Dự trữ lưu thông thuốc quốc gia: Còn nhiều bất cập
- Cập nhật: Thứ bảy, 21/8/2010 | 8:58:04 AM
Nhằm mục tiêu chủ động dự trữ thuốc đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân, từ năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 110/2005/QĐ-TTg về kế hoạch “Dự trữ lưu thông thuốc quốc gia phục vụ công tác phòng bệnh, chữa bệnh cho nhân dân”. Tuy nhiên, việc triển khai quyết định này vẫn còn nhiều bất cập…
Những bất cập trong dự trữ lưu thông thuốc quốc gia khiến thị trường dược phẩm khó bình ổn.
|
Không đảm bảo kế hoạch
Là một trong 3 doanh nghiệp được Bộ Y tế lựa chọn tham gia dự trữ lưu thông thuốc quốc gia, Công ty Dược phẩm Trung ương II đã được phân bổ hạn mức vay vốn 160 tỷ đồng vào năm 2006. Khoản tiền vay này được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay ngân hàng.
Mặc dù vậy, công tác dự trữ thuốc quốc gia của Công ty Dược phẩm Trung ương II gần như tắc khi thực hiện không bảo đảm đúng kế hoạch, không mua đủ số lượng để đảm bảo duy trì 100% cơ số thuốc cần dự trữ. Điều đáng nói, liên tiếp 3 năm liền, tỷ lệ sử dụng hạn mức vốn vay được phân bổ rất thấp.
Cụ thể, năm 2006, công ty chỉ sử dụng hơn 21,143 tỷ đồng trong số 160 tỷ đồng được phân bổ (đạt tỷ lệ 13,2%). Sang các năm 2007, 2008 có khá hơn nhưng cũng chỉ đạt tương ứng 29,8% và 31,1% hạn mức vốn vay. Riêng năm 2009 đã có bước cải thiện khi sử dụng tới 98,9% hạn mức vốn vay. Tuy vậy, về số mặt hàng thuốc dự trữ, công ty chưa mua đủ theo kế hoạch được duyệt. Hàng năm chỉ thực hiện đạt từ 24,5% - 38% số mặt hàng được duyệt.
Tình hình trên không chỉ ở Công ty Dược phẩm Trung ương II, kết luận mới đây của Thanh tra Chính phủ cũng cho thấy, 2 công ty còn lại do Bộ Y tế lựa chọn tham gia dự trữ lưu thông thuốc quốc gia là Công ty Dược phẩm Trung ương I, Công ty Dược phẩm Trung ương III đều rơi vào tình trạng tương tự.
Trong đó, đáng nói nhất vẫn là sử dụng không hết hạn mức vốn vay được phân bổ, thậm chí đạt tỷ lệ rất thấp như Công ty Dược phẩm Trung ương III năm 2006 sử dụng đạt 17% trong số 60 tỷ đồng được phân bổ nhưng sang năm 2008 cũng tăng lên được 41,3%. Không chỉ chưa mua đủ số lượng để đảm bảo duy trì 100% cơ số thuốc cần dự trữ, chưa mua đủ mặt hàng dự trữ theo kế hoạch được duyệt, theo Thanh tra Chính phủ, từ năm 2006 đến hết năm 2009, các hồ sơ đề nghị hỗ trợ lãi vay được xét duyệt của 3 doanh nghiệp trên đều có số lượng thuốc dự trữ vượt cơ số được duyệt và chủng loại thuốc nằm ngoài danh mục thuốc dự trữ lưu thông, với số tiền trên 27,561 tỷ đồng.
Do đó, đã vi phạm quy chế quản lý thuốc dự trữ lưu thông. Số lãi tiền vay phát sinh tương ứng số tiền vay sử dụng sai mục đích nêu trên là hơn 2,821 tỷ đồng.
Dự trữ thấp hơn hạn mức quy định
Theo kế hoạch được Thủ tướng phê duyệt, tiến độ thực hiện dự trữ lưu thông thuốc quốc gia được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn năm 2005 - 2006 tập trung vào việc dự trữ các thuốc dành cho nhu cầu điều trị và đang bị các công ty nước ngoài độc quyền phân phối; giai đoạn 2006 - 2010 phát triển ngành công nghiệp dược trong nước theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, chuyển thế bị động trong cung ứng thuốc sang thế chủ động trên cơ sở tự sản xuất trong nước, giảm dần và tiến tới mục tiêu không lệ thuộc vào nước ngoài cả về số lượng, chủng loại và giá cả đối với thuốc thành phẩm và nguyên liệu làm thuốc…
Tuy nhiên, tại thời điểm thanh tra (đầu năm 2010), Bộ Y tế đang thực hiện ở giai đoạn 2005 - 2006. Như vậy, Thanh tra Chính phủ kết luận, Bộ Y tế thực hiện kế hoạch dự trữ lưu thông thuốc quốc gia chưa đảm bảo tiến độ.
Hơn nữa, do Bộ Y tế điều chỉnh hạn mức vốn vay (hạn mức dự trữ) của Công ty Dược phẩm Trung ương III dẫn đến việc dự trữ thuốc thấp hơn hạn mức quy định mà Chính phủ đã phê duyệt. Lượng dự trữ thuốc theo kế hoạch đảm bảo cơ số sử dụng trong thời gian 45 ngày với khoản kinh phí khoảng 330 tỷ đồng. Trong đó, Công ty Dược phẩm Trung ương I được phân bổ 110 tỷ đồng; Công ty Dược phẩm Trung ương II: 160 tỷ đồng và Công ty Dược phẩm Trung ương III: 60 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngày 5-5-2009, Bộ Y tế có Quyết định số 1472/QĐ-BYT điều chỉnh hạn mức vốn vay của Công ty Dược phẩm Trung ương III xuống còn 25 tỷ đồng, giảm 35 tỷ đồng.
Sớm tháo gỡ những vướng mắc
Theo nhận định của Thanh tra Chính phủ, công tác dự trữ lưu thông thuốc còn vướng một số bất cập. Đó là việc thiếu thuốc chỉ được xác định khi có 30% bệnh viện (thuộc Bộ Y tế, ngành, đa khoa tỉnh, TP trực thuộc Trung ương) thiếu 30% thuốc trở lên trong danh mục dự trữ trong thời gian ít nhất 15 ngày là chưa phù hợp thực tiễn.
Bởi thực tế không thể xảy ra tình trạng trên, vì chỉ cần thiếu 30% thuốc thiết yếu, chỉ 1 - 2 ngày bệnh viện đã gặp nhiều khó khăn. Việc biến động giá thuốc được xác định khi có từ 30% thuốc trong danh mục dự trữ lưu thông tăng giá 20% so với trước khi biến động cũng không phù hợp. Thực tế, giá thuốc trong những năm qua đều tăng nhưng mức độ tăng dưới một con số. Hơn nữa, chưa có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các đơn vị được giao thực hiện công tác dự trữ lưu thông thuốc quốc gia.
Trước những bất cập và sai phạm trong dự trữ lưu thông thuốc quốc gia nêu trên, Thanh tra Chính phủ nhận định, trách nhiệm thuộc về Bộ Y tế. Trong đó, Cục Quản lý dược soát xét hồ sơ đề nghị hỗ trợ lãi vay của 3 doanh nghiệp chưa chặt chẽ (từ 2006 - 2009) để số lượng thuốc dự trữ vượt cơ số được duyệt và chủng loại thuốc nằm ngoài danh mục được duyệt với số tiền vượt hơn 27,561 tỷ đồng, khiến số lãi tiền vay phát sinh tương ứng từ số tiền vay sử dụng sai mục đích trên 2,821 tỷ đồng.
Tại cuộc họp triển khai những kết luận của Thanh tra Chính phủ ngày 10-8-2010, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu yêu cầu rút kinh nghiệm trong việc tổ chức, phối hợp triển khai thực hiện kế hoạch dự trữ lưu thông thuốc quốc gia, sớm khắc phục một số nội dung quy định chưa phù hợp thực tế…
(Theo SGGP)
Các tin khác
Ngày 20-8, Hội đồng tư vấn đặc xá TƯ đã tổ chức họp xét duyệt hồ sơ, danh sách phạm nhân được đề nghị Chủ tịch nước đặc xá năm 2010. Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng, Chủ tịch Hội đồng tư vấn đặc xá, chủ trì cuộc họp.
Bộ GD-ĐT cho biết, ngày 19-8, Bộ đã gửi tới Ban Thi đua khen thưởng TƯ hồ sơ đề nghị tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh cho GS Ngô Bảo Châu. Hồ sơ sẽ được Ban Thi đua khen thưởng TƯ thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ xét, đề nghị Chủ tịch nước quyết định tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh cho GS Ngô Bảo Châu.
Đêm 18/8, mưa lớn kéo dài đã làm sạt đổ 7 căn nhà tại huyện Văn Yên, trong đó có 5 căn nhà tại xã Tân Hợp, Yên Hợp và Hoàng Thắng bị sập hoàn toàn; 2.000 m2 lúa vụ hè thu và một đập đầu mối tại xã Tân Hơp bị vùi lấp.
YBĐT - Để giữ vững an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn, Ban Công an xã Mông Sơn, huyện Yên Bình (Yên Bái) đã tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc (BVANTQ), công tác đấu tranh tố giác tội phạm; vận động giáo dân sống tốt đời đẹp đạo, kính Chúa yêu nước, giữ vững mối đoàn kết khu dân cư, doanh nghiệp.