Chuyển biến trong công tác giáo dục ở Văn Yên
- Cập nhật: Thứ năm, 17/9/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Trong những năm gần đây, cùng với thực hiện Chương trình thay sách giáo khoa theo sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục - Đào tạo và thực hiện cuộc vận động “Hai không” do Bộ Giáo dục - Đào tạo phát động, ngành giáo dục - đào tạo huyện Văn Yên (Yên Bái) đã có nhiều đổi mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo các trường học từ mầm non đến THCS thường xuyên đổi mới phương pháp dạy và học; đánh giá đúng chất lượng học sinh hàng năm để có biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục cho những năm tiếp theo.
Giờ học môn Văn và Toán của lớp ghép hai trình độ (3+5),
thôn Khe Phầy, xã Đại Sơn (Văn Yên).
|
Bà Vũ Minh Huê - Phó phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Văn Yên trao đổi: “Để từng bước nâng cao chất lượng dạy và học, đánh giá đúng chất lượng học sinh, vào đầu năm học hàng năm, Phòng tổ chức ký cam kết thi đua với các trường mầm non, tiểu học, THCS ở tất cả các xã, thị trấn trong huyện. Năm học 2006 - 2007, ngành triển khai ký cam kết với các trường thực hiện cuộc vận động “Chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” do Bộ Giáo dục - Đào tạo phát động. Cũng từ năm học này, Phòng không giao chỉ tiêu học sinh khá, giỏi cho các trường nữa và yêu cầu các trường đánh giá đúng chất lượng học sinh để có biện pháp bồi dưỡng, phụ đạo cho học sinh yếu kém. Đồng thời, Phòng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tại các trường trên địa bàn; thành lập đoàn đến các trường để phối hợp nghiệm thu chất lượng học sinh giữa các cấp học (mầm non vào lớp 1; lớp 5 lên lớp 6)… Đối với các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa, Phòng chỉ đạo triệt để dạy học theo vùng, miền (áp dụng phương pháp dạy học phù hợp với đối tượng học sinh), tăng tiết học các môn Toán và Tiếng Việt, giảm tiết học các môn hát, nhạc; xoá bỏ các lớp ghép ở các điểm lẻ…”.
Tại các trường, vào đầu năm học mới đã tổ chức kiểm tra, khảo sát chất lượng học sinh (tiểu học kiểm tra môn Văn và Toán; THCS kiểm tra các môn cơ bản) phân loại học sinh để giáo viên có kế hoạch phụ đạo, bồi dưỡng đối với những học sinh yếu kém ngay từ đầu năm học. Kết thúc năm học, lớp nào hoặc môn nào học sinh yếu kém nhiều, không đảm bảo chất lượng, nhà trường yêu cầu giáo viên chủ nhiệm hoặc giáo viên dạy môn đó phải dạy phụ đạo thêm trong hè.
Cô giáo Hoàng Thị Chứ - Hiệu trưởng Trường tiểu học Đại Sơn cho biết: “Từ khi thực hiện cuộc vận động “Hai không”, nhà trường không giao chỉ tiêu học sinh khá, giỏi hàng năm cho giáo viên, nhưng vào đầu năm học, nhà trường tổ chức ký cam kết thi đua, nếu như lớp nào tỷ lệ học sinh lên lớp không đạt 96%, giáo viên dạy ở lớp đó phải dạy phụ đạo trong hè cho học sinh yếu kém. Kết thúc hè, nhà trường tổ chức kiểm tra số học sinh này để xét cho lên lớp nếu vẫn yếu kém thì học sinh đó phải lưu ban”. Nhờ thực hiện đồng bộ các biện pháp từ Phòng Giáo dục - Đào tạo đến các trường nên chất lượng dạy và học ở Văn Yên đã có những chuyển biến tích cực và việc đánh giá chất lượng học sinh hàng năm đã thực chất hơn.
Năm học 2005 - 2006, khi chưa thực hiện cuộc vận động “Hai không”, kết quả xếp loại học lực bậc tiểu học: môn Tiếng Việt lớp 1-2-3- 4, học sinh đạt từ trung bình trở lên là 97,9%, trong đó giỏi 12,2%; khá 33%. Môn Toán lớp 1-2-3- 4, học sinh đạt từ trung bình trở lên đạt 98,2%, trong đó giỏi 19,7%, khá 30%. Môn Khoa học Lịch sử và Địa lí lớp 4, học sinh đạt từ trung bình trở lên là 98%, trong đó giỏi 18,3%, khá 40,6%. Lớp 5 (chưa thay sách giáo khoa), 100% học sinh đạt từ trung bình trở lên, trong đó giỏi 2,7%, khá 26,6%. Sau 3 năm thực hiện cuộc vận động “Hai không” và các biện pháp để nâng cao chất lượng dạy và học, chất lượng giáo dục ở Văn Yên đã có sự chuyển biến rõ nét. Kết quả năm học 2008- 2009, học sinh bậc tiểu học học lực từ trung bình trở lên đạt 94,7%, trong đó giỏi 8%, khá 14,9%. Lớp 5 hoàn thành chương trình tiểu học đạt 95,5% (đợt 1). Bậc THCS, học sinh từ trung bình trở lên đạt 93,7%, trong đó giỏi 2,42%, khá 25,3%.
Nhìn vào kết quả của hai năm học trên thì thấy chất lượng giáo dục ở Văn Yên tụt xuống, nhưng thực tế, chất lượng giáo dục của huyện đã có nhiều chuyển biến, vì các trường đánh giá chất lượng giáo dục đã thực chính xác hơn. Bởi những năm trước đây, nhiều học sinh bậc tiểu học vẫn đọc chưa thông, viết chưa thạo, chưa làm được các phép tính cộng, trừ, nhân, chia đơn giản, song vẫn được xếp học lực trung bình, còn giáo viên không hoàn thành nhiệm vụ cũng không phải dạy phụ đạo cho học sinh trong dịp hè, vì những năm học đó nhiều trường vẫn mắc phải căn bệnh “thành tích”.
Ngành giáo dục - đào tạo Văn Yên đã có nhiều đổi mới trong việc dạy và học, đó là điều không thể phủ nhận. Song, qua tìm hiểu về công tác giáo dục ở một số trường như: Trường tiểu học Võ Thị Sáu; THCS Lương Thế Vinh (thị trấn Mậu A); THCS Tân Hợp; tiểu học Tân Hợp; tiểu học Đại Sơn… cho thấy, việc đánh giá chất lượng giáo dục ở Trường tiểu học Tân Hợp và Trường tiểu học Đại Sơn vẫn chưa sát thực tế. Em Vi Văn Quyết, em Vi Văn Phương… đang học lớp 3 A, Trường tiểu học Tân Hợp đọc rất yếu nhưng vẫn được lên lớp; em Hải Anh học lớp 3 ghép với lớp 5, điểm Khe Phầy, Trường tiểu học Đại Sơn và một số em trong lớp, làm Toán rất yếu (phép tính 4 x 27), kết quả em Anh làm bằng 48 và còn rất nhiều em khác trong lớp làm sai.
Hiện tại, chất lượng giáo dục ở một số xã vùng cao của huyện Văn Yên vẫn còn rất thấp. Năm học 2008 - 2009, toàn huyện có 99 lớp ghép từ 2 đến 3 trình độ, giáo viên dạy ở các lớp này rất vất vả và học sinh học cũng không thể tập trung để học tập tốt được. Năm học 2009 - 2010, ngành giáo dục- đào tạo huyện đã chỉ đạo các trường xoá được 28 điểm lớp ghép, hiện vẫn còn 71 lớp ghép (từ lớp 1 đến lớp 5). Trong những năm học tới, ngành giáo dục - đào tạo Văn Yên tiếp tục chỉ đạo các trường có điều kiện thuận lợi hơn xoá bỏ dần các lớp ghép, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục ở các xã vùng cao.
Minh Hằng
Các tin khác
YBĐT - Những tháng đầu năm 2009, hoạt động khai thác, chế tác, buôn bán, vận chuyển đá vôi có hoa văn ở xã Suối Giàng và xã Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn (Yên Bái) diễn ra phức tạp. Đây là hoạt động trái pháp luật của một số doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài huyện. Cá biệt, một số doanh nghiệp lợi dụng việc cấp phép đăng ký kinh doanh tận thu đá suối để khai thác, chế tác, buôn bán, vận chuyển trái phép…
YBĐT - Tiếp tục thực hiện Dự án “Nâng cao kiến thức phòng chống bạo lực gia đình, HIV/AIDS và chăm sóc phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình tại tỉnh Yên Bái”, thời gian qua, Trung tâm Hỗ trợ phát triển bền vững cộng đồng các dân tộc miền núi (SUDECOM) đã tổ chức 2 lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi và phòng trừ dịch bệnh cho gia súc, gia cầm.
Chiều 16/9, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống đại dịch cúm ở người tổ chức buổi họp và nhận định: Dịch cúm A/H1N1 ở Việt Nam đang ở giai đoạn lây lan nhanh trong các trường học.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ngày 16-9 đã có chỉ đạo yêu cầu các Sở Lao động Thương binh và Xã hội trên toàn quốc phải rà soát lại các hộ nghèo và có báo cáo kết quả kiểm tra gửi về Bộ trước ngày 30-11.