Văn Yên oằn mình sau lũ

  • Cập nhật: Thứ năm, 14/8/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Cơn lũ vừa rút, chúng tôi ngược quốc lộ 70, qua xã Tân Nguyên để đến huyện Văn Yên (Yên Bái). Đến thời điểm ngày 13/8, mọi con đường đến huyện đều chưa thông. Phải đi xa hơn 20 km, mất gần 4 tiếng đồng hồ và hàng chục lần xuống đẩy xe qua những đoạn đường bị sạt lở, chúng tôi mới tới trung tâm huyện. Con đường từ Văn Yên đến xã An Bình thật khủng khiếp. Bùn đất lầy sâu, dây điện, cột điện đổ nằm ngổn ngang. Cả một vùng rộng lớn, nhà cửa xơ xác. Ruộng lúa, bãi ngô đổ nghiêng ngả, bị đất cát vùi lấp.

Hoa màu dọc hai bờ sông Hồng bị lũ lụt tàn phá.
Hoa màu dọc hai bờ sông Hồng bị lũ lụt tàn phá.

An Bình là xã bị thiệt hại rất nặng, vào khoảng 11h đêm ngày 8/8 nước lũ bất ngờ đổ về khiến hàng trăm người dân không kịp trở tay. Nước lên nhanh đến mức người dân ở khu vực thấp chỉ vừa đủ thời gian gọi nhau dậy chạy lũ. Ông Trần Văn Uyển ở thôn 3 vẻ mặt bơ phờ nghẹn ngào nói: "Đêm 8/8 mưa như trút nước, tôi đang trằn trọc vì đã hết thức ăn cho đàn lợn thì có tiếng chuông điện thoại. Nhấc ống lên, chỉ kịp nghe ai đó nói: Chạy đi, vỡ đập rồi! Chưa kịp định thần thì phía núi Ten cách khoảng 500 mét có tiếng ầm ầm, ùng ục vọng lại. Biết chuyện chẳng lành, tôi chỉ kịp gọi mẹ dậy, đồng thời chạy ra sau nhà, rút then chuồng, lùa đàn lợn lên đồi quế gần nhà. Khi vừa ra khỏi nhà được một quãng thì nước lũ đã ầm ầm đổ về cuốn phăng mọi thứ. Sáng hôm sau quay về thì toàn bộ tài sản, cùng gần 2 tấn lúa trong nhà bị lũ cuốn mất".

Anh Trần Văn Nam, cùng thôn cũng với vẻ mặt bàng hoàng nói: "Khoảng hơn 11h đêm, sợ nước vào nhà, tôi ra sân khơi rãnh nước nghe tiếng ầm ầm từ phía trên núi vọng lại. Nhà lại ở gần ngòi Trở nên tôi vội vào nhà giục vợ con cùng nhau chạy lên đồi, cả nhà chả ai mang theo được cái gì. Trời sáng, mưa ngớt, nhìn về phía nhà mình chỉ thấy toàn nước là nước, nhà cửa bị sập đổ hoàn toàn. Theo người dân ở đây cho biết, ngòi Trở bắt nguồn từ dãy núi Ten. Thấy nguồn nước sạch và mát, nhân dân trong xã đã đắp 13 cái đập trên núi để nuôi cá. Mưa lớn đã làm toàn bộ hệ thống đập trên đó bị vỡ. Nước từ đó ầm ầm đổ về cuốn đi mọi thứ trên đường nó đi".

Theo số liệu của Ban phòng chống bão lũ và tìm kiếm cứu nạn huyện Văn Yên, trong đợt mưa lũ vừa qua, huyện có 11 người chết do sập nhà và bị lũ cuốn trôi, trong đó xã An Bình có 2 người, Xuân Tầm 3 người, Lâm Giang 5 người và xã Tân Hợp 1 người. Nước lũ đã làm sập đổ hoàn toàn và cuốn trôi 43 ngôi nhà, 195 nhà bị ngập nước và bị sạt đất, 524 hộ phải sơ tán đi nơi khác. Mưa lũ làm ngập 530 ha lúa, trong đó có 165 ha bị mất trắng; hàng chục con trâu, bò, lợn bị cuốn trôi.

Các tuyến đường trong huyện đều bị sạt lở và hư hỏng nặng, trong đó tuyến Đông An - Dụ Thượng bị sạt lở 32 điểm, khoảng 20.000 m3 với tổng chiều dài các điểm sạt lở lên tới 1,7 km; tuyến đường An Bình - Lâm Giang sạt lở khoảng 10.000 m3; tuyến Mỏ Vàng - Nà Hẩu sạt lở nhiều chỗ khoảng 30.000 m3. Mưa lũ cũng làm nhiều công trình thuỷ lợi bị hư hỏng nặng, đã phá hỏng đập đầu mối phai Đồng Dẹt, Ngòi Mười, Ngòi Lầm xã Đông Cuông...Tổng thiệt hại do mưa lũ gây ra ước lên tới gần 30 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Lịch - Bí thư Huyện ủy Văn Yên cho biết: "Ngay sau khi mưa bão vừa ngớt, Ban chỉ huy phòng chống bão lũ huyện đã huy động lực lượng vũ trang dựng lại và sửa chữa nhà cửa cho nhân dân; cử 40 nhân viên y tế xuống tất cả các xã hướng dẫn nhân dân vệ sinh môi trường, khử trùng, tiêu độc. Lực lượng thanh niên tình nguyện trong huyện đã mang hàng cứu trợ cho bà con ở Khe Lép, xã Xuân Tầm, đồng thời, huyện huy động các lực lượng chức năng, quản lý các mặt hàng tránh tình trạng găm hàng tăng giá, đồng thời cử người đến thăm hỏi động viên và hỗ trợ gia đình có người chết 3 triệu đồng; người bị thương 1 triệu đồng; hỗ trợ nhà sập 3 triệu đồng; nhà bị lũ cuốn trôi hoàn toàn 4 triệu đồng; nhà bị mất tài sản 1 triệu đồng".

Trong thời gian tới, huyện sẽ mời các nhà thầu hiện đang làm đường giao thông trên địa bàn huyện cùng nhau tham gia khắc phục những tuyến giao thông bị hư hỏng; vận động giáo viên cùng học sinh tu sửa trường lớp để khai giảng năm học mới đúng thời gian qui định; chỉ đạo nhân dân tích cực cứu những ruộng lúa có thể hồi sinh được, nếu diện tích nào bị vùi lấp thì chuyển sang trồng ngô và giao cho Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cung cấp đủ ngô giống cho nông dân... Đồng thời, tỉnh sẽ hỗ trợ những hộ thiếu đói 15 kg gạo/người/tháng; đối với những hộ bị mất tài sản, tỉnh sẽ hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ để mua dụng cụ sinh hoạt và công cụ sản xuất nhỏ; những nhà bị sập và bị lũ cuốn trôi sẽ hỗ trợ 5 triệu đồng/hộ.  

Hy vọng với những việc làm tích cực trên, nhân dân huyện Văn Yên sẽ sớm ổn định cuộc sống. 

Quang Thiều

Các tin khác

YBĐT - Yên Bình mưa đã ngớt. Trên các sông, ngòi lũ đang rút dần. Từ ngã ba Cát Lem men theo con đường nhầy nhụa, có những điểm bùn ngập quá đầu gối, phải mất hơn 2 giờ đồng hồ chúng tôi mới đến được trung tâm thị trấn Thác Bà (huyện Yên Bình).

YBĐT - Vừa qua, Ban Quản lý Dự án Chia sẻ huyện Văn Chấn phối hợp với Hội Phụ nữ huyện khai giảng lớp xoá tái mù chữ cho phụ nữ xã Hạnh Sơn.

Cửa hàng sửa xe của anh Nguyễn Văn Hưng, tổ 46, phường Hồng Hà (thành phố Yên Bái) làm không hết việc. (Ảnh: Hồng Duyên)

YBĐT - Sau 4 ngày thành phố Yên Bái chìm trong biển nước, sáng 12/8, nước đã rút, mọi người dân nhanh chóng dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh môi trường và cũng không quên mang những chiếc xe máy-phương tiện đi lại duy nhất của gia đình đi bảo dưỡng sau nhiều ngày ngập trong bùn nước.

Nhiều diện tích ngô bị ngập úng thiệt hại hoàn toàn.

YBĐT - Nằm trong vùng trọng điểm lũ, Trấn Yên (Yên Bái) là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nề. Lũ đã làm ngập 2.500 ha lúa và hoa màu của 18 xã dọc sông Hồng, làm ngập hàng nghìn ngôi nhà trong đó có 500 ngôi nhà bị hư hỏng nặng... Ước thiệt hại do lũ gây ra lên đến vài chục tỷ đồng. Hiện, lũ đã rút, cùng công tác cứu trợ, việc khắc phục hậu quả thiên tai đang được huyện Trấn Yên khẩn trương khắc phục.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục