Chuyện ở Làng Át

  • Cập nhật: Thứ sáu, 9/10/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Những năm trước đây, khi nhắc đến cái tên Làng Át, nay là thôn 20 của xã Minh Xuân, huyện Lục Yên (Yên Bái) thì không ai không giật mình bởi đây là một điểm nóng về tình hình an ninh trật tự với các vụ trộm cắp, giết người. "Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ cũng đồn xa", ở đâu người ta cũng sợ và không muốn trao đổi, buôn bán, kết bạn hay thiết lập bất kỳ một mối quan hệ nào với người Làng Át. Dẫu biết rằng "Con sâu bỏ rầu nồi canh" nhưng mọi người vẫn khó có thể xóa đi mặc cảm, thay đổi cái nhìn về nơi này. Và điều ấy đã kéo theo bao câu chuyện buồn xảy ra phía sau lũy tre làng...

Gia đình anh Vương Văn Diện có được cơ ngơi khang trang như hôm nay không những đã phải vất vả lao động mà còn phải vượt qua rất nhiều dư luận xã hội, thậm chí có lúc anh phải che giấu mình là người Làng Át khi đi làm xa với nỗi lòng tựa ngàn mũi kim đâm... Còn chị Hoàng Thị Thi xót xa: "Khi ấy, tôi đi thu mua đồ phế liệu, đến đâu người ta cũng xì xầm, bàn tán về làng mình nên tôi không dám nói mình cũng ở đó vì thấy buồn lắm, tủi lắm".

Đặc biệt, gia đình chị Nông Thị Hanh và anh Nguyễn Văn Cai lại gánh chịu nỗi trớ trêu, buồn đau khác. Nuôi con trưởng thành, những mong con lập gia đình như bao người khác và có cuộc sống tốt nhưng cái tiếng xấu của làng  đã không cho anh chị sớm có được hạnh phúc bình dị ấy. Nhắc lại chuyện cũ mà nước mắt chị Hanh vẫn rưng rưng: "Chúng tôi đi hỏi dâu cho con trai ở xã khác mà người ta nhất định không chịu và họ nói rằng, không bao giờ gả con cho người Làng Át".

Những năm trước đây, thôn 20 chưa có tổ chức riêng, kể cả tổ chức chính trị, xã hội cũng như các đoàn thể mà phải ghép chung với thôn 19 của xã Minh Xuân. Do đó, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cùng các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước còn nhiều hạn chế; việc tiếp cận những tiến bộ khoa học kỹ thuật của nhân dân lại càng khó khăn hơn. Vậy nên Làng Át gần như bị lãng quên và đó chính là một trong những điều kiện thuận lợi cho những kẻ lười lao động nhưng thích hưởng thụ thực hiện những hành vi phi pháp.

Đứng trước tình hình đó, Đảng ủy - UBND xã Minh Xuân đã tổ chức nhiều cuộc họp, đề xuất nhiều biện pháp để giải quyết. Đến tháng 6 năm 2008, Đảng ủy xã quyết định bổ nhiệm chức danh Bí thư Chi bộ thôn 20, đồng thời cử một Đảng ủy viên làm Phó bí thư Chi bộ thôn 20 để trực tiếp theo dõi, nắm bắt tình hình và hỗ trợ lãnh đạo thôn. Tiếp đó, UBND xã cũng bổ nhiệm chức danh Trưởng thôn 20 và bắt đầu từ đây, các tổ chức chính trị, xã hội và đoàn thể của thôn 20 chính thức được thành lập, đi vào hoạt động.

Ông Vương Văn Mông - Trưởng thôn 20 cho biết: "Chúng tôi xác định, vấn đề trước mắt là điện, đường nên công việc đầu tiên là cùng Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ thôn huy động toàn dân tu sửa lại tuyến đường vào thôn, tiếp theo đề nghị cấp trên nâng cấp đường điện". Ông Lã Xuân Phụ - Bí thư Đảng ủy xã Minh Xuân nhớ lại: "Quan điểm của xã khi đó là phải tập trung sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và phát động làm đường giao thông nông thôn, đưa điện về".

Cho dù đến nay, cái tên Làng Át vẫn còn là nỗi ám ảnh của nhiều người Lục Yên nhưng những đổi thay đã hiện hữu rõ nét ở nơi đây. Kết quả sản xuất 6 tháng đầu năm 2009 có nhiều khởi sắc, tổng sản lượng lương thực đạt 28 tấn, tổng đàn gia súc có hơn 100 con, 300 con lợn, đàn gia cầm 1.500 con. Đặc biệt, đường giao thông và hệ thống điện tuy chưa được đầu tư xây dựng nhưng thôn đã huy động nhân dân tu sửa, gia cố. Tình hình an ninh trật tự cơ sở giữ vững nhờ xây dựng được lực lượng dân quân tự vệ thường xuyên tuần tra, canh gác. Ở thôn 20 bây giờ, các mối quan hệ, giao lưu, buôn bán, trao đổi hàng hóa với bên ngoài đã trở lại bình thường. Ông Lã Xuân Phụ - Bí thư Đảng ủy xã đánh giá: "Hiện nay, thôn 20 đã có sự bứt phá về phát triển kinh tế, đời sống nhân dân ổn định, tình làng nghĩa xóm được củng cố, bà con đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo".

Còn ông Vương Văn Luật đã chứng kiến mọi thăng trầm của Làng Át thì tự hào: "Bây giờ, cuộc sống của bà con thôn 20 đã tạm ổn. Gia đình tôi cũng như nhiều gia đình khác cảm thấy yên tâm vì cuộc sống đã thanh bình trở lại, trẻ em được đi học và nhất là không có người vi phạm pháp luật".

Làng Át với bao câu chuyện không vui cùng rất nhiều buồn tủi đã lùi dần vào quá khứ để hôm nay, có một Làng Át tươi mới, mỗi ngày thêm một đổi thay và bắt tay xây dựng thôn văn hóa.

Mai Huyên - Đức Toàn

Các tin khác
Gầm sàn là “chuồng” trâu, bò. 
(Ảnh chụp tại xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn)

YBĐT - Hiện ở Yên Bái, tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh mới đạt khoảng dưới 30%, riêng ở nông thôn chỉ khoảng 10%. Trong khi đó, theo các nhà chuyên môn, hiện nay khoảng một nửa các bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ mắc cao là những bệnh có liên quan đến môi trường phân, nước và rác.

Học sinh lớp 12A6 (ban A) Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM) trao đổi sau buổi thi giữa học kỳ 1. Những học sinh này có thể sẽ không còn phải làm phần đề riêng trong kỳ thi tốt nghiệp sắp tới

Thảo luận góp ý cho quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2010 là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm trong hội thảo về công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục phổ thông do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 8-10 tại Hà Nội.

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, hồi 19 giờ ngày 8-10, vị trí tâm bão số 10 ở vào khoảng 17,3 độ vĩ bắc, 121,3 độ kinh đông, trên khu vực đảo Lu-dông (Phi-li-pin). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km/giờ), giật cấp 9, cấp 10.

Đồng chí Hoàng Thương Lượng - Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.

YBĐT - Ngày 8/10/2009, đồng chí Hoàng Thương Lượng - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đã có buổi làm việc với ngành Y tế và các ngành liên quan nhằm đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác y tế từ đầu năm đến nay, cũng như định hướng nhiệm vụ trong thời gian tới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục