Niềm tin của người lao động

  • Cập nhật: Thứ ba, 15/7/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Trung tâm Dạy nghề huyện Lục Yên (Yên Bái) được thành lập từ tháng 10 năm 2005. Đến nay, Trung tâm đã đào tạo nghề cho hơn 2.000 lao động, với các ngành nghề chủ yếu như: may công nghiệp, điện dân dụng, sửa chữa xe máy, gò hàn, kỹ thuật sản xuất tranh đá quý, mây tre đan; các lớp chăn nuôi, thú y, thuỷ sản nước ngọt... Nhờ đó, nhiều lao động đã tìm được việc làm ổn định ở trong và ngoài tỉnh.

Cán bộ Trung tâm Dạy nghề huyện Lục Yên hướng dẫn người lao động làm hồ sơ đi xuất khẩu lao động trong và ngoài tỉnh.
Cán bộ Trung tâm Dạy nghề huyện Lục Yên hướng dẫn người lao động làm hồ sơ đi xuất khẩu lao động trong và ngoài tỉnh.

Các ngành nghề truyền thống của huyện Lục Yên có ít, ngoại trừ nghề thủ công đan mây tre ở xã Tân Lĩnh hay nghề chế tác đá quý ở thị trấn Yên Thế, chưa đáp ứng được nhu cầu về việc làm của người lao động. Đời sống của người dân còn thấp, trong khi số lao động ở nông thôn có thời gian nhàn rỗi lại khá lớn nên hàng năm, số này hầu hết đều đi lao động trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, trong số đó, tỷ lệ chưa qua đào tạo các ngành nghề phổ thông rất phổ biến nên họ thường gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, từ khi Trung tâm Dạy nghề huyện Lục Yên được thành lập đến nay đã nhanh chóng trở thành một địa chỉ tin cậy của người lao động.

Với muôn vàn khó khăn ban đầu khi mới thành lập như: thiếu các phòng dạy nghề, nhà phân xưởng; trang thiết bị, máy móc chưa đồng bộ; đội ngũ giáo viên phải đi thuê... nhưng nhờ sự nỗ lực của Ban Giám đốc và tập thể cán bộ, công chức nên Trung tâm đã từng bước khắc phục khó khăn, hoàn thành và vượt chỉ tiêu đề ra hàng năm. Để có kết quả trên, bên cạnh việc làm tốt công tác tuyển sinh cho các đối tượng có nhu cầu đến đăng ký học nghề, đơn vị đã cử cán bộ xuống trực tiếp các xã để tư vấn cho nhiều lao động. Nhờ vậy, sau hai năm thành lập, Trung tâm đã đào tạo nghề cho hơn 2.000 lao động, đặc biệt trong sáu tháng đầu năm 2008 mở 12 lớp đào tạo cho hơn 364 lao động với các ngành nghề: trồng trọt và chế biến nông sản, may công nghiệp, điện dân dụng, sửa chữa xe máy, sửa chữa cơ khí nhỏ, gò hàn, kỹ thuật sản xuất tranh đá quý, mây tre đan, các lớp chăn nuôi thú y...

Từ các lớp đào tạo nghề ngắn hạn này đã giúp cho người lao động dễ dàng kiếm được việc làm ở trong tỉnh cũng như tại các thành phố lớn như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng... và có thu nhập ổn định. Xác định đào tạo đi đôi với giải quyết việc làm nên trong những năm qua, đơn vị đã liên kết với nhiều doanh nghiệp, công ty, các cơ sở dạy nghề khác trong việc đào tạo và sử dụng lao động sau đào tạo.

Từ năm 2006 đến nay, Trung tâm đã liên kết và giới thiệu cho hàng trăm lao động có việc làm ổn định ở các công ty lớn, tiêu biểu như: Công ty May Nhà Bè ở thành phố Hồ Chí Minh, Công ty Liên doanh May Việt - Nhật ở Nam Định, Công ty Liên doanh Việt Nam -Hàn Quốc, Công ty cổ phần May Thăng Long - Hà Nội... Hầu hết lao động ở những công ty này đều có việc làm ổn định, có thu nhập từ 1,2 đến 1,5 triệu đồng/người/tháng. Chị Nguyễn Thị Phượng ở thị trấn Yên Thế, học viên lớp may công nghiệp của Trung tâm Dạy nghề Lục Yên phấn khởi cho biết: “Sau khi theo học ba tháng nghề may công nghiệp, tôi đã được Trung tâm giới thiệu, nộp hồ sơ để đi làm cho Công ty cổ phần May Thăng Long - Hà Nội nên vui lắm!”.

Niềm vui của người lao động cũng chính là niềm vui chung của cả Trung tâm. Song hiện tại, đơn vị cũng có nhiều khó khăn. Theo anh Lưu Mạnh Dũng - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Lục Yên thì hiện đơn vị còn phải đương đầu với khó khăn về cơ sở vật chất như thiếu phòng học, nhà xưởng, trang thiết bị máy móc không đồng bộ. Được biết, UBND tỉnh Yên Bái đã cấp kinh phí xây dựng thêm một số phòng chức năng cho Trung tâm nhưng về phía huyện chưa giải phóng mặt bằng diện tích đất trong qui hoạch nên đơn vị vẫn phải đi thuê phòng học ở các xã, thị trấn khi có lớp học nghề.

Để đáp ứng ngày càng tốt hơn cho nhu cầu học nghề của người lao động, huyện Lục Yên cần có các biện pháp để nhanh chóng giải phóng mặt bằng cho Trung tâm Dạy nghề huyện xây dựng phòng học. Có như vậy mới có thể phấn đấu mỗi năm đào tạo nghề cho 1.000 lao động/53.000 người trong độ tuổi lao động của huyện và nâng tỷ lệ người lao động qua đào tạo nghề từ 9% năm 2007 lên 11% năm 2008.

Văn Tuấn

Các tin khác

YBĐT - Ngày 15/7 hàng năm, những người cựu thanh niên xung phong (TNXP) Yên Bái lại hồ hởi, phấn khởi, tự hào hướng về ngày lịch sử vinh quang của những chàng trai, cô gái đã một thời "Đâu cần, thanh niên có! Đâu khó có thanh niên!". Đúng vào ngày này cách đây 58 năm Đảng, Đoàn Thanh vận Trung ương ra quyết định thành lập đội TNXP công tác Trung ương Hội.

YBĐT - Ngày 14/7, Tỉnh Hội phụ nữ tổ chức hội nghị Ban chấp hành lần thứ 5 mở rộng và sơ kết phong trào 6 tháng đầu năm 2008. Đồng chí Phạm Hạnh Sâm- Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Hội phụ nữ Việt Nam, Lê Mạnh Hùng- Phó bí thư Tỉnh uỷ Yên Bái, đại diện MTTQ, Sở Y tế, Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh... đã tới dự.

YBĐT - Để giúp hộ nghèo được tiếp cận và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ưu đãi Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đã thành lập tổ vay vốn đến tận các thôn bản. Hiện nay, trên địa bàn huyện đã có 194 tổ vay vốn trong tổng số 116 thôn, bản, tổ dân phố.

BHXH tỉnh: Giám định 381.460 hồ sơ khám chữa bệnh, phát hành 9.326 thẻ bảo hiểm tự nguyện/ Văn Chấn: Thue BHXH-BHYT bắt buộc đạt 45,7%

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục