối tượng; nâng cao chất lượng dân số.
Hoài Anh
GÓP PHẦN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG DÂN SỐ
Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, việc chuẩn đoán, tầm soát bệnh tật trước sinh và sơ sinh được coi là "chìa khóa vàng” giải mã dị tật bẩm sinh ở trẻ. Những năm qua, Yên Bái đã triển khai thực hiện chương trình sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh (SLTS&SLSS) tại tất cả các địa phương trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của người dân, nhất là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, từng bước nâng cao chất lượng dân số.
Một buổi tư vấn, khám sàng lọc sơ sinh tại Bệnh viện Đa khoa Trường Đức (thị xã Nghĩa Lộ).
Là một trong những thai phụ đến khám, theo dõi thai định kỳ tại Trung tâm Y tế thành phố Yên Bái, chị Cù Hoài Thu ở phường Minh Tân, thành phố Yên Bái cho biết: "Tôi đến khám, theo dõi thai định kỳ tại đây từ ngày đầu đến giờ đã được 30 tuần. Các bác sĩ rất chu đáo, tôi được khám, tư vấn về SLTS&SLSS kỹ lưỡng, hiểu được việc khám sàng lọc rất tốt cho con và an toàn cho mẹ. Quá trình mang thai, thai nhi khỏe mạnh, phát triển bình thường nên tôi rất yên tâm, tâm lý thoải mái sẵn sàng đón con đầu lòng”.
Chị Nguyễn Thùy Dương ở thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên rất vui mừng khi 2 lần sinh bé đều khỏe mạnh, suốt thai kỳ đến khi sinh chị đều được các bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi tỉnh khám SLTS&SLSS kỹ lưỡng.
Chị chia sẻ: "Khi tôi sinh cháu đầu tiên tất cả đều thuận lợi. Tới cháu thứ 2, khi khám thai mốc 12 tuần các bác sĩ cảnh báo nguy cơ mắc hội chứng Down, tôi rất lo lắng. Tuy nhiên, được các bác sĩ trấn an, tư vấn kỹ, làm thêm xét nghiệm để sàng lọc dị tật, cuối cùng cho kết quả cháu khỏe mạnh, tôi rất yên tâm và tin tưởng ở đội ngũ y, bác sĩ tại đây”.
Hàng năm, trên địa bàn tỉnh Yên Bái, phụ nữ mang thai, sinh đẻ khi đến các cơ sở khám, chữa bệnh đều được tư vấn khám SLTS&SLSS. Việc chuẩn đoán, tầm soát SLTS&SLSS góp phần phát hiện, can thiệp và điều trị sớm các bệnh, tật, rối loạn chuyển hóa, di truyền ngay trong giai đoạn bào thai và sơ sinh, giúp cho trẻ sinh ra phát triển bình thường hoặc tránh những hậu quả nặng nề về thể chất lẫn trí tuệ, giảm thiểu số người tàn tật, thiểu năng trí tuệ trong cộng đồng.
Bác sĩ Sùng A Vang - Trưởng khoa Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản và phụ sản, Trung tâm Y tế huyện Trạm Tấu cho biết: "Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc sinh con có nguy cơ dị tật cao như các bà mẹ mang thai có người trong gia đình bị dị tật bẩm sinh; các bà mẹ mang thai ở độ tuổi cao; những bất thường về nhiễm sắc thể như hôn nhân cận huyết thống; các bà mẹ mang thai bị nhiễm virut, rubella, thủy đậu, làm việc trong môi trường độc hại... Khám SLTS&SLSS rất quan trọng giúp tầm soát sớm các dị tật. Từ đó chẩn đoán và đưa ra các biện pháp can thiệp, điều trị sớm những bất thường của trẻ, giảm bớt gánh nặng cho gia đình, xã hội”.
Bên cạnh những bà mẹ mang thai và trẻ sơ sinh được tầm soát, sàng lọc thì vẫn còn không ít người dân chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc SLTS&SLSS. Vì vậy, hướng tới mục tiêu cải thiện, nâng cao chất lượng dân số, thời gian tới, Yên Bái cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp liên ngành trong công tác truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của người dân, gia đình, cộng đồng về tư vấn, tầm soát, chẩn đoán, điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh.
Năm 2021, Yên Bái đã thực hiện trên 9.600 ca sàng lọc trước sinh đạt tỷ lệ 77,3% trong tổng số phụ nữ sinh đẻ (bằng 122,4% so với năm 2020); thực hiện trên 3.400 ca sàng lọc sơ sinh (bằng 161,5% so với năm 2020 và bằng 27,9% tổng số trẻ sinh sống trong năm). Trong năm, 29 cán bộ y tế cấp xã của huyện Văn Chấn, Trạm Tấu và Mù Cang Chải cũng đã được tổ chức tập huấn kỹ thuật SLSS bằng phương pháp lấy máu gót chân.
|
Lê Thương
MỖI CẶP VỢ CHỒNG NÊN SINH ĐỦ 2 CON
Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, thời gian qua, phong trào xây dựng quy mô gia đình sinh đủ 2 con được sự hưởng ứng tích cực của người dân trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Qua đó, phát huy lợi thế "dân số vàng”, chăm sóc sức khỏe sinh sản, tiến tới ổn định quy mô dân số ở mức hợp lý.
Cán bộ y tế xã Văn Phú, thành phố Yên Bái tư vấn biện pháp tránh thai an toàn cho phụ nữ độ tuổi sinh đẻ trên địa bàn.
Đến trạm y tế để khám phụ khoa và đặt vòng vào ngày cao điểm của Chiến dịch truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ Chăm sóc sức khỏe sinh sản - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) và Nâng cao chất lượng dân số năm 2021, chị Nguyễn Thị Hồng, xã Văn Phú, thành phố Yên Bái yên tâm với biện pháp tránh thai này. Cách đây gần 6 năm, sau khi sinh đủ 2 con, chị đã đặt vòng để kế hoạch. Vì gia đình có ít con cháu, nên chị được người thân động viên sinh thêm con thứ ba. Tuy nhiên, chị vẫn quyết định dừng lại ở 2 con để nuôi dạy tốt hơn.
Chị Hồng chia sẻ: "Với tôi, 2 con là vừa đủ rồi. Tôi không sinh thêm nữa để có thời gian chăm sóc các con và phụ giúp chồng làm kinh tế. Nhờ vậy, mà mấy năm qua, cuộc sống gia đình đã ổn định hơn, vợ chồng hạnh phúc, con cái chăm ngoan, học giỏi”.
Nếu như trước đây, ngành Dân số khuyến khích mỗi cặp vợ chồng chỉ nên có 1 hoặc 2 con thì thông điệp mới của ngành hiện nay là "Mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con” để bảo đảm mức sinh thay thế.
Ông Lê Quang Lộc - Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết: "Thông điệp tuyên truyền "Mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con” nhằm thay đổi nhận thức và hành vi của cộng đồng tiếp tục duy trì vững chắc mức sinh thay thế. Từ đó, không để tái gia tăng và giảm mức sinh quá thấp, từng bước đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, tận dụng hiệu quả cơ cấu "dân số vàng” và nâng cao chất lượng dân số”.
Thực hiện Nghị quyết 21 ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương lần thứ 6 khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới, tỉnh Yên Bái tiếp tục thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con, bảo đảm quyền và trách nhiệm trong việc sinh con và nuôi dạy con tốt; tập trung vận động sinh ít con hơn ở vùng, đối tượng có mức sinh cao; duy trì kết quả ở những nơi đã đạt mức sinh thay thế; sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp… Đồng thời, chuyển trọng tâm chính sách từ KHHGĐ sang dân số và phát triển. Theo đó, công tác truyền thông, vận động luôn được chú trọng với nhiều hình thức phong phú như cấp phát tờ rơi, tư vấn nhóm, tọa đàm, vãng gia, nói chuyện chuyên đề,…
Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, phong trào xây dựng quy mô gia đình sinh đủ 2 con được sự hưởng ứng tích cực của người dân trên địa bàn tỉnh. Thông điệp "Mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con” đã và đang được triển khai sâu, rộng toàn tỉnh.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa, lợi ích của thông điệp "Mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con” nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của mỗi người dân. Qua đó, duy trì vững chắc mức sinh thay thế tại vùng thấp, tiếp tục giảm sinh tại vùng cao, vùng khó khăn và bảo đảm số con bình quân của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở mức 2 con.
Thu Hiền
NỖ LỰC Ở HUYỆN VÙNG CAO
Năm 2021, huyện Mù Cang Chải đã hoàn thành chỉ tiêu, mục tiêu giảm tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên xuống 1,48%; tỷ lệ giảm sinh đạt 0,77%; thực hiện chỉ tiêu kế hoạch các biện pháp tránh thai đạt 95%. Thực hiện công tác dân số ở miền núi vốn đã khó khăn, lại càng thêm khó khăn hơn với các huyện vùng cao như Mù Cang Chải, nhưng đội ngũ cán bộ cộng tác viên dân số ở đây đã không ngừng nỗ lực, kiên trì bám địa bàn, tích cực tuyên truyền vận động và đưa các chính sách dân số đến đồng bào.
Cán bộ ngành dân số huyện Mù Cang Chải vận động phụ nữ sinh đẻ có kế hoạch.
Trước đây, người dân ở bản Háng Cuốn Rùa, xã Dế Xu Phình quan niệm "trời sinh voi, trời sinh cỏ” và sinh nhiều con để có nhân lực sản xuất. Những hệ lụy của việc sinh đông đã làm cho nhiều đứa trẻ suy dinh dưỡng, thất học, bỏ học; tỷ lệ hộ nghèo cao; người dân thiếu nhà ở, thiếu đất sản xuất… Lúc ấy, công tác tuyên truyền, vận động được đẩy mạnh với phương châm "đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà”, "một lần không được thì nhiều lần”, đi đôi với các hình thức động viên, khen thưởng, tuyên dương. Những nội dung tuyên truyền phù hợp như: tư vấn các biện pháp tránh thai hiện đại phù hợp, lợi ích của đẻ ít con, chăm sóc sức khỏe sinh sản… đã trúng tâm lý của nhiều chị em.
Trong quá trình tuyên truyền, vận động, còn có sự vào cuộc đồng bộ của tất cả đoàn thể trong bản thông qua các buổi họp đều có sự lồng ghép cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ).
Chị Lý Thị Của - nhân viên y tế bản Háng Cuốn Rùa phấn khởi: "Giờ chị em trong bản mình cơ bản đều sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại. Tỷ lệ sinh con thứ 3, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống giảm rõ rệt. 2 năm trở lại đây, mỗi năm, bản chỉ có 1 trường hợp sinh con thứ 3”.
Nhờ cách làm kiên trì, đồng bào Mông Mù Cang Chải đã có sự thay đổi tích cực trong nhận thức và hành động khi thực hiện các chính sách dân số. Năm 2021, do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, công tác truyền thông về dân số chịu nhiều tác động. Để duy trì thường xuyên, không bị gián đoạn, Phòng Dân số - Truyền thông và Giáo dục sức khỏe đã đa dạng hóa các hình thức truyền thông trên nền tảng Internet, mạng xã hội như Facebook, Zalo...
Trong năm, đã tổ chức 125 buổi tuyên truyền các chủ trương, chính sách dân số cho trên 5.600 người; cấp phát 1.330 tài liệu, tờ rơi tuyên truyền; tuyên truyền, vận động trên 2.400 người sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, nâng tỷ lệ cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại toàn huyện lên 69%.
Bà Sùng Thị Máy - Trưởng phòng Dân số - Truyền thông và Giáo dục sức khỏe huyện cho biết: "Hiện nay, mô hình gia đình ít con (1-2 con) đang được đông đảo cán bộ và nhân dân các dân tộc vùng cao trên địa bàn hưởng ứng thực hiện; chất lượng dân số từng bước được quan tâm. Nếu như năm 2020, việc thực hiện sàng lọc trước sinh và sơ sinh còn ít thì nay nhiều bà mẹ đã sử dụng phương pháp này với 1.089 người sàng lọc trước sinh và 106 trẻ được sàng lọc sơ sinh. Ngoài ra, còn có 131 người được tư vấn, khám sức khỏe trước hôn nhân…”.
Năm 2021, huyện cũng đã hỗ trợ, khen thưởng cho 12 phụ nữ sinh con đúng chính sách dân số theo Nghị định 39/2015 của Chính phủ. Chính sách này đến với người dân vùng cao, vùng đồng bào dân tộc sẽ tiếp thêm sự khích lệ, động viên để người dân nâng cao nhận thức, ý thức thực thi pháp luật nói chung, chính sách pháp luật về công tác dân số nói riêng.
Hoài Anh