Mong mỏi một cây cầu
- Cập nhật: Thứ tư, 1/9/2010 | 2:03:46 PM
YBĐT - Sau bao năm mơ ước, năm 2006, cây cầu Đình Thi bắc qua con suối Linh Môn được xây dựng đáp ứng nhu cầu đi lại của hơn một trăm hộ dân sinh sống ở ba thôn Đình Thi, Linh Môn 1 và Linh Môn 2 (xã Yên Bình, huyện Yên Bình). Niềm vui có cầu “ngắn chẳng tày gang” năm 2007, cầu bị lũ cuốn trôi và được xây dựng lại...
Cầu sập, người dân chỉ còn cách lội qua suối.
|
Nhưng chỉ một năm sau, năm 2008, cầu lại bị nước lũ cuốn trôi thêm một lần nữa và từ đó đến nay đã gần 3 năm, cầu vẫn chưa được xây dựng lại khiến cho cả mấy trăm con người sống ở ba thôn của xã Yên Bình lại trở về với những ngày... lội suối.
Ông Vũ Quốc Toàn – Chủ tịch UBND xã Yên Bình lý giải: “Khi có lũ từ trên thượng nguồn đổ về, nước ở suối có thể dâng cao tới 4m, cuốn đi tất cả những gì trên đường nó đi qua. Trong khi đó, cầu lại chỉ được xây cao 2m, nằm dưới mực nước lũ vì vậy dễ dàng bị sập”. Vết tích của cây cầu sau hai lần xây đi xây lại nay chỉ còn những mố cầu chỏng chơ giữa lòng suối. Những người nông dân quanh năm chỉ biết trồng lúa, trồng ngô ở đây không thể đủ sức tự xây lại cầu với trị giá hàng trăm triệu đồng. Vì vậy, hai chiếc dầm cầu còn sót lại được người dân kéo lên, phục vụ tạm thời việc đi lại.
Nhưng mới sau mấy trận mưa lớn đầu mùa mưa năm nay, một chiếc dầm cũng đã lại trôi theo dòng nước lũ. Thật khó có thể kể hết nỗi vất vả của người dân nơi đây kể từ khi cầu sập. Nhà ông Lý Quốc Khánh vừa bán lứa lợn 5 con. Ông cho biết: “Mỗi lần bán lợn tôi lại phải đóng xe trâu kéo sang bờ bên kia mới có người mua. Chỉ cách trung tâm xã khoảng vài trăm mét nhưng giá lợn hơi ở đây bao giờ cũng rẻ hơn ít nhất 2.000 đồng/kg. Thương lái họ rất ngại lội suối nên chúng tôi lại phải đóng xe trâu đưa sang mới mong bán được. Đâu chỉ có lợn, gà mà các loại nông sản khác đều như vậy cả. Làm ra đã vất vả rồi đi bán còn cực hơn”.
Con đường đến trường của mấy chục học sinh trong ba thôn này cũng vì thế mà thêm nhiều gập ghềnh và gian nan. Những em nhỏ đang độ tuổi đi học mẫu giáo, lớp 1, lớp 2 còn được bố mẹ ngày ngày cõng qua suối đưa tới trường. Các em lớn hơn một chút phải tự lội suối để đến lớp. Dù trời không mưa, không có lũ tràn về nhưng nước lúc nào cũng ngập đến đầu gối. Chuyện bị nước cuốn trôi đồ dùng học tập, ướt sách ướt vở trong khi qua suối đã trở nên quá đỗi quen thuộc với các trò ở đây. Con suối Linh Môn ngày thường luôn giữ vẻ ôn hoà, cung cấp nước tưới cho những cánh đồng nó chảy qua nhưng chỉ mưa to chừng hai tiếng là nước lũ từ các khe bắt đầu dồn về. Nước lên nhanh chóng khiến người lớn cũng không thể qua suối. Khi mưa kéo dài, nước có thể lên cao vài mét trong vài ngày nhấn chìm những thửa ruộng hai bên bờ. Khi đó, hàng trăm hộ dân nơi đây hoàn toàn bị cô lập với bên ngoài. Vào mùa lũ, chuyện nghỉ học nhiều ngày diễn ra “như cơm bữa” đối với học sinh ở đây.
Quá khó khăn trong việc đi lại, đã có vài hộ gia đình chuyển sang bờ bên kia sinh sống, nhưng ông Khánh bảo: “Không phải ai cũng có thể đi, mà dù có đi thì ruộng nương vẫn còn ở đây lên vẫn phải qua suối để làm. Mỗi mùa mưa đến là chúng tôi lại thêm lo lắng. Mùa lũ qua suối rất nguy hiểm. May mắn là trong hai năm qua, chưa có ai bị chết đuối, có mấy người bị trôi may mắn thoát nạn”. Chính quyền địa phương cũng chưa có giải pháp gì hơn ngoài việc cảnh báo và nghiêm cấm việc qua suối mỗi khi có lũ.
Hàng trăm hộ dân của ba thôn ở xã Yên Bình vẫn mong mỏi chờ một cây cầu mới, có thiết kế phù hợp đủ sức chống chịu với thiên tai để không phải lo lắng mỗi khi mùa lũ về.
Hồng Khanh
Các tin khác
Vaccine này có thành phần của chủng cúm A/H1N1 lưu hành năm 2009, chủng A/H3N2 và cúm B hiện nay nên có thể bảo vệ được 3 bệnh cúm là A/H1N1, A/H3N2 và cúm B.
YBĐT - Ngày 31/8, Công an tỉnh Yên Bái đã tổ chức Lễ ra quân triển khai, thực hiện tháng ATGT năm 2010.
YBĐT - Nhằm hỗ trợ nâng cao kiến thức phòng, chống bạo lực gia đình cho các đối tượng là lao động nông thôn, Trung tâm Hỗ trợ phát triển bền vững cộng đồng các dân tộc miền núi (Sudecom) đã phối hợp với UBND xã Tân Thịnh (thành phố Yên Bái) tổ chức lớp tập huấn cho 60 nam giới là những người đang cư trú trên địa bàn xã.
YBĐT - Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập luôn được Đảng bộ và các chi bộ Đảng trong xã Nghĩa An (thị xã Nghĩa Lộ) đưa vào nội dung chương trình công tác hàng tháng. Đến nay 100% các thôn, bản có chi hội khuyến học, 94% số hộ gia đình tham gia công tác khuyến học.