Bộ LĐ-TB&XH vừa phối hợp cùng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Hội thảo tổng kết Dự án Tăng cường hoạt động Đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhân của mua bán người.
Trong 7 năm qua, Dự án Tăng cường hoạt động Đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhân của mua bán người do JICA tài trợ đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về tội phạm mua bán người, vận hành Đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhân của mua bán người và chất lượng dịch vụ của đường dây.
Nhờ việc chia sẻ số điện thoại 111 với Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em, đường dây nóng cũng góp phần phòng, chống mua bán người thông qua việc cung cấp các thông tin liên quan tới mua bán người, tư vấn cho các nạn nhân bị mua bán trở về và chuyển tuyến tới các cơ quan liên quan để tìm kiếm, giải cứu và hỗ trợ nạn nhân.
Giai đoạn 2 của Dự án được khởi động từ tháng 11/2018 tới tháng 02/2022. Sau gần 3 năm, Đường dây nóng đã tiếp nhận 9.154 cuộc gọi, trong đó có 1.069 cuộc gọi về tư vấn tâm lý, chính sách, các dịch vụ và hỗ trợ nạn nhân, 129 ca chuyển tuyến với 165 người được giải cứu.
Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho biết: Xu thế tình hình tội phạm mua bán người trên thế giới và khu vực ngày càng gia tăng. Chính phủ xác định mua bán người là một vấn đề xã hội nghiêm trọng cần được giải quyết khẩn cấp. Từ đó, nhu cầu được tư vấn và cung cấp thông tin về di cư an toàn, thông tin về phòng, chống mua bán người ngày càng gia tăng.
Việc vận hành Đường dây nóng phòng, chống mua bán người được xem là một trong những giải pháp phù hợp, hữu ích để có thể tăng cường mạng lưới hợp tác, phối hợp về phòng, chống mua bán người tại Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Hà cho biết, Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục chỉ đạo Cục Trẻ em, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội và các cơ quan, tổ chức liên quan và các địa phương để bảo đảm sự phát triển bền vững của Đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhân của mua bán người và mạng lưới hỗ trợ, can thiệp cho nạn nhân và các nhóm nguy cơ cao, đặc biệt là trẻ em.
Theo báo cáo, nhận thức của người dân về Đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhân của mua bán người đã tăng từ 12,3% (năm 2019) lên tới 51% (đầu năm 2022). Đồng thời, 68% người sử dụng đánh giá "Hài lòng" về chất lượng tư vấn của Đường dây nóng.
Trong thời gian qua, với sự hỗ trợ từ Dự án, nhiều ấn phẩm truyền thông về phòng, chống mua bán người được in ấn và tuyên truyền, cụ thể: 310.500 tờ rơi tiếng Việt và tiếng Anh; 40.000 Card Visit song ngữ Việt - Anh; 161 lần phát thanh thông điệp trong 3 năm bằng tiếng Việt và tiếng dân tộc thiểu số; Video clip; phim hoạt hình về phòng chống mua bán người.
Số lượng cuộc gọi đến Đường dây nóng nhiều nhất đến từ khu vực Đồng bằng Sông Hồng, chiếm tỉ lệ 29,3%; các tỉnh vùng Đông Bắc với 16,0%; vùng Tây Bắc với 13,1%; các tỉnh Đông Nam bộ là 11,6%; các tỉnh Bắc Trung bộ chiếm 10,4%; đồng bằng sông Cửu Long với 8,0%; khu vực Nam Trung bộ 6,0%; các tỉnh khu vực Tây Nguyên với 5,5%; cuộc gọi từ nước ngoài chiếm 0,1%.
(Theo Phụ nữ Việt Nam)