Mù Cang Chải với mô hình "Bản hạnh phúc"

  • Cập nhật: Thứ hai, 17/1/2022 | 8:06:28 AM

YênBái - "Bản hạnh phúc” - tên gọi đã nói lên khát vọng, đích đến rõ ràng của bà con bản Dế Xu Phình, xã Dế Xu Phình, huyện Mù Cang Chải. Việc xây dựng "Bản hạnh phúc” của Đảng bộ huyện Mù Cang Chải là cách làm sáng tạo, xuất phát từ thực tiễn cuộc sống của người dân.

Triển khai học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng bằng hình thức sân khấu hóa sẽ được nhân rộng trong thời gian tới ở Mù Cang Chải.
Triển khai học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng bằng hình thức sân khấu hóa sẽ được nhân rộng trong thời gian tới ở Mù Cang Chải.

"Bản hạnh phúc” - tên gọi đã nói lên khát vọng, đích đến rõ ràng của bà con bản Dế Xu Phình, xã Dế Xu Phình, huyện Mù Cang Chải. "Bản hạnh phúc” là mô hình do chính người dân trong bản tự nguyện thực hiện, có sự quản lý, điều hành của UBND xã và hướng dẫn chuyên môn của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp huyện, cấp xã và Ban Dân vận Huyện ủy. 

Mô hình "Bản hạnh phúc” nhằm mục tiêu tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; nội quy, quy ước của thôn, bản; giúp đỡ, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, xây dựng, nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân trong bản. 

Trên con đường dẫn lên ngọn đồi hạnh phúc, anh Giàng A Dờ, sinh năm 1995 và chị Hảng Thị Vang, sinh năm 1998 cùng nhau vun đất, tưới nước, chung tay trồng một cây hoa tớ dày. 

Sau khi được cấp ủy, chính quyền xã tuyên truyền, vận động về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, anh Giàng A Dờ và chị Hảng Thị Vang tổ chức lễ đăng ký kết hôn dưới sự chứng kiến của chính quyền địa phương, gia đình, người thân, bạn bè một cách trang trọng và đầm ấm. 

Chị Hảng Thị Vang chia sẻ: "Trước đây, đối với bà con đồng bào dân tộc Mông, việc đăng ký kết hôn thường diễn ra rất đơn giản. Nay được cấp ủy, chính quyền xã vận động, chúng tôi hiểu và nhận thức rõ về việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, lại được tổ chức lễ đăng ký đầy ý nghĩa, chúng tôi vui và hạnh phúc lắm! Mong cho con đường, ngọn đồi này sẽ ngày càng mọc thêm nhiều cây xanh, cây hoa tình yêu do chính những cặp đôi hạnh phúc trồng nên”. 

Có thể nói, mô hình "Bản hạnh phúc” được xây dựng đã và đang góp phần làm thay đổi nếp sống, tư duy của cán bộ, đảng viên và nhân dân bản Dế Xu Phình. Cảnh quan, môi trường, nhà ở sạch đẹp, gọn gàng tạo tinh thần, sức khỏe tốt cho người dân; nhân dân trong bản đoàn kết, chia sẻ trong cuộc sống hàng ngày, chung sống hài hòa với thiên nhiên, đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên. Nhất là, tinh thần hăng hái của người trẻ, những quy tắc trong bản vẫn được duy trì, giá trị văn hóa truyền thống được phát huy. 

"Bản hạnh phúc” cũng đưa ra mục tiêu rất cụ thể để phấn đấu như: 100% các hộ gia đình trong bản được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh; 100% cống rãnh được khơi thông; đến năm 2025, trong bản có từ 5 - 10 mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả; 95% hộ thoát nghèo theo tiêu chí mới…” - Đồng chí Giàng A Lỳ - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Dế Xu Phình cho biết. 



Anh Giàng A Dờ và chị Hảng Thị Vang cùng nhau trồng cây trên con đường đến "Bản hạnh phúc”. 

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định, mục tiêu phấn đấu Chỉ số hạnh phúc của người dân tăng 15% so với năm 2020. Việc xây dựng "Bản hạnh phúc” của Đảng bộ huyện Mù Cang Chải là cách làm sáng tạo, xuất phát từ thực tiễn cuộc sống của người dân. Hạnh phúc giờ đây không còn mang tính trừu tượng mà từ những điều bình dị, tưởng chừng như nhỏ bé nhất.

Triển khai học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng bằng tuyên truyền miệng, bằng văn bản tại các cuộc họp, hội nghị đã rõ nhưng được xem tiểu phẩm tuyên truyền về Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện thì chắc chắn không phải ai cũng được nghe, đặc biệt, là đối với bà con đồng bào dân tộc thiểu số. 

Tác phẩm "Mù Cang Chải ngày mới” với chủ đề "Xây dựng con người Mù Cang Chải thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo” lấy bối cảnh gia đình kể về câu chuyện con gái vợ chồng anh chị Giàng A Dủ muốn mua một chiếc váy dân tộc Mông theo kiểu hiện đại. Tiếp nhận, hòa nhập với nét văn hóa mới là tốt nhưng làm sao để vẫn phù hợp, giữ gìn được đúng bản sắc văn hóa đặc trưng của đồng bào Mông, chính là ý nghĩa mà tiểu phẩm muốn mang lại. 

