Nộp hồ sơ học lái xe cách đây gần 1 tháng, đến nay chị Bùi Thị Lan (ở Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội) vẫn chưa được thực hành buổi nào.
Không những vậy, mới đây, giáo viên thông báo, thời gian tới, khi việc học lái trên đường trường bị giám sát chặt, cùng với việc học và thi trên mô hình mô phỏng, học viên sẽ phải nộp thêm học phí khiến chị Lan thấy rất khó chấp nhận: "Ngay ban đầu khi bọn em đóng tiền thì không hề nói, chẳng hạn "sẽ có khả năng thế nọ, khả năng thế kia”, nhưng cũng không thấy nói.
Đến bây giờ đóng tiền rồi cũng chưa được đi học, bây giờ lại đòi tăng học phí lên như thế, có phải tăng 1-2 triệu đâu, tăng đến 5 triệu, tức là có thể tăng gấp đôi, như thế làm sao mà nghe được".
Chị Bùi Thu Thủy, một học viên mới nộp hồ sơ học lái xe cũng cho hay, chị khá bất ngờ khi giáo viên thông báo mức học phí mới lên đến 18 triệu, tăng 6 triệu so với trước đây: "Tôi cảm thấy giá như vậy so với hiện tại thì rất cao", chị Thủy nói.
Thừa nhận việc phải tăng học phí đào tạo lái xe, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó giám đốc Trung tâm Đào tạo lái xe Lạc Hồng (Hà Nội) cho biết, theo Thông tư 04/2022 của Bộ GTVT, ngoài việc học viên phải học thêm và thi trên mô hình mô phỏng tình huống giao thông thực, học viên còn phải học đủ 800km lái xe đường trường.
Điều này được giám sát bằng cả hình ảnh và dữ liệu của học viên lưu trên xe tập lái, buộc giáo viên và học viên phải dạy đủ, học đủ, từ đó gia tăng chi phí: "Phải cân đối lại vì còn liên quan đến các chi phí xung quanh, với lại số lượng học sinh sẽ ít đi. Số lượng học sinh ít đi thì khấu hao cơ sở vật chất của trường, của lớp, xe cộ sẽ chia ra số học sinh còn lại. Mà số học sinh còn lại ít đi thì dứt khoát những chi phí cố định đó đã tăng rồi", ông Nguyễn Văn Dũng cho biết.
Bởi với hệ thống theo dõi, giám sát và lưu dữ liệu toàn bộ quá trình dạy và học lái, các trung tâm sẽ buộc phải dạy thật, người học phải học thật, không thể có giá 5-6 triệu được rao vô tội vạ trên mạng như vừa qua: "Vì nó liên quan đến 800km đường trường. 800km đường trường nếu lấy rẻ như taxi đi nữa thì chỗ đấy cũng phải 8 triệu.
Rồi còn học phí, lệ phí nộp cho nhà trường rơi vào 2,5 triệu đến 3,5 triệu, tùy trường, đảm bảo cho học viên học trong hình nữa thì cũng phải 20 giờ, tính trung bình 300 nghìn đồng/giờ. Như thế tiền học sa hình rơi vào khoảng hơn 9 triệu, cộng với 8 triệu đường trường nữa là 18 triệu", Nguyễn Trung Anh nói.
Tuy vậy, ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ Phương tiện và người lái, Tổng cục Đường bộ VN cho rằng, lý do mà một số trung tâm đào tạo lái xe đưa ra để tăng học phí là không thuyết phục: "Phần mềm mô phỏng ấy chỉ là mô phỏng lại các tình huống mất an toàn, vẽ lại trên phần mềm 3D để người học biết được các tình huống ấy để người ta biết phải phát hiện như thế nào, xử lý như thế nào.
Phần mềm thì Tổng cục Đường bộ chuyển giao miễn phí cho các Trung tâm sát hạch, thì họ chỉ sử dụng cho người học hoặc đến người ta thi thôi chứ cũng không có gì lấy lý do để tăng".
Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng cho rằng, Thông tư 04/2022 của Bộ GTVT chỉ nhằm quản lý chặt chẽ, thực chất hơn công tác đào tạo lái xe, chứ không tăng thời gian học hay quãng đường thực hành.
Đơn cử, quy định học viên phải học đủ 800km đường trường đã được quy định tại Thông tư 13/2018 của Bộ GTVT.
Điểm mới của Thông tư 04 là ở chỗ, thay vì đề cho các trung tâm đào tạo tự quản lý, giám sát, thì nay Tổng cục Đường bộ VN sẽ làm việc này, thông qua dữ liệu mà các cơ sở đào phải cung cấp, để đảm bảo việc học đủ, học thật, chứ không hề tăng thêm giờ học.
(Theo VOV)