Cát Thịnh - vết thương đã dịu

  • Cập nhật: Thứ ba, 2/1/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Hơn một năm không phải là thời gian dài cho mảnh đất này có thể chữa lành mọi vết thương. Nhưng đang hồi sinh và trở lại nhịp đời là điều dễ nhận thấy ở vùng tang thương sau trận lũ kinh hoàng ngày 27/9/2005.

Cầu treo vào Trường THPT Văn Chấn xã Cát Thịnh mới được xây dựng lại.
Cầu treo vào Trường THPT Văn Chấn xã Cát Thịnh mới được xây dựng lại.

Trở lại nhịp sống

 

Vết tích cơn lũ quét vẫn in rõ trên mỗi bức tường nhà bằng cái ngấn nước vàng sậm phải đến gần hai mét, nhưng khu thị tứ Ba Khe, xã Cát Thịnh (Văn Chấn) đã chộn rộn trở lại. Trong dòng người xuôi ngược, một người đàn ông nhỏ bé trên chiếc xe máy lại qua mấy lượt. Vài người nói với nhau: "Ông Quyến đã đi giao hàng được rồi đấy". Người đàn ông tên Quyến ấy là một trong những người chịu nhiều đau đớn nhất trong cơn lũ. Đấy chính là cha của hai cô gái trẻ tuổi xấu số Quyên và Phượng đã vĩnh viễn bị cuốn theo dòng nước. Cả căn nhà cùng với hàng hoá kinh doanh của gia đình cũng theo lũ trôi xa. Bản thân ông khi đó lại đang nằm liệt một chỗ sau một tai nạn. Năm đứa con nay đã vắng hai, lại vắng thêm cả một đứa cháu ruột. Chẳng ai có thể ngăn nổi dòng nước mắt trực trào ra dù đã cố nén trong dáng vẻ của một người đàn ông. Bây giờ, ngôi nhà ông ở thuộc về đất nông trường Trần Phú. May mắn, nhờ có ngôi nhà mới làm ở đó thời gian trước lũ mà gia đình không phải chịu cảnh căng lều cắm bạt. Dẫu nỗi đau mất mát có làm cho thời gian hồi phục bệnh tật của ông lâu hơn nhưng cũng không thể kéo dài mãi được: "Vẫn còn ba đứa con nữa cần lo!". Rồi cửa hàng  buôn bán  đồ mộc của gia đình đã được mở lại. Đến giờ ông đã có thể chở và giao hàng cho khách.

 

Không mất con nhưng mất vợ, anh Vũ Văn Trung cũng người thị tứ giờ đã gửi hai đứa con  lên Lào Cai sinh sống và tiếp tục công việc của mình ở đây. Cháu Nguyễn Văn Chính, con trai anh Nguyễn Văn Tú và chị Nguyễn Thị Quyên đã không còn được ở cùng bố mẹ nữa song cháu đang được sống trong vòng tay yêu thương của ông bà…

 

Dựng lại những nếp nhà

 

Theo con số thống kê của UBND xã, 58 ngôi nhà bị xoá trắng ở 11 thôn, trong đó  nặng nề nhất là ở thị tứ Ba Khe. Cùng với 10 triệu đồng hỗ trợ cho mỗi gia đình của Tổ chức Bánh Mỳ thế giới, các hoạt động hỗ trợ tái định cư nhanh chóng được cấp ủy, chính quyền địa phương tiến hành. Mảnh đất ngay phía đầu cầu vào trường THPT Văn Chấn, trước đây là đất ruộng thuộc thôn Đá Gân nay được san tạo, đổ đắp làm nơi định cư cho 16 hộ gia đình ở Ngã Ba. Ở bên này cầu, trên diện tích đất mới san tạo từ một quả đồi thuộc thôn Khe Ba, gần chục gia đình lần lượt chuyển về. Anh Nguyễn Văn Lân và chị Bùi Thị Dịu  dựng ngôi nhà nhỏ trên mảnh đất này được hơn một tháng nay. Ngôi nhà cũ của anh chị ở thôn Văn Hưng đã bị lũ quét phẳng cùng với ao nuôi ba ba của gia đình mà những năm trước đó mang lại lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng/năm. Chị Dịu cho hay: "Dẫu sao cũng đã có được cái nhà tử tế hơn trên chỗ đất an toàn. Chắc không lâu nữa sẽ hoàn thiện đường điện và nước. Chỉ hiềm một nỗi, ở đây không có ao để tiếp tục nuôi ba ba, hết vụ chè hai vợ chồng tôi chưa biết sẽ làm gì?"- phấp phỏng một mối lo nhưng chị bù ngay lại bằng một niềm an ủi: "Hai đứa nhỏ đã tiếp tục đến trường cách có vài trăm mét".

 

Tinh thần cảnh giác được đề cao sau lũ cùng với hàng chục hộ phải tu sửa lại nhà cửa. Tất cả 70 hộ gia đình ven suối  nằm trong vùng nguy hiểm đều được yêu cầu di dời. Từ cuối năm 2005 đến tháng 6/2006, với mức hỗ trợ 2 triệu đồng/ hộ, việc di dời được hoàn tất.  Anh Nguyễn Xuân Thành - cán bộ địa chính xây dựng xã, người trực tiếp tham gia vào các hoạt động bố trí lại đất đai cho người dân nhận định: "Đến giờ, hầu hết các hộ gia đình đều đã ổn định cuộc sống. Cơn lũ quét vẫn là một nỗi kinh hoàng với bà con, vì thế có thể nói mọi người yên tâm hơn với những nơi ở mới an toàn".

 

Đến tháng 3/2006, cầu treo thôn Văn Hưng được xây dựng lại. Tháng 10/2006, cầu treo vào Trường THPT được đưa vào sử dụng. Các thôn: Đồng Đắc, Ba Khe 1, Ba khe 2, Rịa 2, Khe Kẹn đã có cầu tạm. Cũng trong cơn nước lớn, 60,3 ha ruộng ở các thôn: Đồng Đắc, Ba Khe I, Vực Tuần I, Vực Tuần II… bị vùi lấp. Với mức hỗ trợ 50.000đ/sào, các hộ dân đã khôi phục và đưa vào sản xuất diện tích ruộng này. Hơn 20 ha ruộng bị trôi trắng hoàn toàn lớp bùn đã được bù đắp lại bằng diện tích khai hoang trên các thôn vùng cao. Trong năm 2006, đã có thêm 10,5 ha ruộng mới trên thôn Làng Lao.

 

Vĩ thanh

 

Cát Thịnh đang dần hồi sinh, nhưng vẫn còn đó nhiều vết thương chưa lành ngay được. Hi vọng chị Dịu sẽ tìm được việc làm thay thế công việc chăn nuôi ba ba ngày trước. Hy vọng hệ thống cầu cống trên suối Phà, suối Lao sớm được hoàn thiện. Phó chủ tịch UBND xã Cát Thịnh - Đinh Công Quay đã có tin vui rằng: "Nhà nước sẽ hỗ trợ 300 triệu đồng làm cây cầu nối thôn Đồng Hẻo với Vực Tuần 1 trên suối Lao”. Hi vọng sẽ sớm có thêm nhiều rọ sắt để khôi phục hệ thống mương phai vững chắc  hơn là ken đá với bạt như ở thôn Ba Khe II để rồi cơn mưa tháng 11 vừa qua đã lại một lần nữa xoá sạch. Và cả 100 mét lòng suối đoạn qua thôn Khe Kẹn và 200 m đoạn qua thôn Ba Khe 2 bị vùi lấp khiến lòng suối còn cao hơn cả mặt ruộng ấy sẽ sớm được nạo vét… Mong rằng hi vọng không chỉ là hi vọng để Cát Thịnh ấm áp hơn với vết thương đã dịu.

 

Thu Hạnh

Các tin khác
Nhà văn hóa phố Hồng Phú (phường Hồng Hà, TP Yên Bái) vừa được đầu tư xây dựng đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của nhân dân.

YBĐT - Là một tỉnh miền núi, Yên Bái có nhiều dân tộc anh em chung sống. Bản sắc văn hoá các dân tộc phong phú, đa dạng và bên cạnh phong tục, tập quán tốt cũng còn những bất cập không phù hợp với nếp sống văn hoá mới. Tuy vậy, phong trào thi đua xây dựng bản làng, gia đình, cơ quan trường học có đời sống văn hoá đã và đang khắc phục dần những tồn tại ấy.

Việc xây dựng chuẩn quốc gia về y tế xã đã góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

YBĐT - Ông Phùng Thanh Khiết - Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Yên Bái cho biết: “Từ kinh nghiệm của năm 2005, công tác xây dựng chuẩn quốc gia về y tế xã năm 2006 được thực hiện bài bản và chặt chẽ hơn. Như vậy, chất lượng các xã đạt chuẩn cũng cao hơn. Theo đánh giá sẽ có 30 xã tiếp tục đạt chuẩn, nâng tổng số xã đạt chuẩn toàn tỉnh lên 61 xã”.

Giờ thực hành môn tin học của học sinh Trường THPT thị xã Nghĩa Lộ.

YBĐT - Những năm gần đây, công tác giáo dục - đào tạo của tỉnh Yên Bái đã có nhiều chuyển biến tích cực từ quy mô trường lớp đến chất lượng giáo dục. Năm học 2006 - 2007, ngành giáo dục - đào tạo Yên Bái cùng với các tỉnh, thành phố trong cả nước tích cực triển khai cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” do Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân phát động.

YBĐT - Ngày 29/9/2005, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Yên Bái đã ra lời kêu gọi cứu trợ ủng hộ các nạn nhân, thiên tai do lũ quét, sạt lở gây hậu quả nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Nội dung như sau:

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục