Vốn vay ưu đãi cho đoàn viên thanh niên: “Cung” chưa đủ “cầu”
- Cập nhật: Thứ tư, 7/4/2010 | 9:15:12 AM
YBĐT - Trong những năm qua, Thành Đoàn Yên Bái đã tích cực triển khai phong trào “4 đồng hành với thanh niên trên đường lập thân, lập nghiệp”. Sự đồng hành này đã hình thành những mô hình thanh niên phát triển kinh tế khá hiệu quả.
Đoàn viên thanh niên xã Minh Bảo (thành phố Yên Bái) tham gia lao động tại một xưởng gỗ xẻ ở địa phương.
|
Tuy nhiên, đa số đoàn viên thanh niên ở cơ sở chưa tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.
Đoàn viên Hà Xuân Hinh, Hà Xuân Toàn ở thôn 2, xã Hợp Minh, thành phố Yên Bái sản xuất các sản phẩm kim loại phục vụ sản xuất nông nghiệp và các công trình xây dựng. Nhu cầu của thị trường rất lớn, cơ sở sản xuất của các anh hiện phải thuê thêm 6 - 8 lao động. Sự biến động giá cả vật liệu tạo áp lực lớn, đòi hỏi cơ sở phải có nguồn vốn đáp ứng kịp thời. Bởi vậy, để duy trì sản xuất và phát triển, hai anh phải huy động sự hỗ trợ của gia đình, người thân cùng tích lũy của bản thân. Đến đầu năm 2009, các anh được tiếp cận vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội thông qua tín chấp của tổ chức Đoàn.
Cũng từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm của Đoàn thanh niên, năm 2009, đoàn viên Hà Minh Ngọc ở thôn 4, xã Hợp Minh được vay 20 triệu đồng để phát triển kinh tế. Với nguồn vốn này, Ngọc đầu tư sửa chữa chuồng trại, nuôi 2 con lợn nái. Năm qua, anh xuất bán gần 7 tạ lợn thịt. Qua đó cho thấy, nguồn vốn vay ưu đãi được hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng thực sự phát huy hiệu quả. Ông Nguyễn Thành Đô - Bí thư Đảng ủy xã Hợp Minh đánh giá: “Chương trình cho đoàn viên thanh niên vay vốn có ý nghĩa to lớn trong việc tạo việc làm cho lao động địa phương. Chúng tôi mong rằng, nguồn vốn này sẽ mở rộng hơn nữa để tạo điều kiện cho mọi đoàn viên có nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế”.
Tính đến hết quý I năm 2010, Thành Đoàn Yên Bái mới có Đoàn xã Hợp Minh, Tân Thịnh giải ngân nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội cho đoàn viên thanh niên vay. Còn năm 2009, dư nợ đạt 732,5 triệu đồng. Trong đó, có 45 hộ gia đình đoàn viên thanh niên thuộc diện nghèo, cận nghèo của xã Hợp Minh vay 647,5 triệu đồng; 7 hộ gia đình đoàn viên thanh niên của xã Tân Thịnh vay 85 triệu đồng. Anh Hoàng Đình Phượng - Bí thư Đoàn xã Tân Thịnh mong muốn: “Việc cho đoàn viên vay vốn không chỉ bó hẹp ở đối tượng hộ nghèo mà cần mở rộng đối với mọi đối tượng thanh niên đang thiếu vốn. Các cấp cũng cần tạo điều kiện cho thanh niên vay trong thời gian dài hơn, hiện tại tối đa là 5 năm. Lượng vốn vay chúng tôi cũng mong được nâng lên cao hơn nữa”.
Xã Minh Bảo của thành phố Yên Bái là địa bàn vùng ven, điều kiện phát triển kinh tế – xã hội còn khó khăn. Song lực lượng tuổi trẻ địa phương đã và đang nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế. Đoàn xã hiện có 97 đoàn viên thanh niên thì tới 20 bạn trẻ có nhu cầu vay vốn. Nhưng đến nay, họ vẫn chưa được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi này. Đoàn viên Nguyễn Anh Tuấn ở thôn Yên Minh chuyên nghề sửa chữa xe máy. Anh Tuấn đã làm nghề này từ năm 2003 song vì thiếu vốn nên vẫn chưa mở rộng được cơ sở. Anh Tuấn cho biết: “Tôi rất muốn mở rộng cơ sở, mua sắm thêm nhiều trang thiết bị, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Tôi mong rằng sẽ được tạo điều kiện vay vốn ưu đãi thông qua tổ chức Đoàn để phát triển kinh tế gia đình”.
Trao đổi về vấn đề này, anh Nguyễn Xuân Vinh - Bí thư Đoàn xã Minh Bảo khẳng định: “Trong thời gian tới, Đoàn xã sẽ tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền, Thành Đoàn Yên Bái tạo điều kiện cho đoàn viên được vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển kinh tế. Đồng thời, tổ chức Đoàn cơ sở sẽ tăng cường tuyên truyền, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ đoàn viên thanh niên phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng”.
Rõ ràng, để đồng hành với thanh niên trên đường lập thân, lập nghiệp thì việc giúp các đoàn viên thanh niên có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi là điều kiện tiên quyết. Thanh niên cần được tiếp cận với khoa học kỹ thuật, hỗ trợ đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, kỹ năng phát triển kinh tế cũng như nguồn vốn vay để có thêm những điều kiện thuận lợi vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Lê Hương - Thanh Nghị
Các tin khác
YBĐT - “Năm nay 81 tuổi, hồi đánh đồn Ca Vịnh tôi mới 21 tuổi. Cứ tưởng rằng thời gian sẽ làm phai mờ mọi ký ức, nhưng với tôi thì khác. Càng về già, quá khứ lại hiện về rõ hơn, gần hơn”. Ông Hà Văn Lạc, ở xã Hồng Ca (Trấn Yên) chia sẻ tâm sự về những đồng đội đã anh dũng chiến đấu và hi sinh trong trận đánh đồn Ca Vịnh ngày 1/10/1951 trên đồi Khau Coóc.
YBĐT - Bây giờ, từ người dân Làng văn hoá sức khoẻ Ninh Thuận đến lãnh đạo xã Nga Quán, huyện Trấn Yên (Yên Bái) không còn nhớ Làng văn hoá sức khoẻ ra mắt vào năm nào nữa. Bởi từ khi ra đời đến nay, không ai cần quan tâm làng hoạt động thế nào và hiệu quả ra sao. Các làng văn hoá sức khoẻ trong tỉnh và huyện Trấn Yên đang cùng có chung thực trạng này!
Từ ngày 28/4, Quy chế học viên các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp hình thức vừa làm, vừa học, sẽ có hiệu lực với 14 nội dung vi phạm và khung xử lý kỷ luật được định rõ.
Nhận định các sai lầm của tòa sơ thẩm và phúc thẩm vụ án “Lập quỹ trái phép” tại Nông trường Sông Hậu (NTSH) “là nghiêm trọng”, Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao (VKSNDTC) vừa có kháng nghị đề nghị Tòa Hình sự Tòa án Nhân dân Tối cao (TANDTC) tuyên “cần phải hủy cả bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm để giải quyết lại vụ án từ giai đoạn điều tra”.