PTT kiêm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân: Học phí phải tương xứng với chất lượng đào tạo
- Cập nhật: Thứ năm, 25/9/2008 | 12:00:00 AM
Đề án học phí mới đã được Chính phủ thông qua, đang chờ trình Bộ Chính trị quyết định. Nếu được đồng ý, học phí mới sẽ áp dụng từ học kỳ 2 năm học này hoặc đầu năm học 2009-2010.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân thăm và làm việc với trường ĐH Nha Trang
|
Dưới đây là cuộc trao đổi với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân về vấn đề này.
Hiện cả nước vẫn còn tới khoảng 15% hộ nghèo, vậy Đề án học phí mới sẽ được tính toán thế nào đối với học sinh, sinh viên nghèo, thưa Phó Thủ tướng?
Thực tế, khung học phí hiện nay đã thực hiện 10 năm và không còn phù hợp nữa. Đề án học phí mới xây dựng theo nguyên tắc, mức học phí và các chi phí học tập hợp lý khác của gia đình cho con em đi học mầm non và phổ thông không vượt quá 6% thu nhập bình quân của gia đình. Với các trường dạy nghề, trung cấp, ĐH, CĐ, từng bước phải bảo đảm chi thường xuyên của các nhóm ngành, tiến tới bảo đảm chi phí đào tạo.
Tăng học phí nhưng sẽ kèm theo một loạt các chính sách cơ chế tài chính hỗ trợ người nghèo, bảo đảm tất cả người nghèo đều được đi học. Cụ thể, thực hiện miễn học phí đối với học sinh tiểu học, học sinh thuộc diện chính sách, hộ nghèo theo tiêu chuẩn quốc gia, đồng thời giảm cho các đối tượng cận nghèo.
Nhà nước sẽ thực hiện hỗ trợ chi phí học tập. Hiện nay Chương trình 135 giai đoạn 2 đã có hỗ trợ, đơn cử như học sinh mẫu giáo ở thôn bản hỗ trợ 70.000 đồng/tháng, học sinh trường trung học ở xã đặc biệt khó khăn được hỗ trợ 140.000 đồng/tháng. Các chính sách này vẫn sẽ tiếp tục được thực hiện. Mặt khác, quỹ tín dụng học sinh, sinh viên qua hệ thống vay của Ngân hàng chính sách xã hội hoạt động hiệu quả. Năm vừa qua đã cho hơn 754.000 học sinh, sinh viên vay, với số tiền là 5.292 tỉ đồng.
Mức học phí bậc ĐH, CĐ sẽ thay đổi như thế nào? Cao nhất là nhóm ngành nào, thưa Phó thủ tướng?
Học phí đào tạo sẽ chia theo 7 nhóm ngành đào tạo. Hiện nay, mức trần là 180.000 đồng, nhưng Đề án mới sẽ cao hơn. Với bậc ĐH, học phí phải gắn liền với chi phí đào tạo, những ngành có chi phí cao dứt khoát phải có học phí cao. Nhưng cũng có những ngành Nhà nước sẽ ưu tiên đầu tư. Cao nhất là nhóm ngành y, dược, nhưng chúng tôi còn phải tính toán thêm.
Đối với sinh viên sư phạm, bỏ chế độ miễn học phí nhưng sẽ thực hiện chính sách tín dụng sinh viên. Khi ra trường, nếu đi dạy học ít nhất 5 năm (đối với ĐH, CĐ) và 3 năm (đối với TCCN) thì Nhà nước sẽ xóa nợ, cả gốc và lãi, phần chi trả cho học phí.
Trong khi Đề án học phí mới chưa thông qua nhưng hầu hết các trường ngoài công lập ngay từ đầu năm học này đã tăng học phí...?
Đối với các trường ngoài công lập (hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính, tự cân đối thu chi), học phí là một nguồn lực đóng vai trò quan trọng, nếu không muốn nói là nguồn chính, để các trường hoạt động và tiếp tục đầu tư phát triển. Trong bối cảnh giá cả biến động, các chi phí đều tăng như hiện nay, xu hướng tăng học phí của các trường ngoài công lập vào đầu năm học mới này là điều có thể hiểu được. Nhưng thu ở mức nào, tăng bao nhiêu, các trường ngoài công lập đều phải cân nhắc kỹ lưỡng. Mức học phí phải tương xứng với kinh phí đầu tư cho hoạt động và chất lượng đào tạo của trường để người học có thể chấp nhận được.
Nhưng thưa Phó Thủ tướng, làm thế nào để người học có thể biết được học phí đó tương xứng với chất lượng đào tạo khi mà họ rất thiếu thông tin?
Các trường ngoài công lập không được sự hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước nên phải thu học phí cao hơn công lập. Thu học phí bao nhiêu phụ thuộc nhiều vào mức chi. Khi xác định chi phí đào tạo phải trong các điều kiện cụ thể của từng trường. Một lẽ đương nhiên, nếu một trường xác định mức học phí cao, không tương xứng với chất lượng đào tạo sẽ không thể thu hút được người học.
Bộ GD&ĐT hàng năm đều tổ chức thanh tra, kiểm tra hoạt động của các trường và có báo cáo chi tiết về tình hình hoạt động mọi mặt của các trường ngoài công lập. Các trường cùng với việc thu học phí phải thực hiện công khai việc sử dụng tiền học phí nói riêng và nguồn tài chính của trường nói chung. Theo Luật và các quy định liên quan khác, các trường dân lập, tư thục bắt buộc phải thực hiện chế độ công khai tài chính. Không thể để người học đóng tiền trường thu mà không biết sử dụng như thế nào.
Vậy chúng ta sẽ xử lý thế nào đối với những trường thu học phí cao nhưng không tương xứng với chất lượng đào tạo?
Năm học này được xác định là đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý tài chính ở các cấp học, trong đó sẽ công khai các khoản thu chi tài chính. Ngay từ đầu năm học mới, Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo và kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc các cơ sở đào tạo thực hiện “ba công khai”, trong đó nhất thiết phải có sự công khai với người học về sử dụng nguồn học phí, các điều kiện để thực hiện đào tạo, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất để bảo đảm đào tạo công khai sử dụng nguồn thu, chất lượng đào tạo. Sẽ xây dựng một trang web công khai toàn bộ thông tin của các trường lên để người học có thể tham khảo, chọn trường...
(Theo VnMedia)
Các tin khác
YBĐT - Trước thông tin cơn bão số 6 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó có Yên Bái; quá đau thương trước những thiệt hại mà cơn bão số 4 đã gây ra cách đây hơn một tháng, hàng vạn hộ dân ở Yên Bình đang thấp thỏm, cả hệ thống chính trị đang làm hết sức mình để hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại mà bão Hagupit có thể xảy ra.
YBĐT - 12 giờ trưa ngày 24/9, chúng tôi có mặt tại Lục Yên (Yên Bái) cũng là lúc toàn huyện đang nóng lên không khí chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 6 có tên Hagupít đang được tính bằng giờ…
YBĐT - Vào một ngày tháng Chín, chúng tôi đến thăm Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành - ngôi trường đã có gần 20 năm xây dựng và trưởng thành. Đây cũng chính là nơi chăm lo, bồi dưỡng học sinh giỏi, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển nhân tài cho quê hương Yên Bái cũng như đất nước.
Chiều 24/9, Ban Chỉ đạo quốc gia về an toàn thực phẩm gồm đại diện Bộ Y tế, Công thương, NN&PTNT, Ngoại giao đã có cuộc họp bàn về việc giám sát, xử lý các loại sữa có nguồn gốc từ Trung Quốc.