Bằng hình thức sân khấu hóa, tiết tấu nhanh, nội dung dễ hiểu, gần gũi với đời sống hàng ngày, vợ chồng anh chị Giàng A Dủ trong tiểu phẩm đã giải thích để con gái anh chị hiểu về nét đẹp mà trang phục dân tộc con gái anh chị đang mặc; kể cho con nghe câu chuyện về nguồn cội. Thông điệp sâu sắc ấy dễ dàng để bà con những vùng xa xôi nhất, đường sá đi lại khó khăn, khả năng tiếp cận thông tin còn hạn chế được tai nghe, mắt thấy một cách chính xác và hiệu quả nhất. 

Đồng chí Đào Thị Thu Thủy - Trưởng ban Ban Tuyên giáo Huyện ủy Mù Cang Chải khẳng định: "Là địa phương trên 90% đồng bào dân tộc thiểu số, vì vậy, việc tuyên truyền nghị quyết đến với người dân được huyện đặc biệt quan tâm. Trong đó, làm sao để nội dung ngắn gọn, trọng tâm, dễ nhớ, dễ hiểu, để người dân làm theo nghị quyết một cách thiết thực, hiệu quả. Việc triển khai học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng bằng hình thức sân khấu hóa đã diễn ra tại nhiều điểm của huyện Mù Cang Chải và sẽ còn được nhân rộng triển khai trong thời gian tới”.  

Đó chính là minh chứng rõ ràng nhất cho nghị quyết của Đảng thấm sâu” vào cuộc sống ở Mù Cang Chải. Bên cạnh đó, các chi, đảng bộ cơ sở tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết đến cán bộ, đảng viên và nhân dân. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện phân công nhiệm vụ cho các đồng chí cấp ủy viên khóa mới và bố trí, sắp xếp cán bộ lãnh đạo, quản lý từ huyện đến cơ sở nhằm đảm bảo sự ổn định, năng lực lãnh đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ trong nhiệm kỳ mới. 

Bám sát mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ mà nghị quyết đại hội đề ra, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện xây dựng chương trình làm việc toàn khóa, các chương trình hành động để đảm bảo nghị quyết được triển khai và thực hiện có hiệu quả ngay từ đầu nhiệm kỳ. 

Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Mù Cang Chải thống nhất thực hiện hiệu quả 3 khâu đột phá theo định hướng của tỉnh, xác định 4 chương trình trọng điểm cần tập trung thực hiện. Theo đó, toàn huyện phấn đấu mục tiêu đến năm 2025 thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 2 lần so với năm 2020; thu ngân sách Nhà nước dự ước đạt trên 230 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 6,5%/năm; 80% hộ dân cư nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh; 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; 2 xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới, các xã còn lại mỗi xã phải có ít nhất 2 bản đạt nông thôn mới; tỷ lệ lao động qua đào tạo ít nhất 47%; mỗi năm kết nạp ít nhất 110 đảng viên; phấn đấu mỗi năm 80% tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên…

Sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, thống nhất ý chí và hành động trong toàn Đảng bộ, với cách làm hay, sáng tạo, sự đồng thuận cao trong nhân dân sẽ là tiền đề quan trọng giúp Đảng bộ huyện Mù Cang Chải thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra. Qua đó, góp phần xây dựng Mù Cang Chải ngày càng phát triển, trở thành huyện du lịch, là điểm đến bản sắc - an toàn và thân thiện.

 Mai Linh

Tags Mù Cang Chải mô hình Bản hạnh phúc chỉ số hạnh phúc nghị quyết tảo hôn hôn nhân cận huyết thống Mặt trận Tổ quốc Yên Bái dân tộc thiểu số

Các tin khác

Bộ Nội vụ đề xuất bổ sung quy định, đối với các phòng thuộc sở của Hà Nội, TP. HCM có từ 30 biên chế công chức trở lên được bố trí không quá 04 Phó Trưởng phòng.

Ngôi nhà của ông Sản, nơi diễn ra bữa cơm trưa 26/12.

Hưng Yên - Sau gần 20 ngày hôn mê, anh Nguyễn Văn Dũng cũng không qua khỏi. Như vậy, liên quan vụ việc thương tâm tại xã Hùng An, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên, đến nay đã có 5 người chết.

Ngành hàng không tăng tuần suất nhiều đường bay phục vụ dịp Tết Nguyên đán 2022.

Để đáp ứng nhu cầu đi lại tốt nhất cho người dân, Cục Hàng không Việt Nam vừa quyết định tăng tần suất một số đường bay quốc tế. Cùng đó ngành đường sắt cũng tăng cường chạy thêm một số tuyến.

Tổng đài 1900.0368 hoạt động từ 7h30 đến 20h hàng ngày để nhận các cuộc gọi của người dân, giải đáp các thắc mắc liên quan đến CCCD và các nội dung khác thuộc C06 quản lý.

Mỗi ngày có 20.000 cuộc gọi, cao điểm 30.000 cuộc gọi của người dân hỏi về các vấn đề liên quan đến CCCD gắn chip, đặc biệt là tình trạng căn cước làm từ lâu nhưng vẫn chưa được nhận.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục