Tuy Lộc: Những ngày sau lũ
- Cập nhật: Thứ sáu, 15/8/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Sau lũ, nhiều hộ dân xã Tuy Lộc đã dọn dẹp nhà cửa khắc phục cuộc sống, nhưng trước mắt họ lại phải đối mặt với thiếu lương thực, nước uống, nguy cơ dịch bệnh bùng phát...
Ruộng ngô xanh tốt là thế mà giờ đây trở nên hoang tàn do lũ.
|
Theo thống kê chưa đầy đủ trong đợt lũ này xã Tuy Lộc có 2 người chết, hơn 162 ha lúa và hoa màu bị ngập sâu trong nước, hơn 6 ngàn con gia súc, gia cầm bị nước lũ cuốn trôi..., ước thiệt hại kinh tế khoảng trên 20 tỷ đồng.
Phần lớn người dân ở đây chỉ trông vào vụ lúa mùa. Giờ cả cánh đồng mất trắng không biết người dân sẽ mưu sinh bằng gì? Sau lũ, đứng trên cánh đồng các thôn Minh Long, Hợp Thành, Minh Đức giờ vùi sâu trong bùn, cát chỉ còn xót lại ít lúa, ngô vàng héo xác xơ bò rạp trong bùn. Trong nỗi đau mất nhà cửa, mất mùa nhiều hộ dân còn lo mất ruộng trồng lúa với khoảng trên 30 ha ruộng nằm dọc sông hồng giờ biến thành một miền cát trắng. Ông Nguyễn Danh Dũng ở thôn Minh Long, mấy ngày nay chiều nào cũng ra ngoài cánh đồng ngồi bần thần, ông cho biết: “ Đã lâu lắm rồi mới có trận lũ lớn như thế này, năm 1968 lũ lớn lắm nhưng sau khi nước rút phù xa màu mỡ của sông Hồng bồi đắp, bà con gieo cấy lại nên cũng nhanh chóng ổn định được sản xuất. Còn trận lũ này không biết bao giờ mới khắc phục được hơn 30 ha bị toàn cát bồi đắp có chỗ dầy trên 2m cát lấy đâu ra ruộng mà trồng lúa, làm màu chứ. Số diện tích còn lại cũng ngập đầy bùn đất mà chưa biết trồng cây gì để đảm bảo được cuộc sống trước mắt”.
Chị Lê Thị Định ở thôn Minh Long nhà có hai mẹ con mấy ngày nay đi vay ăn từng bữa, trong nhà giờ chẳng còn thứ gì đáng giá, trước đây hàng ngày bán rau, cà, đong gạo ăn qua ngày giờ tất cả chìm nghỉm trong bùn và cát. Vụ trước nhà có 5 sào ngô thu hoạch bán được 4 triệu đồng đầu tư hết vào ruộng thế mà ông thuỷ thần cuốn hết. Từ khi nước rút ngày nào chị cũng đứng nhìn ra ruộng mà lòng xót xa.
Rời “cánh đồng cát” chúng tôi vào thôn Hợp Thành nơi hiện nay vẫn còn ngập trong nước. Dưới cái nắng chói chang nhưng chúng tôi phải lội bì bõm dưới nước và bùn lầy mới đến được gia đình ông Nguyễn Đình Thực. Cả đời tích cóp mới được 40 triệu đồng, tháng 10 năm 2007 xây được ngôi nhà cấp 4 cho 6 người ở. Trận lũ vừa qua gia đình ông cùng gần trăm gia đình khác trong thôn 4 ngày chìm trong biển nước, giờ đây nước đã rút nhưng nhà lún, nghiêng với những vết rạn nứt ngang dọc quanh tường nhà không biết sập lúc nào nhưng gia đình anh vẫn liều mạng ở đây”.
Bên cạnh những khó khăn về nhà ở, lương thực, Tuy Lộc đang đứng trước nguy cơ ô nhiễm nặng. Sau lũ, hàng ngàn gia súc, gia cầm của dân cùng với đó một lượng lớn phân lợn của Trung tâm nông nghiệp chất lượng cao Hoà Bình Minh làm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Mùi hôi thối của xác súc vật, phân, bùn rác bốc lên nồng nặc, ruồi, muỗi, nhặng bay loạn. Việc cần làm ngay lúc này là vệ sinh môi trường sau lũ nếu không dịch bệnh có thể bùng phát. Bà Phạm Thị Toan, Trạm trưởng trạm y tế xã cho biết: “Trạm y tế xã những ngày này cũng đông hơn thường lệ, chỉ trong buổi sáng đã có trên 20 người đến khám bệnh.
Tuy chưa xuất hiện những loại bệnh đặc biệt nghiêm trọng. Nhưng đã xuất hiện những chứng bệnh như: Nước ăn chân, đau mắt đỏ, rối loạn tiêu hoá khá nhiều. Những ngày này xã Tuy Lộc nước sạch, nước sinh hoạt thiếu nghiêm trọng nên cũng dễ gây dịch bệnh, hiện các cán bộ y tế xã, thôn, sắn quần đến từng hộ khử trùng nước giếng”.
Trước những khó khăn mà người dân Tuy Lộc đang gặp phải, ông Nguyễn Quang Dần, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Vấn đề trước mắt là cứu đói đối với những gia đình thiếu ăn, những gia đình có nhà đổ nát xã đề nghị chính quyền cấp trên vận động cơ quan đoàn thể cùng cộng đồng hỗ trợ dựng lại nhà. Trong sản xuất nông nghiệp đề nghị tỉnh thành phố, hỗ trợ các giống cây trồng ngắn ngày để đưa vào gieo cấy ngay, diện tích 30 ha bị cát vùi lấp nhân dân Tuy Lộc không thể tự lo được và cần có sự hỗ trợ của các cấp, các ngành mới có thể khôi phục đ.ựơc. Mà nếu thời gian để khôi phục cũng mất vài ba tháng. Và rồi đây người dân lấy gì mà sống khi không có ruộng! Bên cạnh đó nhanh chóng giúp bà con vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh, tạo điều kiện cho con em được cắp sách tới trường đúng năm học mới”
Những khó khăn, gánh nặng đang chồng chất lên vai của người dân vùng lũ. Nhưng với sự chung sức đồng lòng của cấp uỷ đảng chính quyền và bà con nhân dân trong xã, cùng với sự giúp đỡ của tỉnh, ngành, tin chắc Tuy Lộc cũng như nhiều địa phương khác trong tỉnh sẽ gượng dậy sớm vượt qua những khó khăn thử thách.
Văn Thông - Hồng Duyên
Các tin khác
YBĐT - Từ khi Dự án phòng chống HIV/AIDS do Ngân hàng thế giới tài trợ tại Yên Bái, nhiều hoạt động can thiệp, đồng thời nâng cao chất lượng hoạt động của công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn Yên Bái đã được triển khai, nhiều đợt tuyên truyền vận động chủ các khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, karaoke, cơ sở vui chơi giải trí... tại các địa phương trong tỉnh. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền địa phương về công tác phòng chống HIV/AIDS, nâng cao nhận thức của người dân về tác hại cũng như cách phòng tránh HIV/AIDS.
Mưa lũ đang gây những tổn thất nặng nề trước mắt về con người và tiền của. Những hệ lụy về sức khỏe chắc chắn còn kéo dài nếu hôm nay chúng ta không có ý thức phòng tránh.
YBĐT - Năm học 2008 - 2009, học sinh Yên Bái tựu trường vào ngày 21/8, sớm hơn mọi năm nửa tháng, chính vì vậy mà thời điểm này là lúc thị trường sách, đồ dùng học tập trở nên sôi động nhất.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang theo đuổi mục tiêu đến năm 2009, kết nối mạng internet băng thông rộng tới tất cả các trường học trên cả nước, kể cả bậc học mẫu giáo, mầm non và cơ sở đào tạo nghề.