Tổng cục Dạy nghề phải thực hiện “đào tạo theo nhu cầu”

  • Cập nhật: Thứ bảy, 23/8/2008 | 12:00:00 AM

Chiều 22/8, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã làm việc với Tổng cục Dạy nghề, giải quyết những vướng mắc, tồn tại và định hướng công tác đào tạo nghề cho những năm sắp tới.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân:
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: "Chính phủ sẽ quan tâm đúng mức, chỉ đạo quyết liệt công tác đào tạo nghề".

Mạng lưới cơ sở dạy nghề trong thời gian qua đã phát triển rộng khắp  trên toàn quốc, đa dạng về hình thức sở hữu, đa dạng hóa loại hình đào tạo và đa dạng hóa những trình độ đào tạo. Quy mô tuyển sinh học nghề tăng nhanh hằng năm, năm 2007 đạt trên 1,4 triệu người (gấp 3 lần năm 1998); năm 2008 các cơ sở dạy nghề đăng ký tuyển sinh trên 1,7 triệu người. Tỷ lệ lao động được đào tạo kỹ năng nghề đạt 24,5%, tăng 11,5% so với  năm 2001.

Công tác xã hội hóa dạy nghề đã được đẩy mạnh, số lượng cơ sở dạy nghề tư thục tăng nhanh, đã xuất hiện một số cơ sở dạy nghề có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên năng lực hệ thống dạy nghề hiện nay vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về số lượng và chất lượng của thị trường lao động, đặc biệt là nhu cầu lao động trình độ cao. Nhận thức của xã hội về công tác dạy nghề chưa có chuyển biến rõ rệt, cá biệt có những địa phương chưa tham gia vào công tác dạy nghề.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nêu bật thực trạng khó khăn và những tồn tại của dạy nghề Việt Nam. Theo đó, tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” đang rất phổ biến trong xã hội, rất cần một chuyển biến tích cực để thay đổi quan niệm này. Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội kiến nghị: Chính phủ cần đầu tư mạnh mẽ hơn cho công tác dạy nghề. Giải quyết những bất hợp lý về lương, thưởng, danh hiệu và những cơ chế cho đội ngũ giáo viên dạy nghề trong thời gian tới. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nhấn mạnh, tất cả các trường dạy nghề không nhất thiết phải trực thuộc Tổng cục Dạy nghề, như vậy mới khuyến khích và thúc đẩy nhanh quá trình xã hội hóa  công tác đào tạo nghề.

Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã khẳng định: “Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội và Tổng cục Dạy nghề phải có một cuộc “cách mạng” để thay đổi về chất cho đào tạo nghề trong 5 năm tới. Dạy nghề và học nghề để có hành trang vào đời đang có nhu cầu rất lớn và cũng là vấn đề bức xúc, nổi cộm trong xã hội. Nhu cầu chính đáng đó phải được Tổng cục Dạy nghề và các ngành liên quan đáp ứng hiệu quả.”

Phó Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội xây dựng lộ trình đào tạo đội ngũ giáo viên dạy nghề chuyên nghiệp để đáp ứng nhu cầu rất lớn của xã hội. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Những năm tới sứ mạng của chúng ta là trang bị kỹ năng nghề nghiệp để bước vào đời cho 2/3 dân số Việt Nam. Con đường vào đời của thanh niên không chỉ là đào tạo qua đại học mà còn là học nghề, đó sẽ là một tư duy mới mà xã hội sẽ ủng hộ. Vì vậy, Chính phủ sẽ quan tâm đúng mức, có những chỉ đạo quyết liệt hơn nữa cho công tác đào tạo và dạy nghề trong những năm sắp tới“.

Đào tạo nghề phải gắn liền với doanh nghiệp thông qua các hợp đồng đào tạo cụ thể, như vậy người học cũng sẽ cụ thể hóa được công việc và thu nhập của mình sau khi rời trường đào tạo nghề. Mục tiêu của Chính phủ là từ nay đến 2015 sẽ đào tạo được 2 vạn giáo viên thế hệ mới, dạy nghề tốt và làm việc cũng tốt. Tổng cục Dạy nghề phải triển khai bằng được phuơng châm “đào tạo theo nhu cầu”, theo đó những năm tới không được để xảy ra tình trạng các doanh nghiệp kêu thiếu lao động. Tổng cục Dạy nghề cần sớm thành lập trung tâm cung ứng nhân lực để tiếp nhận tất cả những nhu cầu đào tạo của các doanh nghiệp (trong nước cũng như nước ngoài), tạo nề nếp đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp.

(Theo Cổng TTĐT Chính phủ)

Các tin khác
Hội Chữ thập đỏ thành phố HCM trao quà ủng hộ các hộ dân vùng lũ thị trấn Cổ Phúc, Trấn Yên.

YBĐT - Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 4, trong thời gian vừa qua trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã có mưa to kéo dài, cộng vơi lũ thượng nguồn Sông Hồng dâng cao đã gây nên tình trạng ngập úng, lũ quét và sạt lở đất tại nhiều nơi trên địa bàn các huyện, thị tỉnh Yên Bái.

Học sinh Trường tiểu học Nguyễn Thái Học (TP Yên Bái) những ngày đầu năm học.

YBĐT - Cơn bão số 4 đã đi qua nhưng hậu quả của nó để lại thật nặng nề, không chỉ với cuộc sống người dân, mà ngay cả với ngành giáo dục Văn Yên (Yên Bái) khi năm học mới đang đến gần. Mặc dù không thiệt hại nhiều về cơ sở vật chất, trang thiết bị song những gánh nặng từ trận lũ dường như đã quá sức với nhiều gia đình. Một vài trăm nghìn để mua sách vở, tài liệu và đồ dùng học tập cho con em mình cũng là điều khó khăn của không ít gia đình trong lúc này.

Nơi định cư mới của đồng bào Mông thôn Bu Cao,
xã Suối Bu (Văn Chấn).

YBĐT - Sau hơn 30 phút đi theo con đường cấp phối từ trung tâm xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên (Yên Bái) ngược lên núi, chúng tôi đã đến được Khe Ron - một thôn có 100 % người Mông sinh sống. Trưởng thôn Hờ Nủ Lâu niềm nở đón tiếp và dẫn chúng tôi đi thăm một hộ dân trong bản và anh cho biết cuộc sống hiện nay của 62 hộ dân nơi đây đã có nhiều đổi mới.

Xe công nông dù đã bị cấm nhưng vẫn chạy “hồn nhiên” ngang trước
 trụ sở UBND xã Mỹ Gia (Yên Bình).

YBĐT - Với túi tiền hạn hẹp của mình, xe cũ luôn là lựa chọn tối ưu đối với nhiều người dân. Người dân không đủ tiền để mua các loại xe mới, tốt, đảm bảo tất cả các yêu cầu đăng kiểm, trong khi vẫn cần xe để hoạt động với mục đích mưu sinh. Và nếu không kiểm soát chặt chẽ thì để đáp ứng các yêu cầu đăng kiểm, nhiều người sẵn sàng dùng biện pháp tiêu cực để đối phó như việc thuê đồ thay thế khi đăng kiểm, nhưng khi lưu hành lại trở về với những chiếc xe cà tàng đôi khi đã hết cả niên hạn sử dụng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục