Xơ xác Cửa Ngòi
- Cập nhật: Chủ nhật, 17/8/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Nhìn cái ngấn phù sa bám trên thân hàng cau trước sân nhà anh Luận mà rợn cả người. Có cây đã bị nước lũ quật ngã. Đống gỗ gom được từ ngôi nhà đổ nát xếp trên nền nhà cũ phủ đầy phù sa, cái còn cái mất chẳng biết có đủ để dựng lại nữa không?!
Những gì còn lại ở thôn Cửa Ngòi sau lũ.
|
Nằm ở nơi nước ngòi Lâu đổ ra sông Hồng, nên cái thôn có chừng trăm hộ dân của xã Âu Lâu, huyện Trấn Yên (Yên Bái) có cái tên là Cửa Ngòi năm nào cũng chịu cảnh lũ. Cái mảnh đất màu mỡ quanh năm xanh màu của rau, đỗ, lạc, ngô là chỗ để bao hộ dân kiếm kế sinh nhai vừa bị san phẳng bởi lũ sông Hồng. Ác nghiệt hơn, dòng lũ xoáy nhấn sập 7 ngôi nhà và cuốn sạch trơn tài sản của 7 hộ dân với 24 nhân khẩu đã sống ở đây trên dưới chục năm.
Ngày giữa tháng 7 âm lịch, mặt trời xuống chói chang làm hằn lên ngấn bùn đất loang lổ phía bên bờ hữu. Bên này, Cửa Ngòi xác xơ. Vài ngọn lúa lắt lay rạp mình trên bùn cát. Những cây chuối bị nước bẻ cong, bẹ toác ra rời rã. Chỉ còn hàng tre ven sông và mấy cây cau dính đầy cỏ rác lặng lẽ dưới nắng chiều đang tắt. Những lán nhỏ dựng vội ngay trên bãi - cái nơi mà người dân biết rằng đây là nền nhà cũ của họ. Phía bờ sông, mấy thanh niên vội vã cọ rửa mấy mảnh ván vừa tìm được dưới lớp phù sa.
Anh Hồ Văn Luận bên "chỗ ở" của mình.
Trong một chiếc lán phủ bạt dứa, được dựng vội trên những chiếc trụ và mấy cái sà của chính ngôi nhà mình, anh Hồ Văn Luận không giấu được vẻ mệt mỏi, não nề: “Mất hết rồi các anh ạ! Trôi hết, chẳng còn gì cả! Tưởng nhà mình ở cao nên đi giúp nhà khác chuyển đồ, khi quay về nhà mình đã ngập hết cả”. Xây dựng gia đình với một phụ nữ quê ở tận Thái Bình, sau thời gian chung sống với bố mẹ, anh chị ra ở riêng. Ba gian nhà gỗ tốt và 2 gian bếp vững chãi là mái ấm của vợ chồng và 2 người con trong suốt 9 năm qua.
Có chiếc xe trâu, khi nước lên anh Luận đã dùng nó để giúp mấy nhà hàng xóm một hai chuyến sơ tán đồ đạc, thóc gạo lên chỗ an toàn hơn. Nhưng trên đường quay trở lại, nước đã lên ngập nhà, không cứu được gì cả. Ti vi, bàn ghế, giường tủ, xoong nồi, bát đũa đã bị thủy thần quét sạch. “Tôi chỉ còn một duy nhất chiếc quần đùi mặc trên người, quần áo này là do mỗi người cho một thứ. Nước to quá, khi nước vào tôi cảm thấy mặt sông cao hơn cả nhà mình” - Anh Luận nói.
Lều bạt được dựng tạm trên đống đổ nát.
Qua câu chuyện của mấy người trong thôn, người ta hiểu được biết dòng sông Hồng uốn cong sang bờ hữu, đất bãi nhô ra. Mùa mưa bão nào nước sông chẳng to, nhưng nước ngập bãi nhanh và dữ dằn băng qua bãi như vậy thì cũng đã vài ba chục năm nay mới thấy. Điều đó như để lý giải tại sao anh Luận thấy nước cao hơn nhà mình. Thật may mắn vì đã không có ai ở đất Cửa Ngòi bị quỷ nước bắt đi.
Nhìn cái ngấn phù sa bám trên thân hàng cau trước sân nhà anh Luận mà rợn cả người. Có cây đã bị nước lũ quật ngã. Đống gỗ gom được từ ngôi nhà đổ nát xếp trên nền nhà cũ phủ đầy phù sa, cái còn cái mất chẳng biết có đủ để dựng lại nữa không?! Tiêu tan hết thảy, cả cái ước mơ sẽ ăn nên làm ra trên cái mảnh đất bãi của vợ chồng anh chị cũng chẳng bao giờ thành hiện thực nữa. Ngay cả ngày Rằm tháng bảy, anh chị cũng như 6 gia đình kia cũng chẳng còn một chỗ để thắp nén hương cúng lễ xóa tội vong nhân.
Cùng cảnh ngộ, gia đình anh Đỗ Công Ba ở ngay trước nhà anh Luận còn trơ lại cái nền được bó láng xi măng bị nước xoáy phá vỡ một góc. Cột kèo chẳng thấy đâu, mái nhà còn lại là mớ mè mắc vào cái nhà tắm xây như một tấm lưới, yếu ớt chắn dòng nước lao vào nhà anh chị Thịnh - Lương ở liền đó. Vợ chồng anh Ba cũng sơ tán được chút ít, trong đó có chiếc ti vi, cái mà anh cho là tài sản quý nhất của gia đình. Có vài sào lúa và hoa màu để nuôi sống cả gia đình nay đã bị ngập sâu trong bùn cát.
Được cứu trợ, nơi ăn ở của vợ chồng anh Ba sau lũ đã "ổn" hơn.
“Trôi hết cả rồi anh ạ! Bàn ghế, sách vở của bọn trẻ cũng chẳng kịp chuyển đi” - Vợ anh Ba lên tiếng. Chị lo cho 2 đứa nhỏ. Đứa lớn 13, đứa bé cũng 8 tuổi. Bọn trẻ cũng sắp đến ngày tới trường, bình thường mong cho con bằng bạn bè đã khó, bây giờ biết lo ăn học sao đây?
Trời chạng vạng làm cho những khuôn mặt ở đây như trở nên khắc khổ, tối sạm sau một ngày tìm kiếm dọn dẹp giữa bãi bồi phẳng cát. Vậy mà họ cũng không quên hỏi mấy anh cán bộ xã về việc trồng cấy thế nào ở nơi mà ruộng vườn đã bị vùi lấp bằng cái hỗn hợp cát nhiều đất ít. Sau những gì hoảng loạn, họ vẫn phải tính xem ngày mai, ngày kia lấy gì để sống.
Ở liền đó, chị Nguyễn Thị Mến cũng chẳng có được may mắn hơn. Bởi chị chỉ kịp chuyển đến nhà bà ngoại chừng ba chục con gà, còn 5 bao lúa, 2 bao ngô đã trở thành đồ cúng ma đói khi thủy thần dâng nước. Nhà chỉ một mẹ một con, có 2 sào ruộng theo định mức, chị phải làm thuê thêm 4 sào nữa. Lúc nông nhàn chị sang thành phố Yên Bái làm thuê cho nhưng cơ sở sản xuất gỗ, chè kiếm tiền nuôi cậu con trai ăn học.
Chị tâm sự “Khi nhận được điện của cháu, tôi đang ở bên thành phố. Lúc ấy đò ngang không được qua sông nữa, tôi đành mượn xe đi vòng qua cầu Yên Bái để về. Đến nhà, nước đã vào sân, tôi cũng chỉ kịp chuyển đi có thế”. Bây giờ chị tạm về tá túc cùng ông bà ngoại, ngày ra đây dọn dẹp, chờ tính tiếp. “Mong Nhà nước quan tâm đến chúng tôi, làm sao cho có một chỗ ở lâu dài để có thể yên tâm làm ăn. Tới đây cháu nhà tôi đi học, tôi xin được nhà trường tạo điều kiện, nhất là các khoản đóng góp” - Chị Mến khẩn khoản nói.
Bóng đêm như sập xuống trên đất Cửa Ngòi. Rằm tháng bảy, trăng lúc tỏ lúc mờ. Ánh sáng lờ nhờ pha lẫn không khí bùn đất, cỏ rác và mùi xác động vật thoang thoảng làm người ta thấy sợ. Bà con trong thôn chia sẻ với các gia đình ngoài bãi đang dần trở về nhà. Bóng người lù lũi theo vệt sáng đèn pin loang loáng. Phía ven sông, con chó nhà ai thoát chết bỗng chốc lại thủng thẳng tru lên. Lũ ma đói như vẫn quanh quẩn chờ đợi mấy hộ dân ở đây bố thí. Những người vừa thoát chết thì chẳng có xôi gà, cháo loãng như mọi năm. Họ đang mong đêm mau qua để ngày mai còn tính chuyện ăn ở.
Ông Phạm Lâm Phóng - Phó chủ tịch UBND huyện Trấn Yên: Ngay khi mưa lũ xảy ra, huyện Trấn Yên đã tổ chức sơ tán nhân dân, đồng thời chỉ đạo các cấp các ngành cứu trợ kịp thời, không để ai bị đói sau mưa lũ, từng bước ổn định cuộc sống. Thực hiện sự chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, chúng tôi đã yêu cầu các ngành chức năng cùng với xã khẩn trương quy hoạch, san gạt mặt bằng khu tái định cư cho 19 hộ dân ở khu vực cửa Ngòi. Với tiến độ như hiện nay, mặt bằng tái định cư có thể được bàn giao vào ngày mai 18/8. |
Ngoài 7 hộ dân, gần chục hecta đất bãi đã bị vùi lấp hoàn toàn. 25 ha đất lúa và rau màu của thôn Cửa Ngòi cũng ngập úng hoàn toàn và hầu hết diện tích phải cải tạo nhiều năm mới có thể sản xuất bình thường. Hơn trăm hộ dân của thôn rồi sẽ bấu víu vào đâu để duy trì cuộc sống. Việc tổ chức cứu trợ, tạo điều kiện cho người dân sau lũ đã được các cấp các ngành tiến hành khẩn trương, nhưng để ổn định cuộc sống lâu dài cho người dân ở Cửa Ngòi cũng như xã Âu Lâu là vấn đề hết sức nan giải.
Khu tái định cư an toàn cho gần 20 chục hộ dân được san gạt
Với sự hỗ trợ của tỉnh, của huyện và tinh thần tương thân tương ái của mỗi người dân trong thôn, những ngôi nhà vững chãi sẽ nhanh chóng mọc lên; đất sản xuất rồi sớm cấp đến tay các hộ. Và một Cửa Ngòi trù phú mọc lên trong nay mai.
Minh Quang
Các tin khác
YBĐT - Là huyện chịu ảnh hưởng nặng nề trong đợt lũ vừa qua, toàn huyện Trấn Yên có 4 người chết, 3 người bị thương; hơn 5 nghìn hộ dân phải di dời, gần 1000 ngôi nhà bị thiệt hại, trong đó có 20 ngôi nhà bị trôi, 50 nhà bị đổ, 55 nhà sập, 500 nhà bị hư hỏng nặng… tập trung tại các xã ven sông như: Âu Lâu, Minh Tiến, Y Can, Quy Mông, Việt Thành, Báo Đáp, Đào Thịnh, Minh Quân …
YBĐT - Trên rất nhiều nẻo đường, thôn, bản hay khu dân cư của các huyện Trấn Yên, Văn Yên, Lục Yên, Yên Bình, Mù Cang Chải, Văn Chấn và các xã, phường ở thành phố Yên Bái những ngày này, hàng nghìn đoàn viên thanh niên trong màu áo xanh tình nguyện tươi trẻ đang tham gia khắc phục hậu quả mưa lũ.
Số tiền 800.000 đồng/1 tháng cho SV vay vốn đã không còn đủ cho cuộc sống hiện nay, bởi vậy Bộ GD&ĐT đang đề nghị tăng mức vay vốn cho mỗi SV lên tối đa 1,2 triệu đồng/ tháng.
YBĐT - Với những hậu quả nặng nề do cơn bão số 4 gây ra tại tỉnh Yên Bái, với tinh thần tương thân, tương ái, nhiều tổ chức, cá nhân đã tham gia ủng hộ đồng bào vùng bị thiên tai, góp phần chia sẻ những mất mát, khó khăn, hỗ trợ các gia đình bị nạn sớm khắc phục được hậu quả lũ lụt, nhanh chóng ổn định cuộc sống.