Bảo vệ và thực hiện quyền trẻ em

  • Cập nhật: Thứ hai, 31/5/2010 | 2:36:47 PM

YBĐT - "Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai” là câu nói bao hàm đầy đủ ý nghĩa về trẻ em. Đấy là tương lai của nhân loại, của thế giới, của mỗi dân tộc, mỗi cộng đồng, mỗi họ tộc và mỗi gia đình...

Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai. (Ảnh: Thanh Chi)
Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai. (Ảnh: Thanh Chi)

Vì vậy nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên và nhi đồng là trách nhiệm của toàn xã hội. Ngày 10/2/1948, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua và tuyên bố nghị quyết số 217A về Quyền con người. Tại điều 25, Liên hợp quốc đã thông báo rằng: “Trẻ em có quyền được chăm sóc và giúp đỡ đặc biệt, tất cả trẻ em trong hay ngoài giá thú đều được hưởng sự bảo trợ xã hội như nhau”.

Nhiều thập kỷ qua, việc chăm sóc trẻ em ở hầu hết các quốc gia trên thế giới đã được quan tâm ở những mức độ khác nhau, song do các yếu tố chủ quan và khách quan như thiên tai, mất mùa, chiến tranh, hoặc do trình độ dân trí thấp… trẻ em vẫn còn phải gánh chịu những nỗi đau, những thiệt thòi, trẻ em vẫn bị đói rét và vẫn bị giết hại trong những cuộc chiến, thậm chí vẫn bị bắt buộc cầm súng ra trận, hoặc phải tự lao động nuôi thân quá sớm, hoặc bị mua bán, xâm hại… Đặc biệt là sau hai vụ thảm sát của phát xít Đức gây ra ở làng Liđisơ - Tiệp Khắc ngày 10/6/1942 và làng Ôrađua - Pháp ngày 10/6/1944, hàng trăm em thiếu nhi của hai làng bị giết hại, đã gây ra sự chấn động dư luận.

Tháng 2/1949 Hội phụ nữ châu Á họp ở Bắc Kinh (Trung Quốc)đã có sáng kiến đề nghị Hội Phụ nữ dân chủ thế giới chọn một ngày thiếu nhi quốc tế để kêu gọi toàn thế giới đấu tranh chống chiến tranh, bảo vệ hòa bình, bảo vệ nhi đồng và là ngày đoàn kết thiếu nhi quốc tế. Trong một phiên họp đã quyết định chọn ngày 1/6 hàng năm là ngày “Quốc tế bảo vệ thiếu nhi” và nhắc nhở mọi người tưởng nhớ vụ thảm sát man rợ ở Liđisơ và Ôrađua. Kể từ năm 1950 trở đi ngày 1/6 đã được tổ chức ở khắp thế giới.

Tháng 4/1952, Hội nghị Bảo vệ thiếu nhi thế giới có 64 nước tham gia họp tại Viên - áo đã nhất trí chính thức lấy ngày 1/6 là ngày Quốc tế bảo vệ thiếu nhi. Điều đó khẳng định trẻ em là “đối tượng” được nhân loại toàn thế giới luôn quan tâm. Vì vậy ngày 20/11/1989, Liên hợp quốc đã thông qua và phê chuẩn “Công ước về quyền trẻ em” bao gồm 54 điều khoản có hiệu lực từ ngày 20/11/1990. Trong lời mở đầu, công ước đã khẳng định: “Để phát triển đầy đủ và hài hòa nhân cách của mình, trẻ em cần được lớn lên trong môi trường gia đình, trong bầu không khí hạnh phúc, yêu thương và cảm thông… Trẻ em cần được chuẩn bị đầy đủ để sống cuộc sống cá nhân trong xã hội và cần được nuôi dưỡng theo tinh thần các lý tưởng được nêu ra trong hiến chương Liên hợp quốc, đặc biệt trong tinh thần hòa bình, phẩm giá, khoan dung, tự do, bình đẳng và đoàn kết”.

Công ước cũng định nghĩa trẻ em có nghĩa là những người dưới 18 tuổi (trừ trường hợp luật pháp áp dụng với trẻ em đó qui định tuổi thành niên sớm hơn). Có thể nói, Công ước về quyền trẻ em là một công ước đầy sự tiến bộ xã hội, với tinh thần nhân đạo sâu sắc. Công ước đã chỉ ra tất cả những quyền lợi mà trẻ em ở bất kỳ nơi nào trên thế giới đều được hưởng thụ để trưởng thành đúng nghĩa một con người.

