Kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh (30/6/1945 - 30/6/2024)

Khát vọng Làng Lao

  • Cập nhật: Thứ sáu, 28/6/2024 | 7:50:19 AM

YênBái - Từ một thôn nghèo, nhiều khó khăn, đến nay, Làng Lao, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn đã ổn định cuộc sống. Làng Lao mang khát vọng hướng tới xây dựng thôn mình ngày càng phát triển…

Trưởng thôn Sùng A Phềnh (ngoài cùng, bên phải) trao đổi với cán bộ xã và giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Cát Thịnh về tình hình học tập và duy trì sĩ số học sinh trong thôn.
Trưởng thôn Sùng A Phềnh (ngoài cùng, bên phải) trao đổi với cán bộ xã và giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Cát Thịnh về tình hình học tập và duy trì sĩ số học sinh trong thôn.

Biết chúng tôi có ý định đến thôn Làng Lao, Bí thư Đảng ủy xã Phạm Văn Tiến phấn khởi chia sẻ: "Đường vào Làng Lao bây giờ dễ đi lắm! Mặc dù đường dốc song chỉ 30 phút đồng hồ là các anh đến ngay thôi vì đường bê tông trục chính dẫn vào thôn gần như đã đạt tỷ lệ 100%”. 

Bí thư Đảng ủy xã cũng thông tin thêm một số thành tích nổi bật của thôn Làng Lao như tình hình phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới… Cái khó khăn lớn nhất của thôn bây giờ vẫn là đất canh tác bởi diện tích đất rừng nhiều, khoảng 905 ha nhưng lại thuộc quyền quản lý của Công ty Minh Tiến, tỉnh Phú Thọ từ năm 2009. Xã cũng đã có văn bản kiến nghị huyện, tỉnh nhiều năm nay nhưng vẫn chưa được giải quyết, người dân muốn canh tác bắt buộc phải trở về thôn Làng Lao cũ cách nơi ở bây giờ chừng 20 km đường rừng đi bộ hoặc phải xuôi về thôn Vực Tuần để thuê lại diện tích ruộng nước của người dân canh tác lấy lương thực. Rồi là chuyện các công trình nước sạch được Nhà nước đầu tư từ khi "hạ sơn” đến nay đã hư hỏng. 

Đến hệ thống đường giao thông dẫn vào thôn có địa hình phức tạp, mưa lũ đã làm nhiều đoạn ta-luy âm bị sạt lở, mất hệ thống hộ lan rất nguy hiểm nên muốn gia cố, sửa chữa lại cũng cần không ít tiền mà ngân sách địa phương thì không đủ lo… Nói chung so với thời điểm "hạ sơn” thì đến nay, thôn cơ bản đã ổn định và khá hơn rất nhiều nhờ có các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã đến với người dân một cách kịp thời, đội ngũ cán bộ thật sự sâu sát cơ sở, cầm tay chỉ việc. 

Đúng như Bí thư Đảng ủy xã Phạm Văn Tiến đã nói, chỉ sau nửa tiếng đồng hồ chạy xe, chúng tôi đã đặt chân tới Làng Lao. Quả thật những điều tận mắt thấy ở nơi đây hoàn toàn khác xa so với tất cả những gì chúng tôi mường tượng trước đó. Làng Lao đã có một diện mạo mới với con đường bê tông vượt núi, với những ngôi nhà sàn và nhà xây khang trang, hình thành một bản làng định cư tươi đẹp hơn. 

Khẳng định điều này vì khoảng 10 năm trước, khi đến với Làng Lao, cuộc sống của người dân trong thôn lúc mới về đây bộn bề, ngổn ngang, khó khăn, chật vật. Muốn vào được thôn chỉ có con đường mòn độc đạo duy nhất, chủ yếu là đi bộ. Thôn chỉ cách trung tâm xã chừng 10 cây số mà phải đi mất nửa ngày đường mới tới nơi. Lúc ấy, cả thôn có 47 hộ dân mới xuống núi cộng với 10 hộ đã định canh định cư từ trước. 

Để nhanh chóng đảm bảo ổn định cuộc sống cho người dân sau khi "hạ sơn”, thời điểm đó Nhà nước đã hỗ trợ 21 tỷ đồng để hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, làm nhà, xây dựng công trình thủy lợi, công trình nước sạch, nhà sinh hoạt cộng đồng, lớp học, mở đường và bê tông hóa đường giao thông. 

Trên đường vào thôn, chúng tôi gặp ông Hờ A Trang lỉnh kỉnh đồ đạc vừa đi chợ về. Thật tình cờ và thú vị, ông Hờ A Trang - nguyên là Trưởng thôn Làng Lao tại thời điểm đồng bào vừa xuống định canh định cư ở đây. Đến năm 2017, ông xin nghỉ làm trưởng thôn vì lý do sức khỏe. 4 năm ở cương vị trưởng thôn, ông cùng với đội ngũ cán bộ xã đã tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào nhiệt tình tăng gia sản xuất, không phá rừng làm nương rẫy, không tảo hôn, thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, vận động đồng bào cho con em ra lớp đúng độ tuổi... 

Ông Trang nhớ lại ngày tháng đã qua: "Cuộc sống của người Mông bao đời trước đó vẫn cứ phá hết cánh rừng này làm nương rẫy lại dắt díu nhau sang cánh rừng khác mà không thoát khỏi cảnh đói ăn, đói mặc quanh năm. Khi mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ có chủ trương di dân để định canh định cư, tôi đã tham gia vận động đồng bào cùng nhau chuyển về nơi ở mới và được cấp đất ở, được hỗ trợ làm nhà, gần trung tâm xã hơn, ai còn nương rẫy thì cứ để lại làm… Vậy là người dân đồng tình hưởng ứng ngay thôi”. 

Nói được và làm được, bản thân ông đã mạnh dạn phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, ổn định cuộc sống. Tại nơi ở mới, được Nhà nước hỗ trợ con giống, ông phát triển chăn nuôi gia cầm. Tại nơi ở cũ, ông làm lán trại để nuôi trâu và nay đã có 10 con trâu. Làm theo ông, nhiều gia đình đã phát triển chăn nuôi trâu, bò từ 4 - 7 con cho hiệu quả kinh tế cao như hộ ông Sùng Nỏ Sử, ông Sùng A Măng, ông Hờ Chở Mểnh… Ghé vào nhà Trưởng thôn Sùng A Phềnh với tuổi đời còn rất trẻ, mới gần 30 tuổi mà đã làm trưởng thôn được 2 khóa. 

Trưởng thôn Sùng A Phềnh cho hay: "Làng Lao bây giờ đã bớt khó khăn hơn trước rất nhiều bởi có đường, có điện, có điểm trường mầm non. Đặc biệt, thôn có tới 20 đảng viên trẻ đều năng nổ, nhiệt tình trong các phong trào, hoạt động. Tỷ lệ hộ nghèo còn trên 70%, tương đương trên 70 hộ nhưng tình trạng đói giáp hạt chỉ còn 2 - 4 hộ, thôn đặt mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2024 sẽ giảm được 15 hộ nghèo”.  

Trong câu chuyện của Trưởng thôn Sùng A Phềnh có chung niềm trăn trở về khó khăn cũng là mong mỏi lớn nhất của người dân Làng Lao là đất sản xuất. Cả thôn có gần 100 hộ dân mà chỉ vẻn vẹn hơn 3 ha ruộng nước, diện tích gieo trồng ngô cũng chỉ hơn 3 ha, hơn 1 ha diện tích trồng rau màu và 5 ha ruộng nước có thể khai phá nhưng chỉ canh tác được 1 vụ. Để có lương thực phục vụ sinh hoạt và chăn nuôi, trên 70% hộ dân phải xuống thôn Vực Tuần, thôn Đồng Hẻo thuê lại diện tích lúa nước để canh tác, giá thuê khá cao với 3 triệu đồng/vụ cho diện tích 2.000 m2. Năm được mùa còn có chút lương thực, năm mất mùa thì coi như không. Nơi ở cũ, đất canh tác tương đối nhiều, trước đây vẫn canh tác lúa, ngô, sắn nhưng vì đường đi không thuận lợi lại xa nơi ở mới tới 20 km nên người dân đã trồng rừng kinh tế. 

"Nếu Nhà nước đầu tư con đường đặc thù rộng khoảng 1,2 mét để thuận lợi cho người dân đi lại canh tác, sản xuất thì Làng Lao chả mấy trở thành thôn điển hình về phát triển kinh tế” - Trưởng thôn Phềnh ao ước. 


Nhiều đoạn đường bê tông vào thôn Làng Lao bị mưa lũ làm sạt lở, gây khó khăn cho việc đi lại, rất cần nguồn lực để sửa chữa.   

Khó khăn, vất vả thế nhưng người Làng Lao đang tìm cách vươn lên. Họ đã dần thay đổi tập quán canh tác từ tự cung tự cấp sang tư duy hàng hóa, phát triển kinh tế đồi rừng ở nơi ở cũ, thâm canh tăng vụ diện tích lúa nước hiện có. 

Đáng nói là đồng bào nơi đây đã tranh thủ sự hỗ trợ về hỗ trợ phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025 theo Nghị quyết số 69/2020/NQ-HĐND ngày 16/12/2020 của HĐND tỉnh và các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế của huyện Văn Chấn để phát triển các mô hình chăn nuôi từ nhỏ lẻ chuyển sang hàng hóa. Đến nay, diện tích quế của người dân đã có hơn 30 ha và diện tích ấy đang tăng mỗi năm, tổng đàn gia súc chính có trên 300 con. 

Bí thư Đảng ủy xã Phạm Văn Tiến nhấn mạnh: "Thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới, xã đã chỉ đạo Làng Lao phấn đấu mỗi năm giảm 15 - 20 hộ nghèo, giải quyết dứt điểm tình trạng đói giáp hạt đứt bữa. Để làm được việc này, cấp ủy, chính quyền xã mong muốn tỉnh, huyện giải quyết dứt điểm tình trạng đất rừng của Công ty Minh Tiến đã nhiều năm không thấy triển khai hoạt động để giao lại cho nhân dân sản xuất. Bên cạnh đó, địa phương mong muốn được hỗ trợ kinh phí để mở đường vào thôn Làng Lao cũ, giúp người dân thuận tiện sản xuất, canh tác và vận chuyển hàng hóa, nông sản”. 

Làng Lao hôm nay tuy chưa có hộ giàu nhưng hộ khá, hộ trung bình đã chiếm 29,47% và thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 20,4 triệu đồng. Những ngôi nhà kiên cố xuất hiện ngày càng nhiều khi điều kiện kinh tế nâng cao, giảm tỷ lệ nhà dột nát trong thôn xuống còn 3%. Có 95% con em của thôn đến trường, đến lớp đúng độ tuổi. 

Đặc biệt, Làng Lao đã đạt 10/15 tiêu chí thôn nông thôn mới. Làng Lao cần đất sản xuất là nhu cầu thiết yếu khi mà dân số thôn ngày một tăng lên. Đó cũng là nguyện vọng chính đáng của người dân vì sống giữa rừng mà lại thiếu đất canh tác. Khát vọng ấy của người Làng Lao chắc chắn sẽ sớm trở thành hiện thực khi nhịp cầu lòng dân - ý Đảng gặp nhau. 

Làng Lao - thôn người Mông đặc biệt khó khăn của xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn "hạ sơn” chuyển về định cư từ năm 2013 theo Quyết định số 33/2013/QĐ-TTg ngày 4/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số đến năm 2015. 

Thanh Tân

Tags Làng Lao Cát Thịnh Văn Chấn

Các tin khác
Các em học sinh trên địa bàn huyện Yên Bình được giới thiệu, tuyên truyền, tư vấn chọn ngành, chọn nghề tại Ngày hội “Tư vấn hướng nghiệp - tuyển sinh - việc làm” năm 2023. (ảnh minh họa)

Ngày 25/11/2023, Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 188-CTr/TU (gọi tắt là Chương trình 188) về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2024 với các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể. Cùng các cấp, các ngành, địa phương, ngành lao động - thương binh và xã hội (LĐTBXH) tỉnh đã xác định rõ các chỉ tiêu, nhiệm vụ và đưa ra nhiều giải pháp triển khai với quyết tâm cao, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao. Đến nay, một số chỉ tiêu của ngành đạt trên 50% kế hoạch, nhiều chỉ tiêu đạt cao.

Đồng chí Đỗ Quang Minh - Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy Khối CQ&DN tỉnh trao giấy khen cho 2 tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Phong trào thi đua “CCB gương mẫu” giai đoạn 2019 - 2024.

Chiều 27/6, Hội Cựu chiến binh (CCB) Khối cơ quan và doanh nghiệp (CQ&DN) tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết phong trào thi đua “CCB gương mẫu” giai đoạn 2019 - 2024.

Lao động nam trong lĩnh vực dệt may.

Chính phủ đã chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) theo hướng thu hẹp chênh lệch tỷ lệ lương hưu của nam và nữ khi hạ xuống 15 năm đóng BHXH hưởng lương hưu.

Một buổi tiếp công dân định kỳ của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn.

6 tháng đầu năm, các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã tiếp 653 lượt công dân, tiếp nhận 859 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục