Trấn Yên: Tổ chức tốt công tác cứu trợ cho đồng bào vùng lũ
- Cập nhật: Chủ nhật, 17/8/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Là huyện chịu ảnh hưởng nặng nề trong đợt lũ vừa qua, toàn huyện Trấn Yên có 4 người chết, 3 người bị thương; hơn 5 nghìn hộ dân phải di dời, gần 1000 ngôi nhà bị thiệt hại, trong đó có 20 ngôi nhà bị trôi, 50 nhà bị đổ, 55 nhà sập, 500 nhà bị hư hỏng nặng… tập trung tại các xã ven sông như: Âu Lâu, Minh Tiến, Y Can, Quy Mông, Việt Thành, Báo Đáp, Đào Thịnh, Minh Quân …
Nước lũ lên cao khiến hàng nghìn hộ dân mất đồ đạc, hàng trăm hộ bị cô lập và đứng trước cảnh đói khát. Cùng với làm tốt công tác ứng cứu, đưa dân đến nơi an toàn, huyện Trấn Yên còn đặc biệt coi trọng công tác cứu trợ, đảm bảo không để người dân sống trong cảnh đói khát, hàng cứu trợ phải được tiếp nhận nhanh và phân phát đầy đủ tới tận tay đồng bào vùng lũ.
Được biết huyện Trấn Yên vừa tổ chức thành công cuộc diễn tập phòng chống bão lũ, mặc dù đợt lũ này xảy ra với cường độ và sự tàn phá lớn hơn rất nhiều so với tình huống giả định nhưng với những gì đã thực tập thì cấp uỷ, chính quyền, các đoàn thể và lực lượng vũ trang huyện đã không quá bị động.
Ngay từ sáng 9/8 khi nước còn rất lớn hàng chục chiếc thuyền nan huy động của dân đã vận chuyển mỳ tôm, nước uống đến nhiều điểm dân cư bị nước cô lập như các khu dân cư 2, 3, 7 thị trấn Cổ Phúc và các xã Việt Thành, Âu Lâu, Đào Thịnh…
Không có điện nên hệ thống cấp nước sạch ngừng hoạt động đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống nhân dân khu vực thị trấn Cổ Phúc, trước tình hình đó huyện đã chỉ đạo các đơn vị, cơ quan trên địa bàn như Công an, Nhà máy Z 183… dùng xe ô tô chở nước cung cấp cho dân sinh hoạt.
Ban Tiếp nhận hàng cứu trợ của huyện bố trí lực lượng túc trực liên tục để tiếp nhận hàng cứu trợ đến đâu, căn cứ nhu cầu của các cơ sở để báo cáo cấp trên, dùng mọi phương tiện có thể vận chuyển hàng hoá phát đến tận tay người dân tới đó.
Tính đến ngày 15/8, huyện đã tiếp nhận hàng cứu trợ của Trung ương, của tỉnh, của Bộ Tư lệnh Quân khu II, Tổ chức Tầm nhìn thế giới và các nhà hảo tâm… được 30,6 tấn gạo, 12,47 tấn mỳ tôm, 300 bánh lương khô; 5.300 chai nước khoáng; 70 bộ quần áo; 40 thùng hàng đồ dùng gia đình… Có thể nói, Trấn Yên đã không để một hộ dân nào trong vùng lũ phải sống đói khát.
Sáng 16/8 đường về Trấn Yên còn rất lầy thụt và trơn trượt nhưng chúng tôi đã nhận thấy gạo của Tổ chức Tầm nhìn thế giới và của Công ty bảo hiểm Bảo Minh Yên Bái đang được các lực lượng vận chuyển bằng mọi phương tiện về với dân.
Lều bạt đang được dựng lên cho những hộ mất nhà; gạo, mỳ theo ô tô, xe máy, thuyền nan về với người dân vùng lũ; đường giao thông đang được nạo vét, các đoàn xe cứu trợ mang theo tấm lòng của đồng cả nước đang hướng về Yên Bái, hướng về Trấn Yên.
“Cảm ơn những tấm lòng từ thiện đã sẻ chia sự khốn khó với người dân Trấn Yên. Chúng tôi hứa với trách nhiệm cao nhất, tiền, hàng cứu trợ sẽ đến với đồng bào vùng lũ một cách đầy đủ và nhanh nhất” lời hứa đó của ông Nguyễn Khánh – Phó chủ tịch UBND huyện Trấn Yên cũng là mong muốn của những nhà hảo tâm, những tấm lòng thơm thảo đối với mỗi người dân ở vùng lũ Trấn Yên.
Lê Phiên – Thanh Chi
Các tin khác
YBĐT - Trên rất nhiều nẻo đường, thôn, bản hay khu dân cư của các huyện Trấn Yên, Văn Yên, Lục Yên, Yên Bình, Mù Cang Chải, Văn Chấn và các xã, phường ở thành phố Yên Bái những ngày này, hàng nghìn đoàn viên thanh niên trong màu áo xanh tình nguyện tươi trẻ đang tham gia khắc phục hậu quả mưa lũ.
Số tiền 800.000 đồng/1 tháng cho SV vay vốn đã không còn đủ cho cuộc sống hiện nay, bởi vậy Bộ GD&ĐT đang đề nghị tăng mức vay vốn cho mỗi SV lên tối đa 1,2 triệu đồng/ tháng.
YBĐT - Với những hậu quả nặng nề do cơn bão số 4 gây ra tại tỉnh Yên Bái, với tinh thần tương thân, tương ái, nhiều tổ chức, cá nhân đã tham gia ủng hộ đồng bào vùng bị thiên tai, góp phần chia sẻ những mất mát, khó khăn, hỗ trợ các gia đình bị nạn sớm khắc phục được hậu quả lũ lụt, nhanh chóng ổn định cuộc sống.
YBĐT - Năm học 2007 – 2008, mạng lưới, quy mô trường lớp tiếp tục ổn định và phát triển, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và nhu cầu học tập của nhân dân. Việc phát triển, chuyển đổi các loại hình trường lớp và huy động trẻ mẫu giáo, học sinh trong độ tuổi ra lớp, đảm bảo yêu cầu kế hoạch giao.