Có thể điểm qua những quyền trẻ em rất cơ bản của công ước như: “Không phân biệt đối xử” - điều 2; Công ước quan tâm đến “lợi ích tốt nhất của trẻ em” - điều 3; Quyền “sống còn và phát triển” - điều 6; Đoàn tụ gia đình - điều 10; Công ước còn quan tâm đến “mức sống” của trẻ em - điều 27; “Bảo vệ trẻ em không gia đình” - điều 20; “Lao động trẻ em” - điều 22; “Lạm dụng ma túy” - điều 23; “Chống buôn bán và bắt cóc” - điều 35… Điểm qua như vậy, chúng ta có thể thấy rất rõ tinh thần cao đẹp, tiến bộ, cũng như sự cần thiết của công ước, nhằm bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Công ước nhắc nhở tất cả chúng ta hãy vì một tương lai tốt đẹp của trẻ em, cũng chính vì một tương lai tốt đẹp của đất nước, của dân tộc, của nhân loại mà hành động cho đúng đắn, hãy dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em.

Học sinh vùng cao Trạm Tấu. (Ảnh: Văn Tuấn)

Việt Nam là quốc gia phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em vào ngày 20/2/1990 và Công ước đã được dịch, in ấn, phát hành rộng rãi bằng những cuốn sách nhỏ có thể bỏ túi. Nội dung Công ước được tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng đã góp phần giác ngộ và giáo dục, bồi dưỡng một thái độ đúng đắn về việc bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Tuy nhiên chúng ta vẫn chưa thể yên tâm về những việc đã làm được mà phải thấy hết những mặt còn tồn tại. Vẫn còn không ít trẻ em sống trong cảnh nghèo khó, thiếu thốn mọi bề, chưa được ăn no mặc ấm, chưa được đi học, phải lao động quá sức mình, thậm chí có nơi có lúc còn xảy ra tình trạng bạo hành hay buôn bán trẻ em. Đó là những tệ nạn xã hội hoàn toàn trái ngược với bản chất tốt đẹp của chế độ ta.

Chừng nào trên trái đất còn trẻ em đói rét, còn trẻ em bị ngược đãi, bắn giết, chừng nào trẻ em còn chưa được tạo mọi điều kiện tốt nhất để phát triển đúng cách thì Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em vẫn là tiếng chuông báo hiệu, nhắc nhở mọi người, nhắc nhở mọi quốc gia hãy hành động vì tương lai tốt đẹp của trẻ em.

Việt Nam ta là một trong những nước đi đầu trong việc phê chuẩn Công ước quốc tế về Quyền trẻ em. Nước ta cũng là nước tích cực thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về xóa đói giảm nghèo, từ đấy tạo điều kiện chăm lo tốt hơn những trẻ em vốn sinh ra trong những gia đình nghèo khó.

Chưa thể hài lòng về những kết quả bước đầu đã đạt được, các cấp chính quyền, các đoàn thể xã hội cũng như mọi cộng đồng, mọi gia đình còn phải dành sự quan tâm nhiều hơn và đặc biệt hơn đối với trẻ em, thể hiện qua việc hiểu đúng và thực hiện đầy đủ nội dung Công ước quốc tế về quyền trẻ em.

Dương Hiền Nga

Các tin khác
Chi bộ Cơ quan Hội LHPN tỉnh sinh hoạt chi bộ tháng 5/2024, chuyên đề “Những đóng góp của phụ nữ Yên Bái trong Chiến dịch Điện Biên Phủ”.

Giữa những ngày cả nước cùng hướng về Điện Biên, cùng rộn rã khí thế kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Chi bộ Cơ quan Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã có buổi sinh hoạt chi bộ chuyên đề đầy ý nghĩa, như một hoạt động thiết thực, ý nghĩa kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ của cơ quan Hội LHPN tỉnh.

Lãnh đạo huyện Mù Cang Chải thường xuyên nắm bắt tình hình ở cơ sở để kịp thời xử lý những mâu thuẫn phát sinh ngay từ cơ sở.

Trong 5 năm qua (2019 - 2024), toàn huyện Mù Cang Chải đã tiếp nhận 849 vụ việc liên quan đến tranh chấp đất đai, hôn nhân và gia đình..., trong đó hòa giải thành công 818 vụ việc.

Huyện Trạm Tấu đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật trong trường học.

Phòng Tư pháp huyện Trạm Tấu đã phối hợp đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL) như: đẩy mạnh thông tin pháp luật trên các trang thông tin điện tử và hệ thống loa phát thanh ở cơ sở, các cuộc thi, tọa đàm, giao lưu, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý…, góp phần nâng cao nhận thức về pháp luật cho người dân.

Hội Chữ thập đỏ huyện Văn Chấn trao tiền hỗ trợ cho hộ nghèo làm nhà ở.

Thời gian qua, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) huyện Văn Chấn đã tăng cường củng cố tổ chức Hội cơ sở, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, tình nguyện viên tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo, góp phần thực hiện hiệu quả công tác an sinh xã hội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục