Vơi nỗi khổ cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo

  • Cập nhật: Thứ năm, 10/9/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Căn bệnh suy thận đã khiến nhiều người ở Yên Bái lao đao vì phải xuống các bệnh viện ở Hà Nội ăn chực nằm chờ chạy thận. Nhưng, kể từ khi Bênh viện Đa khoa thành phố Yên Bái lắp đặt hệ thống máy chạy thận nhân tạo đã giúp bệnh nhân vơi bớt nỗi khốn khó!

Bệnh nhân Hà Thị Hải chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Yên Bái.
Bệnh nhân Hà Thị Hải chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Yên Bái.

Người bệnh vơi nỗi khổ!

Dường như căn bệnh suy thận không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp. Hiện trong tổng số 31 bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Yên Bái có người đang ở tuổi trên 20, có người đã trên 60 tuổi, có bệnh nhân là nông dân, có người là cán bộ.

Bà Lê Thị Tiếp - vợ ông Hoàng Minh Chi 63 tuổi ở thị trấn Mậu A (huyện Văn Yên) đang chạy thận tại Bệnh viện thành phố rơm rớm nước mắt tâm sự: “Trước đây, tôi với ông ấy thuê nhà ở gần bệnh viện dưới Hà Nội, mỗi tháng mất 300 nghìn để chạy thận. Con cái giờ đã lớn đi công tác hết, xa nhà nên hai ông bà tự động viên khắc phục khó khăn trông nhau. Nằm ở dưới đó có hơn một tháng trời mà chúng tôi cảm thấy như hơn một năm. Mỗi lần ông ấy nhớ nhà, tôi lại phải đưa ông ấy ra bến xe về Mậu A, đến lúc chạy lại phải xuống. Mà cái bệnh này tuần phải chạy thận tới 3 lần nên vất vả lắm! Quả là quá khổ! Ở dưới đó tôi được nghe mọi người kể, có nhiều người còn không được về ăn tết. May mà từ tháng 4/2008, Bệnh viện Đa khoa thành phố Yên Bái có máy chạy thận nên gia đình chúng tôi cũng bớt khổ!”

Còn chị Hà Thị Hải ở xã Hợp Minh, thành phố Yên Bái làm việc tại Ngân hàng Nông nghiệp thành phố Yên Bái đang nằm chạy thận, nghe tôi hỏi không khỏi xúc động: “Đúng là từ ngày Bệnh viện thành phố có máy chạy thận mình đỡ khổ đi rất nhiều! Trước đây, mình điều trị dưới Hà Nội hai năm rưỡi, riêng tiền thuê nhà mỗi tháng đã mất 650.000 đồng (mỗi năm mất tới tám, chín triệu tiền thuê nhà), chưa kể tới tiền tàu xe đi lại, ăn uống đắt đỏ. Những khi mệt yếu, chồng con lại phải bỏ bê công việc xuống trông. Mỗi tháng về thăm nhà được có một lần. Giờ điều trị ở ngay tại Bệnh viện thành phố, cơ quan lại quan tâm bố trí công việc phù hợp nên mình đỡ vất vả!”

Nguy hiểm đối với bệnh nhân suy thận cấp là không đi tiểu được, phù, huyết áp tăng. Nếu mắc bệnh thận có thể biến chứng sang nhiều loại bệnh khác, do đó thường phải điều trị nội khoa kết hợp với chạy thận nhân tạo. Bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, công tác tại Khoa Chạy thận nhân tạo kể cho chúng tôi nghe về trường hợp ông Giàng A Vềnh, dân tộc Mông ở xã vùng cao Nà Hẩu (huyện Văn Yên) - một trong những trường hợp rất khó khăn đang chạy thận. Ông Vềnh là một trong những bệnh nhân suy thận nặng. Trước khi đến Bệnh viện Đa khoa thành phố ông đã được chuyển tới Trạm Y tế xã, Bệnh viện Đa khoa huyện Văn Yên, Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Sau suốt 2 ngày chạy đôn chạy đáo, khi tới Bệnh viện Đa khoa thành phố ông Vềnh đã trong tình trạng mệt mỏi, không ăn, không ngủ được. Sau chẩn đoán, bệnh viện kết luận ông Vềnh bị suy thận mãn giai đoạn cuối, phải lọc cấp cứu nếu không thận hỏng hoàn toàn. Sau khi điều trị cấp cứu, bệnh nhân Vềnh được chuyển về Hà Nội nối cầu tay rồi về điều trị tại Bệnh viện Đa khoa thành phố. Hiện ông Vềnh đang thuê nhà gần bệnh viện, mỗi tháng mất 250.000 đồng để điều trị bệnh.

Một việc làm nhân văn

Bệnh nhân chạy thận nhân tạo đang điều trị đa số đều có cuộc sống khó khăn, là người thuộc các huyện Văn Chấn, Văn Yên, Trấn Yên, Yên Bình và thành phố Yên Bái. Hiện tại mỗi ca chạy thận là 400.000 đồng. Mỗi tuần bệnh nhân phải chạy 3 ca. Trung bình mỗi tuần một bệnh nhân phải chi trả cho chạy thận nhân tạo là 1,2 triệu đồng. Song, rất may là hầu hết các bệnh nhân đang điều trị đều có bảo hiểm y tế, chỉ có 5 trường hợp bảo hiểm y tế chi trả 20% nên cũng bớt khó khăn. Nghe các bác sĩ nôm na giải thích: Thận bị hỏng không còn thực hiện được chức năng sàng lọc nên phải dùng máy chạy thận để lọc lượng u rê thừa ra trong máu, tôi mới hiểu vì sao chạy thận nhân tạo lại phải điều trị lâu dài và tốn kém đến vậy.

Để lắp đặt được 10 máy chạy thận nhân tạo trị giá 4,3 tỷ đồng tại Bệnh viện Đa  khoa thành phố Yên Bái, điều mà chưa một bệnh viện nào trong tỉnh làm được, theo bác sỹ Nguyễn Văn Tuấn - Phó giám đốc Bệnh viện: “Tập thể Ban giám đốc bệnh viện đã trăn trở rất nhiều và xác định, có được máy chạy thận sẽ giúp người bệnh đỡ phải đi lại, giảm bớt chi phí và khó khăn. Thực hiện Nghị quyết 05 về xã hội hoá y tế, Bệnh viện Đa khoa thành phố đã phối hợp với Công ty TNHH Hà Anh đặt máy”.

Bác sỹ Tuấn cho biết: “Ban đầu chúng tôi không nghĩ có đông bệnh nhân về điều như hiện nay”. Bệnh viện đã cử một kíp bác sĩ về học tại Bệnh viện Bạch Mai. Sau khi chuẩn bị chu đáo, từ tháng 4/2008 bệnh viện chính thức đi vào chạy thận nhân tạo. Ban đầu bệnh nhân tới điều trị ít, đa số là bệnh nhân người Yên Bái đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai do quá tải chuyển về và chạy thận cấp cứu cho những bệnh nhân suy thận cấp, sau đó chuyển về Hà Nội đặt cầu tay hoàn chỉnh rồi lại lên chạy tại Yên Bái. Kể từ khi đi vào hoạt động đến nay, ngoài 31 bệnh nhân chạy thận thường xuyên ra, bệnh viện còn chạy thận cấp cứu cho hàng chục trường hợp  khác, giúp người bệnh giảm đáng kể chi phí đi lại.

Dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn liên kết đặt máy chạy thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa thành phố Yên Bái không chỉ nâng cao được đời sống cho cán bộ, nhân viên mà việc làm năng động, sáng tạo của bệnh viện còn mang ý nghĩa nhân văn lớn đó là giúp bệnh nhân chạy thận nhân tạo giảm bớt gánh nặng về kinh tế mà họ đang từng ngày phải đối mặt.

Minh Đức

Các tin khác
Hội đồng làng văn hóa thôn 8, xã Minh Quán giới thiệu cho cán bộ văn hóa bộ trống phục vụ các hoạt động văn hóa của thôn.

YBĐT - Hệ thống nhà văn hoá thôn bản luôn đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện chức năng gìn giữ, bảo lưu, kế thừa các giá trị văn hoá truyền thống, tiếp cận các giá trị văn hoá hiện đại, tạo nên sự hài hoà trong tổng thể một nền văn hoá địa phương. Huyện Trấn Yên (Yên Bái) là một trong những địa phương trong tỉnh hiện đang phát huy được thế mạnh của hệ thống nhà văn hoá. Đặc biệt, thế mạnh đó hình thành nên từ chính nhân dân, khi họ tiếp thu được đầy đủ, đúng đắn về ý nghĩa của các cuộc vận động để dần thay đổi tư duy, hành động.

YBĐT - Dịp khai giảng năm học mới vừa qua, tại Nhà hát Lớn thành phố Hà Nội, Tổ chức khoa học “Gặp gỡ Việt Nam” đã trao học bổng Odon Vallet cho các học sinh có thành tích xuất sắc trong năm học 2008 – 2009.

Bão số 7 tiến nhanh về Vịnh Bắc Bộ.

Với tốc độ di chuyển 15 km mỗi giờ, cơn bão số 7 đang nhanh chóng hướng về Vịnh Bắc Bộ gây gió mạnh cấp 7 từ đêm 11/9. Vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió giật cấp 8. Các tỉnh Tây Nguyên và Nam Bộ sẽ có mưa to.

Bắt đầu từ năm học 2009, tất cả các cơ sở giáo dục mầm non sẽ không thực hiện chương trình 36 buổi dành cho trẻ 5 tuổi và tuyệt đối không dạy trước chương trình lớp 1 cho trẻ mẫu giáo.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục