“Trồng người” ở vùng sâu

  • Cập nhật: Thứ ba, 14/9/2010 | 2:57:08 PM

YBĐT - Nằm cách trung tâm huyện gần 40 km, An Lương là xã nghèo của huyện Văn Chấn (Yên Bái). Điện quốc gia chưa lên được đến xã, kinh tế khó khăn, người dân ít có điều kiện giao lưu với bên ngoài. Xã có trường học, tuy trường học ở đây không phải là trường liên cấp nhưng cả 3 cấp: mầm non, tiểu học, THCS vẫn học chung 1 cơ sơ, do vậy các trường, phải tự bố trí thời gian cho hợp lý.

Học trò vùng cao. (Ảnh: Ngọc Tú)
Học trò vùng cao. (Ảnh: Ngọc Tú)

Các thầy, cô giáo, ngoại trừ số ít thầy cô là người địa phương, nhà ở gần trường còn đa số thầy cô nhà cách trường từ 20 km trở lên, do vậy nhà trường phải bố trí khu tập thể cho giáo viên. Nhà ở của giáo viên cũng vậy, ở tập trung cả 3 trường và cũng được phân chia từng khu, từng phòng cho giáo viên của các trường. Với số lượng lớp và số lượng học sinh hàng năm, trường cần 35 giáo viên và nhân viên nhưng mới chỉ có 26 giáo viên là biên chế chính thức, số còn lại nhà trường phải hợp đồng thêm cho đủ quân số.

Thầy giáo Hà Thanh Tý - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trường có tổng số 35 cán bộ, giáo viên và nhân viên thì có tới 2/3 là nhà xa trường phải ở lại trong khu tập thể. Hàng tuần cứ chiều thứ sáu là cả khu tập thể vắng lặng. Đến tận tối ngày chủ nhật thì các thầy, cô mới đến trường để kịp cho buổi chào cờ sáng thứ hai. Hôm nào trời mưa thì đành ở lại, không thể về với gia đình được. Không có điện, các thầy, cô đã mua máy phát điện nhỏ, tự ngăn suối dẫn nước vào chạy máy để thắp sáng, từ khi có máy phát điện, mặc dù dòng điện yếu nhưng cũng phần nào bù đắp cho thầy trò ở đây, họ cũng có ánh sáng điện, có quạt… Anh em giáo viên đoàn kết động viên nhau vượt qua khó khăn vất vả đời thường để bám trường, bám lớp cùng nhau hoàn thành sứ mệnh “trồng người” ở vùng sâu.

Trong những năm qua, hàng năm Chi bộ nhà trường lãnh đạo thực hiện tốt hai nhiệm vụ trọng tâm, đó là, nâng cao chất lượng dạy và học, thực hiện nghiêm túc cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và cuộc vận động “Hai không” của ngành. Còn giáo viên tự lên kế hoạch riêng cho mình trong công tác dạy phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi.

Để làm tốt nhiệm vụ được giao, các thầy, cô giáo phải tích cực học hỏi kinh nghiệm của đồng nghiệp, không ngừng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, tham khảo thêm tài liệu, đổi mới phương pháp để sao cho phù hợp với đặc điểm vùng miền. Thầy, cô ngoài nhiệm vụ dạy học sinh kiến thức theo yêu cầu của chương trình từng bậc học còn phải giáo dục các em cách làm người, hơn thế, giáo viên còn phải cáng đáng nhiệm vụ chăm sóc các em như người cha, người mẹ. Thầy coi trò như con đẻ của mình, hướng dẫn các em cách vệ sinh thân thể, giặt làm sao để quần áo không còn bẩn…

Để duy trì sỹ số cũng như nâng cao chất lượng dạy và học, nhà trường đã tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh. Ngoài thời gian dạy trên lớp, giáo viên còn kèm cặp các em trong giờ tự học buổi chiều buổi tối. Ngay từ đầu năm học nhà trường đã triển khai và bắt tay thực hiện phong trào xây dựng “ Trường học thân thiện, Học sinh tích cực”, ngoài ra, trường còn tổ chức nhiều các hoạt động ngoài giờ lên lớp, từ đó, các em được vui chơi, được ca hát sau giờ chính khóa nên cũng đỡ buồn, đỡ nhớ nhà. Thiếu thốn về cơ sở vật chất, thiếu thốn tình cảm gia đình, với thầy cô không bằng khó khăn trong công tác dạy và học.

Địa bàn rộng, các bản xa học sinh đi đường mòn từ 5 - 6 km trở lên mới đến được trường, có bản như bản An Lương 4 nếu đi từ trung tâm phải đi vòng mất mấy cây số qua địa phận của huyện Văn Yên mới tới được bản. Gia đình học sinh thì nghèo, nhà xa trường, nên các em phải xuống trường ở bán trú để học. Thấy các em nhỏ quá, không tự nấu cơm ăn được, trường đã phải tạo mọi điều kiện hợp đồng thuê người nấu cơm tập thể cho các em. Xoong nồi không có, thầy, cô phải mượn của những hộ dân quanh trường. Các em nộp gạo, chiều chiều giáo viên chủ nhiệm tổ chức cho các em đi lấy củi cho nhà bếp nấu cơm. Học sinh nghèo, nhà trường kêu gọi mỗi cán bộ, giáo viên nhận đỡ đầu 1 đến 2 học sinh nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, rồi quyên góp quần, áo khi mùa đông đến, quyên góp sách, vở, bút, mực… Gần 2 triệu đồng mà các thầy, cô góp trong năm học 2009 - 2010 tuy không nhiều nhưng có số tiền đó mà không em nào bị đói trong suốt 9 tháng học tại trường.

Với những nỗ lực trong công tác dạy và học, năm học này, nhà trường đã huy động 95% học sinh đi học. Năm học 2009 - 2010, với 21 lớp, 420 học sinh, tỷ lệ chuyên cần, tỷ lệ hoàn thành chương trình tiểu học của trường đã đạt được 99,5%. Tuy nhiên, để thực hiện tốt các mục tiêu nhà trường đề ra, giáo dục An Lương cần lắm sự quan tâm của Nhà nước và của các cấp, các ngành về đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trợ cấp đầy đủ và kịp thời  cho học sinh nghèo ở bán trú, có chế độ, chính sách đãi ngộ cán bộ, giáo viên trực tiếp giảng dạy và quản lý học sinh…

 Nguyễn Xuân Tình

Các tin khác
Thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, hoạt động văn hóa văn nghệ ở cơ sở được đẩy mạnh và phát triển rộng khắp.

YBĐT - Qua 10 năm thực hiện, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã có tác động mạnh mẽ và toàn diện lên mọi mặt đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Chính phủ vừa ban hành nghị định số 94 (ngày 9-9) về tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng.

Từ 15/9, tất cả đồ chơi trẻ em được sản xuất, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường thiếu dấu CR sẽ bị coi là vi phạm quy định và bị tịch thu, xử lý.

Truyền thông phòng chống các bệnh về mắt tại các trường học.
(Ảnh: Minh Đức)

YBĐT - Sau những thông tin sự xuất hiện của dịch đau mắt đỏ (hay còn gọi là viêm kết mạc cấp) ở Yên Bái, đến thời điểm này, dịch đã bùng phát mạnh, lan rộng và chưa có dấu hiệu thuyên giảm, toàn bộ 9/9 huyện, thị, thành phố trong tỉnh đều đã có dịch với gần 2 nghìn bệnh nhân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục