Ly nông và ly hương
- Cập nhật: Thứ năm, 19/8/2010 | 3:02:00 PM
YBĐT - Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tạo ra nhiều việc làm tại chỗ từ việc phát triển kinh tế địa phương là việc làm cấp thiết để người nông dân chỉ ly nông chứ không ly hương. Ngoài ra, việc hướng dẫn cách làm giàu từ phát triển kinh tế nông nghiệp của các địa phương dù đã rất cố gắng song cần phải đẩy mạnh hơn nữa để người nông dân có thể tự làm giàu trên chính những mảnh ruộng, đồng đất quê hương.
Nhà ông Hoàng Kim Sinh (thôn Sơn Bắc, xã Mai Sơn, huyện Lục Yên) giờ đây chỉ còn hai ông bà già chăm nhau với đứa cháu nhỏ bảy, tám tuổi chưa biết làm gì ngoài chơi đùa. Con trai và con dâu ông đã vào Nam làm việc hai tháng nay. Ông kể: “Chúng nó phải đi làm xa để lấy tiền trả nợ ngân hàng. Vợ chồng nó vay ngân hàng 17 - 18 triệu đồng mua cám, mua giống đầu tư chăn nuôi lợn. Mấy chục con lợn gần 70 cân cả rồi bỗng lăn đùng ra chết. Nó lại đầu tư nuôi tiếp thì dịch tai xanh làm giá lợn rớt thảm hại. Thế là cụt vốn lại đeo thêm món nợ với ngân hàng. Hai vợ chồng nó dắt nhau đi Nam, vừa rồi vợ chồng chúng tôi ốm quá, chúng nó lại phải về chăm sóc mấy hôm, nay lại đi rồi. Đường sá xa xôi, rõ khổ”. Mấy đứa con nhà ông Hoàng Văn Sét cùng thôn cũng đang chuẩn bị giấy tờ để “Nam tiến”. Ông Sét chia sẻ về lý do mấy đứa con nhà mình muốn xa quê: “Nhà chỉ có 8 sào ruộng nhưng có những 7 lao động, vợ chồng tôi túc tắc làm vài buổi cũng xong. Các cháu đi để tự lo cho cuộc sống của chúng nó. Vào đấy làm công nhân nếu chịu khó lương cũng đủ sống, dè sẻn còn dành dụm được ít nhiều lo cho cuộc sống sau này”.
Mấy năm nay, người thôn Sơn Bắc ra thành phố làm việc đã trở thành phong trào. Người đi trước bảo người đi sau, anh bảo em, chồng bảo vợ, vậy là ngoảnh đi ngoảnh lại những người đủ sức khỏe đặc biệt lớp thanh niên trong thôn đã đi hết cả. Ruộng thì chỉ có vậy, rừng thì đã giao khoán hết nên ra thành phố làm việc là lựa chọn số 1 của nhiều lao động nơi đây. Hiện nay, Sơn Bắc có 69 người đang làm việc xa quê. Những lao động ở đây ra thành phố bươn chải đủ nghề để kiếm sống, hầu hết làm các nghề lao động chân tay và công nhân trong các khu công nghiệp. Thanh niên thường đi cả năm mới về, còn những người trung niên thường đi theo “thời vụ” vào những tháng nông nhàn, đến mùa gặt, mùa cấy họ lại về. Ra thành phố làm việc, mức lương trung bình một lao động nhận được khoảng 2,5 triệu đồng/tháng, cao hơn nhiều so với làm ruộng. Nhưng cuộc sống thành phố đắt đỏ với đủ các chi phí, do vậy, những người “từ làng ra phố” cũng phải chắt chiu, dè sẻn mới mong có đồng ra đồng vào, gửi về nuôi vợ con và tiết kiệm cho tương lai.
Không thể phủ nhận số tiền lao động từ thành phố gửi về đã đóng góp vào sự phát triển kinh tế mỗi gia đình, bớt đi gánh nặng lo toan cho mỗi địa phương. Nhiều gia đình có tiền để làm ngôi nhà mới, có vốn phát triển kinh tế. Nhưng đâu phải ai ra thành phố cũng được như vậy. Anh Hoàng Văn Tốt vừa từ thành phố trở về sau mấy tháng làm ăn xa. Người làng vẫn bảo, lúc đi hai vợ chồng anh bán cả trâu dắt tay nhau ra thành phố kiếm việc. Thành phố dẫu nhiều cơ hội kiếm việc hơn, thu nhập cao hơn so với làm ruộng nhưng đâu có chỗ cho những người không cần cù lao động. Vậy là, sau vài tháng bươn chải ở thành phố, anh Tốt chỉ sắm được cái điện thoại di động. Về lại quê thì trâu đã bán mất, hai vợ chồng phải làm lại từ đầu.
Trưởng thôn Hoàng Văn Sao bảo: “Làm được hay không tùy vào ý thức lao động từng người. Ở đây, mọi người đi theo tự phát chứ không theo tổ chức, đoàn thể nào. Bởi vì họ chỉ thích đi đến mùa lại về. Nhưng cũng mừng một điều là người làng tuy đi nhiều nhưng vừa rồi xét nghiệm không ai dính vào ma tuý”.
Đâu chỉ có thôn Sơn Bắc mà ngay cả các thôn Sơn Đông, Sơn Nam, Sơn Thượng, Sơn Hạ, người ta cũng lũ lượt ra thành phố. Tính đến nay, xã Mai Sơn đã có 179 người ly hương. Rồi còn biết bao làng quê khác cũng như Mai Sơn? Rõ ràng, dòng chảy lao động đang từ nông thôn đổ về thành thị như một xu thế tất yếu trong cả nước không riêng một địa phương nào. Nguyên nhân là do lao động của nông thôn ngày một dôi dư, người nông dân quá nhàn nhã với mảnh ruộng của mình còn thành thị thì ngày càng cần lao động phổ thông để đáp ứng nhu cầu phát triển các khu công nghiệp. Không thể phủ nhận mặt tích cực của cuộc di cư này. Nhưng cũng còn đó rất nhiều hệ luỵ sau những cuộc ly hương này mà điều trước mắt là sự quá tải của các thành phố lớn.
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tạo ra nhiều việc làm tại chỗ từ việc phát triển kinh tế địa phương là việc làm cấp thiết để người nông dân chỉ ly nông chứ không ly hương. Ngoài ra, việc hướng dẫn cách làm giàu từ phát triển kinh tế nông nghiệp của các địa phương dù đã rất cố gắng song cần phải đẩy mạnh hơn nữa để người nông dân có thể tự làm giàu trên chính những mảnh ruộng, đồng đất quê hương. Những mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả cao, những triệu phú nông dân xuất hiện ngày càng nhiều ở các vùng quê là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy đất đai sẽ mang lại cho người nông dân một cuộc sống sung túc nếu họ cần cù, chịu khó và biết cách làm ăn.
Hồng Khanh
Các tin khác
Do ảnh hưởng của vùng áp thấp trên vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa, khu vực giữa Biển Đông (bao gồm cả quần đảo Trường Sa) và vùng biển từ Đà Nẵng đến Bình Thuận sẽ có mưa rào và dông.
Lúc 12h55 hôm nay (giờ Hà Nội), tại lễ khai mạc Đại hội Toán học thế giới tổ chức ở Hyderabad, Ấn Độ, bà Pratibha Patil - Tổng thống Ấn Độ đã trao huy chương Fields - giải thưởng toán học cao quý nhất thế giới cho GS Ngô Bảo Châu.
YBĐT - Nằm ở trung tâm thành phố với số dân hơn 1,3 vạn người được chia thành 87 tổ dân cư, phường Nguyễn Thái Học là một trong những điển hình của phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” của thành phố Yên Bái. Trong đó nổi bật là mô hình tổ “Tự quản về an ninh trật tự”.
YBĐT - Được thành lập từ năm 1996, Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Yên Bình đã trải qua 14 năm xây dựng và trưởng thành với nhiều những khó khăn, thử thách. Đến nay, nhà trường đã đi vào ổn định, phát triển và trở thành cái nôi đào tạo, giáo dục có uy tín cho con em đồng bào các dân tộc trong huyện.