Không quên ơn người có công

  • Cập nhật: Thứ tư, 16/7/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Toàn tỉnh Yên Bái hiện có trên 5 vạn đối tượng người có công, trong đó trên 4 vạn người hoạt động kháng chiến được tặng thưởng huân, huy chương kháng chiến hưởng trợ cấp 1 lần; 7.541 người có công và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp hàng tháng. Đối tượng người có công luôn được ngành lao động - thương binh - xã hội quản lý, theo dõi thường xuyên trên các mặt thực hiện các chế độ chính sách và cùng toàn thể xã hội đẩy mạnh các hoạt động chăm sóc người có công.

Các chế độ chính sách ưu đãi người có công được thực hiện đầy đủ, kịp thời với mức chi trả trợ cấp hàng tháng bình quân trên 40 tỷ đồng mỗi năm. Ngành lao động - thương binh và xã hội đặc biệt chú trọng giải quyết  những vấn đề tồn đọng sau chiến tranh, chính sách đối với các cựu chiến binh, thanh niên xung phong, người bị nhiễm chất độc hoá học.

Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa được thực hiện thường xuyên. Năm 2007 - năm cao điểm toàn dân tham gia phong trào đền ơn đáp nghĩa nhân dịp kỉ niệm 60 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, 9/9 huyện thị, thành phố đều vận động đóng góp vào “Quỹ đền ơn đáp nghĩa” đạt từ 120% trở lên, đưa quỹ năm này đạt 1,68 tỷ đồng. Nhờ đó 112 nhà tình nghĩa cho đối tượng chính sách được hỗ trợ hoàn thành.

Cũng trong năm 2007, đã có  hơn 240 người có công được điều dưỡng tại các nhà điều dưỡng trong và ngoài tỉnh, 1.500 đối tượng được điều dưỡng tại gia đình. Đến hết năm 2007, toàn tỉnh có 152/180 xã, phường được công nhận làm tốt công tác thương binh liệt sĩ và người có công liên tục trong nhiều năm liền. Hàng trăm con em  liệt sĩ, thương bệnh binh được hưởng chế độ ưu đãi trong giáo dục, đào tạo, được tạo việc làm phù hợp; 14 nghĩa trang liệt sĩ trong toàn tỉnh với 1.637 mộ liệt sĩ cũng luôn được các địa phương quan tâm tu bổ thường xuyên. Các phần mộ liệt sĩ trong các nghĩa trang được xây dựng vững chắc. Một số nghĩa trang đã được nâng cấp mở rộng. Nhiều nhà bia ghi tên các anh hùng liệt sĩ và công trình tưởng niệm được xây mới, điển hình như Khu tưởng niệm anh hùng liệt sĩ xã Hồng Ca (Trấn Yên).

Tiếp tục những việc làm ý nghĩa này, 6 tháng đầu năm 2008, ngành lao động - thương binh và xã hội đã tập trung thẩm định hồ sơ điều chỉnh chế độ trợ cấp, phụ cấp ưu đãi cho gần 8000 đối tượng người có công theo Nghị định 07/2008NĐ-CP của Chính phủ. 80 người có công tiếp tục được đưa đi điều dưỡng tại Sầm Sơn (Thanh Hoá). Hiện nay, các huyện, thị, thành phố đang lập kế hoạch đưa người có công đi điều dưỡng tại nhà điều dưỡng cán bộ tỉnh và lựa chọn người có công tiêu biểu trong phong trào thi đua đi dự hội nghị biểu dương toàn quốc tại Đà Lạt  (Lâm Đồng) trong tháng 7 năm 2008. Đến nay, Quỹ đền ơn đáp nghĩa đã vận động được trên 155 triệu đồng.

Năm 2008, toàn tỉnh phấn đấu xây dựng “Quỹ đền ơn đáp nghĩa” đạt từ 1,2 tỷ đồng trở lên; trong đó, cấp huyện, thị xã đạt từ 900 triệu đồng, quỹ cấp tỉnh đạt trên 300 triệu đồng. Kỷ niệm 61 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, năm 2008, toàn tỉnh phấn đấu hỗ trợ kinh phí làm mới 30 nhà tình nghĩa với kinh phí hỗ trợ tối thiểu 20 triệu đồng/nhà; tu sửa 21 nhà kinh phí hỗ trợ từ 10 triệu đồng/nhà trở lên và xét lựa chọn giải quyết trước với những hộ gia đình chính sách đặc biệt khó khăn về nhà ở.

Ông Hoàng Đức Vượng - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: “Kinh phí hỗ trợ làm nhà tình nghĩa chủ yếu trích từ nguồn Quỹ đền ơn đáp nghĩa của các huyện, thị, trường hợp địa phương nào thực sự khó khăn sẽ có thể hỗ trợ một phần kinh phí từ Quỹ đền ơn đáp nghĩa cấp tỉnh, với mục tiêu không để hộ gia đình chính sách nào còn tình trạng ở nhà tạm hoặc nhà dột nát”.

Cùng với việc tổ chức các hoạt động, việc làm thường xuyên trong phong trào chăm sóc đỡ đầu bố, mẹ liệt sỹ cô đơn, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, chương trình tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, vườn cây tình nghĩa đặt mục tiêu mỗi xã, phường, thị trấn tặng từ 5 đến 10 sổ tiết kiệm tình nghĩa với mệnh giá mỗi sổ từ 1 triệu đồng trở lên hoặc tặng vườn cây tình nghĩa có giá trị thu nhập kinh tế hàng năm cho các gia đình chính sách có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; phấn đấu đạt 100% gia đình chính sách có mức sống từ trung bình trở lên so với nhân dân cùng nơi cư trú; có từ 90% xã phường, thị trấn trở lên được công nhận xã phường có phong trào làm tốt công tác thương binh liệt sĩ- người có công.

Những hoạt động thiết thực hàng năm này không chỉ là trách nhiệm của các cấp, các ngành và xã hội mà còn là điểm tựa cho gia đình chính sách, người có công vươn lên trong cuộc sống.

 P.V

 

Các tin khác

YBĐT - Yên Bình - không chỉ vào những ngày tháng 7 hướng tới kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ này mới có không khí của phong trào đền ơn đáp nghĩa; mà ân nghĩa ấy dường như nó đã thấm sâu vào lòng mỗi người dân và trở thành đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” khơi dậy động lực vươn lên...

Văn phòng Chính phủ vừa phát thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ về việc phát hành trái phiếu cho học sinh, sinh viên (HS-SV) vay.

Trung tâm dạy nghề ra đời sẽ là cơ sở đào tạo giúp người dân có việc làm và thu nhập góp phần cho phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.

YBĐT - Thực hiện Quyết định số 137 ngày 31/1/2007 của UBND tỉnh, cuối năm 2007, huyện Mù Cang Chải đã được đầu tư xây dựng Trung tâm Dạy nghề. Đến nay, các hạng mục công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Ngày 15-7, tại Hà Nội, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã họp báo giới thiệu về Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh. Theo đó, năm 2008, giải thưởng sẽ được trao lần thứ nhất vào ngày 24-7 tới cho 100 công nhân, lao động cả nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục