Thạc sĩ "cắm" bản cứu dân

  • Cập nhật: Thứ hai, 15/9/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Nguyên Đông – Phó trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái được các đồng nghiệp, cũng như gia đình bệnh nhân yêu quý không chỉ bởi tài năng, tâm huyết đối với nghề mà cao hơn là tấm lòng của một thầy thuốc trẻ luôn giữ vững lời hứa với bản thân “lương y như từ mẫu” và “sẽ dành hết cuộc đời với bà con dân tộc vùng sâu, vùng cao”.

Giành giật sự sống với tử thần

Bác sỹ Vàng A Sàng – Phó giám đốc, Trưởng khoa Ngoại Bệnh viện Đa khoa tỉnh rất tự hào dẫn chúng tôi đến gặp một đồng nghiệp trẻ đầy tâm huyết và tài năng. Anh cho biết: “Bác sĩ Đông là một phó trưởng khoa có năng lực chuyên môn, khiêm tốn, chịu khó học hỏi, có trách nhiệm và nhiệt tình trong công việc, được đồng nghiệp quý mến và tạo được niềm tin đối với người bệnh...”. Bác sĩ Đông xuất hiện khác với tưởng tượng của tôi, anh đang hướng dẫn một cô gái dân tộc Dao uống thuốc đúng cách và cách khử trùng tại vết thương.

Với chúng tôi, anh khiêm tốn khi nói về những thành công trong nghề nhưng khá hào hứng kể chuyện về các chuyến đi cơ sở, đi tăng cường đến các bệnh viện tuyến dưới. Anh nhớ lại câu chuyện đầy xúc động trong chuyến tăng cường ở Bệnh viện Kinh tế mới (huyện Văn Chấn) của mình: Cháu Phạm Ngọc Chiến Thắng 12 tháng tuổi, nhập viện ngày 17/01/2007 trong tình trạng sốt, sờ thấy có khối ở hố chậu phải. Cháu bé quấy khóc nhiều và rất khó chẩn đoán. Sau khi tiến hành hội chẩn toàn viện, các bác sĩ thống nhất chẩn đoán viêm ruột thừa cấp tính. Đây là một trường hợp rất hiếm gặp ở trẻ em lứa tuổi này và rất khó khăn khi đưa ra các phương pháp xử trí. Cháu còn quá bé nên trong quá trình phẫu thuật, gây mê hồi sức, nguy cơ xảy ra các tai biến là rất lớn. “Không thể để cháu bé đáng thương yếu dần đi trong đôi mắt tuyệt vọng và cầu cứu của người mẹ trẻ. Tôi tự nhủ với bản thân và các đồng nghiệp: phải cố gắng làm mọi cách có thể để cứu cháu bé. Chậm trễ thêm một giây là xác suất thành công giảm dần. Phẫu thuật, đó là cả một quyết định táo bạo của tập thể y bác sĩ, nhưng để cứu sống cháu bé thì không còn cách nào khác. Còn nước còn tát và không thể bỏ qua mọi hy vọng có thể…” – anh nói. Ca phẫu thuật do bác sĩ Đông thực hiện đã thành công tốt đẹp. Bà mẹ trẻ khóc trong niềm hạnh phúc, cảm ơn kíp mổ đã cứu đứa trẻ suýt rơi vào vòng tay tử thần.

Chúng tôi thực sự bị thuyết phục bởi tâm huyết của người bác sĩ trẻ đối với bà con dân tộc vùng sâu, vùng xa. Không quản ngại đường xá xa xôi, điều kiện vật chất và trang thiết bị kỹ thuật thiếu thốn, anh vẫn băng rừng, lội suối tìm đến với những xã xa nhất của huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu… Anh chia sẻ: “ Bà con nhiều nơi chưa được tiếp cận với các dịch vụ y tế, có những cụ già 70, 80 tuổi chưa một lần được khám chữa bệnh. Mỗi lần ốm đau, họ tin có con “ ma rừng”, tin vào thầy mo, thầy cúng hơn là tin lời thầy thuốc. Những chuyến đi tăng cường về các bệnh viện huyện hay vào các bản vùng sâu, vùng cao càng tiếp thêm cho tôi ý chí và tâm huyết với nghề. Tôi sẵn sàng cắm bản, ăn ở cùng dân và tìm đến với bệnh nhân nghèo…”.

Và ước mơ của người “bỏ phố về rừng”

Tốt nghiệp Đại học Y Thái Nguyên năm 1995, bác sĩ Nguyễn Nguyên Đông về công tác tại Khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái. Ba năm sau, anh vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Năm 2002, anh bảo vệ thành công luận văn tốt nghiệp cao học với đề tài: “Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng của di chứng tiết niệu vỡ xương chậu do chấn thương” (chuyên ngành ngoại khoa Đại học Y Hà Nội). Luận văn của anh được Hội đồng giám khảo đánh giá cao về tính khoa học, thực tiễn lâm sàng và được xếp loại xuất sắc.

Từ chối ở lại Hà Nội với mức lương hấp dẫn và điều kiện làm việc tốt, trở về bệnh viện công tác, thạc sĩ Đông đã mạnh dạn áp dụng các kiến thức và kỹ thuật được học vào thực tế điều trị đạt kết quả tốt, các ca phẫu thuật tiết niệu không còn phải chuyển lên tuyến trên điều trị như trước đây. Đặc biệt, sau khi tham gia học lớp bồi dưỡng sau đại học về phẫu thuật nội soi ổ bụng - đây là kỹ thuật mới, đòi hỏi phẫu thuật viên phải rất khéo léo, chính xác. Bác sĩ Đông đã cùng các đồng nghiệp trong khoa tiến hành thành công nhiều ca phẫu thuật nội soi cắt túi mật, cắt nang gan, cắt u buồng trứng qua nội soi…Thạc sĩ Nguyễn Nguyên Đông còn say mê nghiên cứu khoa học. Anh đã cùng đồng nghiệp tham gia nhiều đề tài khoa học cấp cơ sở, cấp ngành được Hội đồng Khoa học ngành y tế tỉnh đánh giá cao, có giá trị áp dụng trong chẩn đoán điều trị...

Mặc dù công tác chuyên môn, nghiên cứu khoa học rất bận rộn nhưng bác sĩ Đông vẫn dành thời gian tích cực tham gia sôi nổi các hoạt động Đoàn. “ Tôi luôn loại bỏ ý nghĩ mình không còn trẻ nữa để không những phấn đấu làm tốt công tác chuyên môn, còn có thể tham gia vào những công việc của tuổi trẻ hôm nay nên làm... Điều mà tất cả các bác sĩ phẫu thuật như chúng tôi mong muốn là được bổ sung thêm nhiều kiến thức và trang thiết bị hiện đại hơn để những bệnh nhân nghèo ở tỉnh Yên Bái sẽ được chữa bệnh ngay tại đây” – anh tâm sự. 

 Với tất cả những gì bác sĩ, thạc sĩ Nguyễn Nguyên Đông đã, đang và sẽ làm, anh vinh dự được Hội Liên hiệp thanh niên tỉnh Yên Bái bầu chọn là đại diện tham gia vào Câu lạc bộ Thầy thuốc trẻ toàn quốc 2008.

Thiên Cầm

Các tin khác
Đồng chí Hoàng Xuân Lộc chia quà cho các cháu thiếu nhi tại Nhà thiếu nhi Yên Bái.

YBĐT - Tối ngày 13/9, đồng chí Hoàng Xuân Lộc – Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái đã đến vui trung thu với các cháu thiếu niên, nhi đồng tại nhà thiếu nhi tỉnh Yên Bái.

YBĐT - Nghị quyết Đảng bộ huyện Trấn Yên (Yên Bái) lần thứ 19 đã xây dựng đề án xây dựng 3 trung tâm kinh tế lớn đó là Báo Đáp, Hưng Khánh và thị trấn Cổ Phúc. Từ đó đến nay, kết cấu hạ tầng ở các trung tâm được đầu tư khá khang trang, tuy nhiên chính những địa phương được hưởng lợi đó lại đang bức xúc bởi ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng.

Khám chữa bệnh cho con em đồng bào Mông tại Trạm Y tế xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu.
(Ảnh: T.A)

YBĐT - Với gần 3.000 đoàn viên thuộc 33 công đoàn cơ sở, Công đoàn ngành y tế Yên Bái là một trong những tổ chức công đoàn có quy mô lớn nhất tỉnh. Vì vậy, những hoạt động thiết thực của tổ chức công đoàn đã ngày càng góp phần cho sự phát triển của ngành, đặc biệt là công tác tuyên truyền, giáo dục đoàn viên.

YBĐT - Nằm dọc theo quốc lộ 70, xã Tân Hương, huyện Yên Bình (Yên Bái) có 15 thôn với 6.645 nhân khẩu, 4 dân tộc anh em cùng chung sống. Là một xã thuần nông xuất phát điểm thấp song Đảng ủy, chính quyền và MTTQ xã đã phát huy tốt truyền thống đoàn kết, lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân áp dụng tiến bộ khoa học- kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh tăng vụ, mở mang ngành nghề phụ, cải tạo vườn tạp trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, phát triển chăn nuôi, trồng rừng phủ xanh đất trống đồi trọc…từng bước nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục