Năm học mới với nhiều hi vọng

  • Cập nhật: Thứ hai, 25/8/2008 | 12:00:00 AM

Năm học 2008-2009 có nhiều điểm điều chỉnh nhằm tạo nên sự chuyển biến tích cực về chất lượng giáo dục. Phó thủ tướng - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân, nguyên phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình và giáo sư Trần Hữu Tá đều nói rất nhiều đến việc giải quyết tình trạng học sinh bỏ học, việc xây dựng một môi trường giáo dục lành mạnh...

Học sinh Trường THCS Cầu Kiệu, Q.Phú Nhuận, TP.HCM chọn mua sách giáo khoa cho năm học mới
Học sinh Trường THCS Cầu Kiệu, Q.Phú Nhuận, TP.HCM chọn mua sách giáo khoa cho năm học mới

Hướng tới một môi trường học tập lành mạnh

Phó thủ tướng - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân nói:

- Năm học 2008-2009 là năm triển khai nhiều dự án trọng điểm: phổ cập chương trình mầm non 5 tuổi có chất lượng, chất lượng từ trường lớp, giáo viên đến bữa ăn của trẻ, phải làm liên tục từ năm học này đến năm 2010. Tiếp đến là xây dựng hệ thống trường mầm non chuyên, phát triển hệ thống trường dân tộc nội trú. Sau nữa là bồi dưỡng 10.000 hiệu trưởng, phát triển đội ngũ giáo viên cả về số lượng và chất lượng. Từng bước điều chỉnh cơ cấu tài chính giáo dục và chế độ học phí phù hợp đi kèm với các chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo.

Thời gian qua dư luận quan tâm rất nhiều đến tình trạng học sinh bỏ học, học sinh yếu kém và "ngồi nhầm lớp". Năm học mới này, Bộ GD-ĐT tiếp tục những giải pháp nào nhằm khắc phục tình trạng này?

Phó thủ tướng - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân
- Thực tế học sinh bỏ học trong năm học trước không tăng đáng kể và không ở mức cao so với nhiều nước khác. Dù vậy đó vẫn là vấn đề ngành GD-ĐT luôn phải quan tâm. Những giải pháp trước mắt thì tùy vào tình hình thực tế. Ví dụ, ở các địa phương phải biết học sinh có khó khăn gì thì hỗ trợ cái đó. Không có gạo ăn thì cấp gạo, nhà cách xa trường thì hỗ trợ xe đạp, các em học sinh vùng sâu vùng xa không đi được xe đạp đến trường thì phải xây dựng hệ thống trường lớp đến tận các thôn bản... Về lâu dài, cần phải có môi trường học tập lành mạnh. Ở đó học sinh có chỗ học, có chỗ chơi, có hệ thống nhà vệ sinh an toàn, sạch sẽ, được tham gia các trò chơi dân gian, các hoạt động văn hóa tinh thần, có phương pháp học tập khoa học và trưởng thành dần với những kỹ năng sống...

Cuộc vận động "hai không" thời gian qua đã góp phần làm giảm tiêu cực trong thi cử. Nhưng dư luận vẫn băn khoăn vì Bộ GD-ĐT chưa thực hiện triệt để việc công khai những vấn đề dư luận còn chưa tin tưởng...

- Cuộc vận động "hai không" đã được hai năm, năm nay sẽ là năm bản lề. Kết quả việc thực hiện cuộc vận động này là các kỳ thi đã nghiêm túc hơn. Nhưng đúng là còn có những nơi chưa nghiêm túc. Chúng tôi đã có thống kê kết quả thi của từng hội đồng thi trên cả nước và có thể phán đoán hội đồng nào có kết quả bình thường, hội đồng nào có kết quả không bình thường. Chúng tôi đã yêu cầu chấm lại bài thi của các hội đồng có dấu hiệu không bình thường của từng tỉnh, chuyển kết quả chấm lại cho chủ tịch, bí thư các tỉnh đó biết. Năm học này, cũng với tinh thần "nói không với tiêu cực thi cử", nếu địa phương nào, cơ sở giáo dục nào còn tiêu cực xảy ra, chúng tôi sẽ công bố rộng rãi hơn trên cả nước.

Có nhiều ý kiến cho rằng thời gian qua ngành GD-ĐT đã nói "không" nhiều, đến lúc phải chuyển sang nói "có”. Ý kiến của bộ trưởng thế nào?

Chấn chỉnh việc huy động và sử dụng các khoản thu từ phụ huynh

Phải tổ chức thanh tra công tác quản lý các nguồn kinh phí ngoài ngân sách, nguồn huy động từ nhân dân, kinh phí chương trình mục tiêu, nguồn viện trợ từ nước ngoài. Đồng thời chấn chỉnh tình trạng huy động đóng góp của nhân dân vượt thẩm quyền, kể cả việc huy động trái với quy định đã được thông qua ban đại diện cha mẹ học sinh. Đó là yêu cầu của Bộ GD-ĐT đối với công tác thanh tra giáo dục trong năm học mới 2008-2009.

Bộ yêu cầu thanh tra giáo dục các cấp trong năm học mới cần tập trung thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về liên kết đào tạo, việc cấp phát, tổ chức dạy thêm học thêm tại các địa phương, tăng cường thanh tra các kỳ thi để kịp thời phát hiện các hiện tượng tiêu cực, gian lận...  

- Thực chất nói "không" chính là để hướng tới việc nói "có”. Thực hiện "hai không" là để lập lại trật tự, công bằng, nghiêm túc, hướng tới việc dạy và học thực chất. Ngành GD-ĐT không thể nói "có” từ hai năm trước đây, khi còn có nhiều tiêu cực, nhiều bất cập trong mọi mặt của ngành.

Nhưng đến năm học này, khi chúng ta đã giải quyết được cơ bản những bất cập thì sẽ phải chuyển sang thực hiện những nhiệm vụ tiếp theo, diễn đạt theo cách khác là nói "có”. Chẳng hạn như triển khai mạnh mẽ hơn việc đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phù hợp với đối tượng học sinh. Phải tập trung thảo luận sâu để có được cách dạy, cách kiểm tra tốt, gắn thực tiễn với người học. Bộ sẽ chỉ đạo dạy học trên cơ sở phát huy tính sáng tạo, khơi dậy hứng thú học tập của học sinh, hạn chế dần cách dạy học máy móc, bắt học sinh học thuộc lòng nhiều... Đó có thể xem là những nhiệm vụ tiếp theo sẽ triển khai song song với trục "hai không" trong năm học này.

Trăn trở chất lượng giáo dục

Vẫn rất ưu tư về nền giáo dục nước nhà, GS Trần Hữu Tá nói:

- Cho dù một vài năm gần đây, ngành giáo dục đã có không ít hoạt động mang lại hiệu quả nhưng vẫn chất chứa nhiều vấn đề khiến tôi trăn trở. Về chuyên môn, tôi thấy cấp học nào cũng đều có vấn đề. Đáng băn khoăn nhất là cấp mầm non và ĐH.

Có thể khẳng định rằng hiện nay tiểu học chưa nhận được sự hỗ trợ tích cực, thỏa đáng của mầm non. Trong khi đó số trẻ được đi học mầm non trước khi vào tiểu học đã ít, số học ở trường mầm non chất lượng tốt càng hiếm hoi hơn. Bởi thế, học sinh vào tiểu học đã đuối ngay từ đầu.

Ở bậc đào tạo ĐH, tôi rất lo ngại sự phát triển ồ ạt về số lượng nhưng không đảm bảo chất lượng. Có một số trường ở đồng bằng sông Cửu Long vừa được phép đào tạo ĐH ngay lập tức đào tạo cao học. Nhưng đào tạo kiểu gì? Đó là đón giáo viên nào đó ở miền Trung vào dạy. Giáo viên dạy chập choạng dăm ba buổi rồi rút về. Trường không có giáo trình, không tổ chức seminar. Hoạt động nghiên cứu khoa học rất hiếm hoi. Cơ sở vật chất thì chắp vá, thuê mướn.

Theo GS, ngay trong năm học này, ngành giáo dục có thể làm ngay những việc gì?

Học sinh Trường THCS Đức Trí, quận 1, TP.HCM trong ngày đầu tiên tựu trường
- Có khá nhiều việc có thể làm ngay được. Chẳng hạn như tập trung đầu tư sức lực cho giáo dục mầm non và giáo dục ĐH. Trong đó, Nhà nước hoàn toàn có thể tổ chức huy động nguồn lực từ nhân dân và tiết kiệm các khoản chi khác để chuyển biến nhanh giáo dục mầm non.

Đặc biệt, một trong những việc rất nên làm và có thể làm nhưng từ trước đến nay rất ít được làm là công tác kiểm định chất lượng. Có hàng loạt nội dung cần kiểm định như danh sách giáo viên, chất lượng giảng dạy, cơ sở vật chất...Chỉ cần làm nghiêm túc, tình trạng gian dối, yếu kém sẽ được vạch ra ngay.

Theo GS, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng học sinh bỏ học trong năm học vừa qua?

- Phải thẳng thắn rằng dù làm tốt đến đâu, tình trạng học sinh bỏ học vẫn tồn tại, không thể triệt tiêu hoàn toàn được. Đây là biểu hiện của việc phát triển giáo dục theo hình thang. Nhưng nếu để học sinh bỏ học vì quá nghèo, không có sách, không đủ ăn, không đủ mặc thì đó là điều phải suy nghĩ nghiêm túc.

Để giải quyết, cần có một sức mạnh tổng hợp. Nhưng dù thế nào, Nhà nước cũng phải tham gia. Tôi tự hỏi tại sao chính sách tín dụng cho sinh viên hiện nay không thể mở rộng đến học sinh THPT. Với nhu cầu rất thấp của những học sinh nghèo, chỉ cần vài ba trăm ngàn đồng/tháng là có thể hỗ trợ các em quay trở lại trường học.

Trong nguyên nhân học sinh bỏ học, người ta còn nhìn thấy nguyên nhân các em không theo nổi chương trình, hay gọi nôm na là "ngồi nhầm lớp".

- Có những tình huống "ngồi nhầm lớp" mà không thể cứu vãn được thì buộc phải chấp nhận. Tuy nhiên, tuyệt đối không để các em bị đẩy ra đường, chúng ta phải tìm con đường khác tích cực hơn, thực tế hơn như học nghề để hướng các em vào. Đối với những trường hợp ở giai đoạn đầu, nhà trường phải quyết tâm cứu. Điều này đòi hỏi lương tâm và trách nhiệm của người giáo viên hơn là sự đóng góp vật chất của phụ huynh.

Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó chủ tịch nước:

Phải chuẩn bị cho một cuộc cải cách giáo dục

Chúng ta cần phải có một cuộc cải cách giáo dục thật sự để chấn chỉnh chất lượng giáo dục ở tất cả các cấp, từ phổ thông đến dạy nghề, ĐH. Để làm điều đó, phải tiến hành các bước nghiên cứu nghiêm túc, thận trọng. Hiện nay có nhiều nhóm nghiên cứu độc lập đang làm việc này, chúng tôi chỉ là một trong số đó.

Tôi nghĩ rằng ngay bây giờ, ngay trong năm học này, các trường cần phải chuẩn bị một tư thế cho cuộc cải cách. Tư thế này được xây dựng từ việc chấn chỉnh nề nếp trong nhà trường, để môi trường học đường trở nên lành mạnh hơn. Ở đó vai trò, trách nhiệm của thầy giáo, cô giáo, vai trò của người quản lý, của học sinh và cả cha mẹ học sinh đều phải xác định lại rõ ràng.

Lâu nay chúng ta chưa làm tốt sự phối hợp giữa gia đình với nhà trường trong giáo dục con trẻ. Các bậc phụ huynh phó thác và đổ lỗi cho nhà trường, các thầy cô giáo chỉ lo việc dạy kiến thức, trong khi giáo dục nhân cách mới là vấn đề quan trọng nhất ở bậc phổ thông. Bên cạnh đó, phải thừa nhận có một số đông nhà giáo chưa làm hết trách nhiệm, chưa trở thành tấm gương sáng cho học sinh. Tôi biết ngành GD-ĐT hiện nay đang triển khai nhiều phong trào trong trường học, nhưng tôi cho rằng những vấn đề mang tính phong trào không giải quyết được các bất cập mà phải có quy định, yêu cầu cụ thể. Tôi ủng hộ việc nên thay đổi cách đánh giá giáo viên giỏi. Một thầy, cô giáo giỏi không phải chỉ khẳng định ở một tiết dạy của một hội thi, cần phải đánh giá họ trong quá trình thực hiện trách nhiệm của mình mà thành quả là học sinh.

(Theo TTO)

Các tin khác
Đại diện Báo Hà Nội thay mặt cho các đơn vị tài trợ ủng hộ xã Lâm Giang xây dựng công trình Trường mầm non.

YBĐT - Lâm Giang là một trong những địa phương của huyện Văn Yên (Yên Bái) chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt mưa lũ kéo dài vừa qua.

Ngày 22.8, tin từ đoàn Olympic Tin học Việt Nam dự thi Olympic Quốc tế lần thứ 20 tại Cairo (Ai Cập), cả 4 học sinh đoàn Việt Nam đã đoạt huy chương (HC), gồm 2 HC bạc, 2 HC đồng.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân:

Chiều 22/8, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã làm việc với Tổng cục Dạy nghề, giải quyết những vướng mắc, tồn tại và định hướng công tác đào tạo nghề cho những năm sắp tới.

Hội Chữ thập đỏ thành phố HCM trao quà ủng hộ các hộ dân vùng lũ thị trấn Cổ Phúc, Trấn Yên.

YBĐT - Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 4, trong thời gian vừa qua trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã có mưa to kéo dài, cộng vơi lũ thượng nguồn Sông Hồng dâng cao đã gây nên tình trạng ngập úng, lũ quét và sạt lở đất tại nhiều nơi trên địa bàn các huyện, thị tỉnh Yên Bái.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục