Mù Cang Chải: Xóa hủ tục để xóa đói nghèo

  • Cập nhật: Thứ sáu, 12/9/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT-Là một huyện vùng cao, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, diện tích đất canh tác lúa nước ít, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có điểm xuất phát thấp… những yếu tố đó là một trở ngại lớn đến sự phát triển kinh tế-xã hội của huyện Mù Cang Chải. Bên cạnh đó, trong cộng đồng người Mông còn nhiều hủ tục lạc hậu cũng là một tác nhân kìm hãm sự phát triển ở vùng cao này.

Làng định cư Kim Nọi
Làng định cư Kim Nọi

Trước đây, một đám tang của người Mông thường kéo dài 5-6 ngày và cũng có những gia đình còn để lâu hơn. Ngoài việc mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường, thì trong những ngày đó gia đình có đám còn phải mổ lợn, mổ trâu tổ chức cho cả bản ăn uống. Đám cưới cũng không kém, ngoài tiền thách cưới bằng bạc trắng, trâu, lợn còn phải có  thuốc phiện đưa cho gia đình nhà gái.

Nhà nào có đám phải mổ lợn, mổ trâu tổ chức cho cả bản ăn uống linh đình từ 4-6 ngày. Cả bản chỉ nhà có đám là bếp còn có khói. Đám ma, đám cưới xong gia chủ kiệt quệ về kinh tế, có nhiều gia đình phải “kéo cày” trả nợ hàng chục năm vẫn chưa xong! Ông Lê Ngọc Minh-Trưởng phòng Văn hoá huyện mở đầu câu chuyện như vậy. Quả thật, những phong tục, tập quán lạc hậu đang là lực cản níu giữ, kìm hãm sự phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Để đời sống kinh tế-xã hội huyện Mù Cang Chải phát triển, ngoài việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, vận động nhân dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăm sóc bảo vệ rừng, huyện còn vận động nhân dân xây dựng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”.

Xác định cuộc vận động xây dựng gia đình văn hoá, xoá bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong nhân dân, nhất là đối với đồng bào dân tộc Mông cũng là xoá đói, giảm nghèo. Biết là như vậy, song do đặc thù của huyện vùng cao, trình độ dân trí thấp lại không đồng đều, nhiều phong tục tập quán lạc hậu đã ăn sâu vào tiềm thức người dân, dẫn đến lúc đầu phong trào chưa thực sự sâu rộng. Nhưng với quyết tâm thực hiện thắng lợi, huyện, xã, các ban, ngành thành lập ban chỉ đạo, cử cán bộ toả về các thôn, bản vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, xoá bỏ bớt các hủ tục.

Các hộ dân, bản, tổ dân phố đăng ký thực hiện nếp sống văn hoá ngày càng nhiều qua mỗi năm và nó cũng đồng nghĩa với đời sống văn hoá được nâng lên. Các tệ nạn xã hội giảm, đời sống kinh tế ngày càng phát triển, sự tương trợ lẫn nhau, cùng nhau thi đua sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi đã có sự chuyển biến rõ nét. Trong năm 2007, có 1.559 hộ gia đình được công nhận gia đình văn hoá, 20 bản, tổ dân phố được công nhận bản văn hoá, 7 bản xây dựng quy ước văn hoá. Trong các khu dân cư có phong trào “Người lớn gương mẫu, trẻ em chăm ngoan, con cháu thảo hiền, ông bà mẫu mực”.

Nổi bật hơn cả là việc thực hiện nếp sống văn minh, thực hành tiết kiệm trong việc cưới, việc tang. Các đám cưới, đám tang cơ bản đã thực hiện tốt theo quy định, việc ăn uống linh đình, phúng viếng tốn kém đã giảm. Đặc biệt là không còn tình trạng sử dụng thuốc phiện trong đám cưới, người chết không để dài ngày trong nhà.

Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, song ông Lê Ngọc Minh-Trưởng phòng Văn hoá huyện thừa nhận, hiện vẫn còn một số phong tục tập quán của đồng bào Mông rất lạc hậu cần được dẹp bỏ, như: đám ma vẫn còn có gia đình để người chết quá 72 giờ đồng hồ, ăn uống tốn kém; tình trạng tảo hôn vẫn diễn ra; chăn nuôi gia súc, gia cầm thả rông; nhiều hộ gia đình chưa có nhà vệ sinh, trâu bò buộc ngay ở gần nhà, gầm sàn; tình trạng đẻ nhiều vẫn diễn ra; sản xuất manh mún, chặt phá rừng làm nương rẫy vẫn còn…

Để thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” trong thời gian tới huyện tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân; vận động nhân dân đăng ký gia đình văn hoá, xây dựng và ra mắt mới từ 3-5 bản văn hoá, xây dựng thành công 2 xã văn hoá... tạo nền tảng quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội, xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở Mù Cang Chải.

 

Thanh Phúc

Các tin khác

YBĐT-Thực hiện chương trình phối hợp giữa Sở Tư pháp và Hội Phụ nữ tỉnh về phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, 5 năm qua, Hội Phụ nữ huyện Yên Bình đã phối hợp với Phòng Tư pháp huyện xây dựng kế hoạch và chương trình phối hợp thực hiện cụ thể

Ngày 11-9, Bộ GD-ĐT tổ chức họp báo sau một tuần chính thức bước vào năm học mới 2008- 2009. Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long, đến thời điểm này các địa phương trên toàn quốc đã triển khai tốt ngày tựu trường và lễ khai giảng năm học mới, kể cả các vùng bị thiệt hại do bão lũ.

Bộ LĐ-TB&XH vừa ban hành Đề án “Thí điểm đặt hàng đào tạo lao động xuất khẩu”. Theo đề án, người lao động sẽ được hỗ trợ nâng cao tay nghề trước khi đi xuất khẩu lao động (XKLĐ).

Đồng chí Hoàng Xuân Lộc - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái và các đồng chí Tổng biên tập Báo Hànộimới, báo Yên Bái vui Tết Trung thu với các cháu thiếu nhi xã Vĩnh Kiên.

YBĐT - Trong không khí tưng bừng vui trung thu của thiếu nhi cả nước, Quỹ “Trái tim nhân ái” Báo Hànộimới đã tổ chức chương trình vui trung thu cho gần 800 em nhỏ tại xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình (Yên Bái) - một địa phương bị thiệt hại nhiều trong đợt lũ vừa qua.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục