TP Yên Bái: Sau lũ, các cửa hàng sửa xe máy đắt khách

  • Cập nhật: Thứ năm, 14/8/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Sau 4 ngày thành phố Yên Bái chìm trong biển nước, sáng 12/8, nước đã rút, mọi người dân nhanh chóng dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh môi trường và cũng không quên mang những chiếc xe máy-phương tiện đi lại duy nhất của gia đình đi bảo dưỡng sau nhiều ngày ngập trong bùn nước.

Cửa hàng sửa xe của anh Nguyễn Văn Hưng, tổ 46, phường Hồng Hà (thành phố Yên Bái) làm không hết việc. (Ảnh: Hồng Duyên)
Cửa hàng sửa xe của anh Nguyễn Văn Hưng, tổ 46, phường Hồng Hà (thành phố Yên Bái) làm không hết việc. (Ảnh: Hồng Duyên)

Dọc các tuyến phố: Nguyễn Thái Học, Lê Hồng Phong, Điện Biên... hầu hết các tiệm sửa xe máy đều làm không hết việc. Cửa hiệu nhỏ cũng có vài ba cái phải chờ, còn cửa hiệu lớn xe xếp đầy ngoài sân chờ đến lượt mà giá cả cũng tuỳ loại xe, mức độ hỏng cũng còn tuỳ vào “thiện ý” của ông chủ.

Anh Hà Nam Tiến tổ 9, phường Yên Ninh than thở: “ Trong mấy ngày nước lũ nhà tôi bị ngập sâu trên 1m; 2 chiếc xe máy cũng ngập trong nước. Ngay sau khi nước rút để có phương tiện đi lại, tôi phải mang xe đi sửa mất gần một triệu”. Anh Linh- chủ cửa hàng sửa xe trên đường Nguyễn Thái Học cho biết: “Xe máy của các khách hàng mang đến đây đã bị ngâm trong nước lâu ngày nên thường bị hỏng bugi, bộ lọc gió, hệ thống điện... nên phải sửa lại hoặc thay mới hoàn toàn. Mỗi xe sửa phải mất từ 1-2 tiếng đồng hồ mới xong.

Giá sửa cũng tuỳ vào loại xe, mức độ hỏng nhiều hay ít, nhưng những xe ngâm trong nước lâu ngày phải thay buri, bộ lọc gió, thay dầu, hệ thống điện, cửa hàng thu từ 100-500 nghìn đồng cho loại xe số, còn xe tay ga giá cũng tuỳ, thường từ 3-5 triệu đồng (xe đắt tiền)”. Giá sửa xe của cửa hàng anh Linh là vậy nhưng ngay bên cạnh cửa hàng của anh giá sửa xe của Công ty Hoà Binh Minh thì khác hoàn toàn.

Theo anh Nguyễn Mạnh Tuấn, phụ trách bộ phận sửa chữa, bảo dưỡng xe thì khách đến cửa hàng rất đông với 10 thợ sửa nhưng không sửa hết được nhiều khách để lại xe khi nào xong cửa hàng gọi khách đến lấy xe về. Giá mỗi chiếc xe sửa chữa từ 100-200 nghìn đồng, tuỳ xe hỏng nhiều hay hỏng ít hoặc phải thay phụ tùng. Chúng tôi ghé vào cửa hàng sửa chữa, bảo dưỡng xe máy Phúc Minh, phường Nguyễn Thái Học lúc 11h trưa, 6 người thợ của cửa hàng đang “đánh vật” với 6 chiếc xe bám đầy bùn đất và còn rất nhiều các xe khác đang chờ đến lượt “tân trang” sau 4 ngày ngâm mình trong nước.

 -Giá sửa xe có cao hơn những ngày trước lũ không?

 Anh Nguyễn Phúc Hùng-chủ cửa hàng đáp: - giá vẫn thế thôi, một cái xe ngâm trong nước mấy ngày thế này chúng tôi phải tháo ra toàn bộ, lau chùi các bộ phận, kiểm tra bugi, bộ lọc khí, dầu máy, điện ắc qui... công sửa từ 30-50.000 đồng/chiếc còn xe nào phải thay bộ phận gì thì tính tiền thứ đó. Mình còn làm nghề lâu dài. Với lại, người dân còn gặp nhiều khó khăn trong lúc chống chọi lại lũ không thể lấy đắt của khách được, tính từ ngày 11/8 cửa hàng sửa gần 40 cái xe nếu lấy giá như một số cửa hàng nhỏ thì bằng mình làm cả tháng, nhưng mình không làm thế được vì lương tâm không cho phép.

Sau lũ, hàng ngàn hộ dân  đang phải căng mình ra đối mặt với những khó khăn trước mắt như: thu dọn sửa lại nhà cửa, đồ dùng sinh hoạt gia đình... thì việc sửa chữa lại phương tiện đi lại của người dân cũng là một nhu cầu tất yếu.  Nếu chỉ tính đơn thuần trên địa bàn thành phố Yên Bái có 7.500 ngôi nhà bị ngập thì cũng có hàng nghìn chiếc xe được tắm nước, cũng đủ cho thấy các dịch vụ sửa chữa đắt khách đến nhường nào.

Điều quan trọng là các ngành chức năng của thành phố phải thường xuyên kiểm tra việc các cửa hàng sửa chữa, bảo dưỡng xe cho khách, tránh tình trạng  “đừng té nước theo mưa”, móc cạn hầu bao của dân trong khi họ còn phải đối mặt với biết bao khó khăn sau lũ lụt.

Hồng Duyên - Văn Thông

Các tin khác
Nhiều diện tích ngô bị ngập úng thiệt hại hoàn toàn.

YBĐT - Nằm trong vùng trọng điểm lũ, Trấn Yên (Yên Bái) là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nề. Lũ đã làm ngập 2.500 ha lúa và hoa màu của 18 xã dọc sông Hồng, làm ngập hàng nghìn ngôi nhà trong đó có 500 ngôi nhà bị hư hỏng nặng... Ước thiệt hại do lũ gây ra lên đến vài chục tỷ đồng. Hiện, lũ đã rút, cùng công tác cứu trợ, việc khắc phục hậu quả thiên tai đang được huyện Trấn Yên khẩn trương khắc phục.

Ngôi nhà duy nhất còn lại sau lũ quét ở Làng Mường, xã Tô Mậu (Lục Yên).

YBĐT - Là một trong những địa phương của tỉnh Yên Bái gánh chịu hậu quả nặng nề của đợt mưa lũ ngày 8 – 9/8, với sự chỉ đạo quyết liệt của tập thể lãnh đạo huyện, Lục Yên đã chủ động trong công tác chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn(TKCN) cũng như hoạt động cứu trợ nhân dân vùng bị nạn.

Thành phố Yên Bái và các huyện lân cận chìm trong biển nước lũ. (Ảnh: Quang Thiều)

Trong những ngày qua, các cơ quan Đảng, Chính phủ, Quốc hội, MTTQVN.. cùng nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương trong cả nước đã tích cực quyên góp, ủng hộ đồng bào vùng lũ.

Trong hai ngày 13 và 14/8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng kết Chiến lược phòng chống cúm gia cầm độc lực cao ngành nông nghiệp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục