Thi hành án dân sự: Giáo dục, thuyết phục đi đôi với xử lý kiên quyết

  • Cập nhật: Thứ sáu, 8/8/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - Nhiều năm qua, công tác thi hành án dân sự (THADS) trên địa bàn tỉnh Yên Bái gặp không ít khó khăn. Tỷ lệ án không có điều kiện thi hành, án tồn đọng chiếm cao. Mặc dù các cơ quan thi hành án đã rất cố gắng nhưng có nhiều nguyên nhân khiến công tác thi hành án tại các địa phương chưa đạt được hiệu quả như mong đợi.

Qua tìm hiểu thấy rằng, hầu hết các cơ quan THADS các huyện, thị, thành phố đều gặp rất nhiều khó khăn khi số việc không có điều kiện thi hành và tồn đọng từ năm trước chuyển sang chiếm tới 50%. Được biết, năm 2008, Thi hành án huyện Văn Chấn thụ lý 929 việc, với trên 2,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, có tới 808 việc tồn cũ chuyển sang, với số tiền trên 2,6 tỷ đồng; án chuyển cấp xã thi hành (dưới 500.000 đồng) là 260 việc; án mới thụ lý 121 việc.

Theo phân loại của đơn vị, số án có điều kiện thi hành là 376 việc, với trên 310 triệu đồng, trong khi số không có điều kiện thi hành là 553 việc với trên 2,5 tỷ đồng. Như vậy, số việc không có điều kiện thi hành chiếm gần gấp đôi số việc có điều kiện thi hành và số tiền không thể thi hành gấp tới 8 lần. Thực tế cho thấy, nhiều đơn vị thi hành án trong tỉnh đều gặp phải những khó khăn chung như vậy.

Huyện Văn Yên, án không có điều kiện hoặc chưa có điều kiện đảm bảo cho việc thi hành án theo qui định của pháp luật từ đầu năm là 135/304 việc, chiếm 44,4%, với số tiền trên 1,6 tỷ đồng. Trong đó, án liên quan đến ma tuý từ những năm trước có 38 việc; dân sự trong hình sự 40 việc; vụ Ngân hàng Nông nghiệp huyện 7 việc… Những án có điều kiện thi hành đều được các cơ quan thi hành án trong tỉnh chủ động hoàn thành với tỷ lệ tương đối cao. Trong đó, huyện Văn Yên đạt 68% về số việc và số tiền thi hành án; huyện Văn Chấn đạt 75% về số việc và 135% về tiền… Quá trình giải quyết thi hành án đều đúng luật định, không để xảy ra oan sai.

Tìm hiểu nguyên nhân những khó khăn trong công tác thi hành án  thấy rằng: về chủ quan, tổ chức cán bộ hiện nay còn thiếu chấp hành viên để hoạt động chuyên môn theo quy định so với với nhiệm vụ được giao. Đối với án giao cấp xã và thực hiện kết quả còn thấp do một số chính quyền xã chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, trách nhiệm trong công tác thi hành án dân sự; trình độ và năng lực của cán bộ tư pháp xã  còn hạn chế, chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc đôn đốc giải quyết án.

Về khách quan, số lượng án tồn đọng kéo dài qua nhiều năm không có điều kiện thi hành, điển hình là án dân sự trong hình sự, đặc biệt là những việc liên quan đến ma tuý có số tiền phạt lớn mà người phải thi hành án là những đối tượng nghiện không có khả năng về kinh tế và tài sản. Một số đối tượng phải thi hành hiện đang chấp hành hình phạt tù hoặc bỏ đi khỏi địa phương không có địa chỉ. Một số án tranh chấp, người thi hành án có điều kiện thi hành nhưng vẫn chây ỳ không chấp hành, trong đó có cả một số doanh nghiệp, điển hình như Doanh nghiệp Chè Phú Tân (Văn Chấn), vụ ở Ngân hàng Nông nghiệp huyện Văn Yên…

Việc xét miễn giảm án phí, tiền phạt theo Thông tư số 02/2005 trong quá trình thực hiện còn gặp không ít vướng mắc. Cụ thể, khi lập hồ sơ xác minh, một số đối tượng đủ điều kiện xét miễn giảm nhưng không tự nguyện viết đơn cùng các thủ tục qui định khác nên cơ quan cơ quan thi hành án không có cơ sở gì để xem xét đề nghị miễn giảm. Loại án vi phạm khai thác, quản lý bảo vệ rừng mà người phải thi hành án không có điều kiện thi hành án ở các địa phương vùng cao đến nay vẫn chưa có hướng xử lý, nhiều vụ tồn đọng kéo dài hàng chục năm nhưng vẫn không thi hành được. Một khó khăn và cũng là trở ngại ảnh hưởng đến hiệu quả công tác thi hành án ở vùng cao đó là sự thiếu hiểu biết về ngôn ngữ cũng như phong tục tập quán đồng bào vùng cao của đội ngũ cán bộ làm công tác này.

Để công tác THADS từng bước đạt hiệu quả, cơ quan thi hành án cần làm tốt công tác xác minh, phân loại án, chỉ đạo thực và tổ chức thi hành theo mùa, theo vùng, đồng thời tăng cường kiểm tra đôn đốc đối với án đã chuyển giao cho cấp xã. Việc giải quyết án tồn đọng, giải pháp về lâu dài đối với việc người thi hành án không có tài sản, nguồn thu nhập thì bên cạnh việc đôn đốc, tổ chức thi hành cơ quan thi hành án cần áp dụng hoãn thi hành án và giải quyết theo luật định để giảm tỷ lệ án tồn đọng.

Trong công tác thi hành án lấy phương châm “Giáo dục thuyết phục là chính” nhưng cũng cần kiên quyết cưỡng chế đối với những vụ việc mà cá nhân, đơn vị có điều kiện thi hành nhưng cố tình chây ỳ không thi hành, coi thường luật pháp.

Huy Văn

Các tin khác

YBĐT - 6 tháng đầu năm 2008, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đã đầu tư 19,6 tỷ đồng hỗ trợ phát triển sản xuất, ngành nghề, hướng dẫn cách làm ăn cho 70.000 lượt hộ nghèo, thông qua các dự án khuyến nông-lâm-ngư và phát triển ngành nghề.

YBĐT - Nhằm thúc đẩy hội viên phát huy tinh thần tự lực, tự cường, xóa đói giảm nghèo, đầu năm 2008, các cơ sở hội nông dân huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã vận động được 2.318 hộ đăng ký sản xuất kinh doanh giỏi.

Việc cắt điện do thiếu điện sẽ chỉ xảy ra vào giờ cao điểm buổi sáng (9-11h) hàng ngày.

Theo Thông báo của Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia, việc cắt điện do thiếu điện sẽ chỉ xảy ra vào giờ cao điểm buổi sáng (9-11h) hàng ngày.

Cầu Đăk Vét sau khi bị sập

Những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Sơn La bị ảnh hưởng xấu bởi mưa lũ kéo dài, gây hậu quả khá nặng nề tại các huyện Sốp Cộp, Mường La, Quỳnh Nhai, Thị xã Sơn La... Trận mưa lớn, kéo dài trên diện rộng vào đêm mồng 5, rạng sáng ngày 6/8 đã gây nên lũ lớn trên suối Muội, huyện Thuận Châu, làm sạt lở đất tại bản Nà Nghè, xã Chiềng Ly.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục