Dùng dằng chuyện "32"

  • Cập nhật: Thứ tư, 15/9/2010 | 9:09:06 AM

YBĐT - Đó là những dùng dằng trong quá trình thực hiện cho vay vốn phát triển sản xuất hộ nghèo dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn theo Quyết định 32/2007/QĐ-TTg ở huyện Văn Chấn (Yên Bái).

Con trâu  này, trị giá 13 triệu đồng gia đình chị Giàng Thị Nu ở thôn Ba Cầu, xã Suối Bu phải phục thuốc 6 tháng mới hồi phục.
Con trâu này, trị giá 13 triệu đồng gia đình chị Giàng Thị Nu ở thôn Ba Cầu, xã Suối Bu phải phục thuốc 6 tháng mới hồi phục.

Một nghịch lý, dân nghèo rất thiếu vốn nhưng đồng vốn Nhà nước ưu đãi bị đóng băng trong ngân hàng, ngân hàng sốt sắng dân nghèo lại thờ ơ, lần khất vay vốn. Những dùng dằng xung quanh chuyện "32" ở Văn Chấn gợi nhiều vấn đề về chủ trương, định hướng hộ nghèo dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn vay vốn phát triển sản xuất…

Chuyện ở Pín Pé và Ba Cầu

Chúng tôi đến nhà Sùng A Trang ở thôn Pín Pé (Cát Thịnh) để nghe chuyện vay vốn làm ăn và xem những con trâu "32" - theo cách gọi của cán bộ tín dụng. Không thấy trâu, trên hiên nhà thấy buộc một con ngựa Mông cường tráng. Trang là Tổ trưởng Tổ vay vốn của Pín Pé, không thuộc đối tượng nhưng cũng có trâu "32". Trang cười cười: "Mình nhận nuôi lại từ nhà Giàng Vừ Dinh thôi. Trâu hôm nay đi vắng không ở nhà rồi!". Bí thư Chi bộ Giàng A Cu chú giải: "Trâu lên núi kiếm ăn, đi xem trâu khó lắm mà cũng không biết nó ở núi nào!". Pín Pé có 74 hộ, trên 400 khẩu người Mông.

Chuyện vay vốn Bí thư Giàng A Cu không thạo lắm. 6 hộ có trâu "32" ở Pín Pé là ai phải hỏi Sùng A Trang. Trang vừa tính vừa nghĩ rồi nói: Tráng Thị Nu, Hờ A Trang, Giáng Sáy Vư, Giàng Sáng Tùng, Mùa A Tu, Giàng Văn Dinh. Hỏi sức khỏe của trâu, Trang cho biết 6 trâu đang rất khỏe. Bí thư Giàng A Cu cười to: "Không còn 6 con đâu, chết 1 con nhà Giàng Sáy Vư rồi, chết lâu rồi". Sùng A Trang, bấy giờ lại pha trà, rót thêm nước, than rằng mưa thế này không biết trâu trên núi có còn không. Chị Biển - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho biết, việc cho vay vốn "32" triển khai ở Cát Thịnh năm 2008, riêng Pín Pé, 6 hộ được vay 30 triệu đồng.

Thực hiện từ năm 2008 nên giá trâu bò còn rẻ, Nhà nước giao trâu - 5 triệu không lãi, bà con vay thêm trên dưới 2 triệu đồng/hộ lãi suất thấp để đủ tiền thanh toán mua trâu. Bí thư Chi bộ Giàng A Cu chen ngang: "Nhưng cái con trâu tươi này không biết lớn đâu, mua đã bé giờ cũng không to hơn đâu". Anh nói rồi ngồi gật gật một mình, chẳng ra vui cũng chẳng ra buồn. 

Gia đình chị Giàng Thị Của (giữa) gia cảnh không tới mức khó khăn nhưng cũng được vay vốn mua trâu, bò.

Trên đường vào thôn Ba Cầu (Suối Bu), cán bộ tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội Văn Chấn cho biết, từ năm 2008 - 2009 đã cho 37 hộ trong xã vay 185 triệu đồng để mua trâu bò sinh sản. Phó chủ tịch Hội Phụ nữ Vũ Thị Liên cùng chúng tôi tới hộ chị Giàng Thị Của. Chị Của không nhớ chính xác mình bao nhiêu tuổi, khoảng 50 gì đó. Năm 2009, nhờ vốn "32", chị đã có được vay 5 triệu đồng không lãi và vay thêm 5 triệu đồng lãi suất thấp mua một con trâu. Giá cao so với những hộ ở Pín Pé nhưng may cho chị là trâu không ốm đau, bệnh tật gì. Trong 37 hộ vay vốn ở Suối Bu, 5 hộ hiện không còn trâu bò vì chúng đã chết ốm và chết rét.

 Trong căn nhà tuềnh toàng, chị Vàng Thị Nu líu ríu với đứa con nhỏ. Ngoài sân, con trâu "32" khó đoán tuổi lầm lũi gặm cỏ. Chị Nu kể, chị mua trâu từ năm 2009, một năm trước nó còn bé có thể cắp ngang lưng. Mua về, mất 6 tháng vợ chồng chăm bẵm, hồi phục, thuốc thang nó mới sống được. Trâu sống rồi, chị mới làm hồ sơ vay vốn đủ 13 triệu đồng trả cho bên bán trâu.

Phó chủ tịch Hội Phụ nữ Vũ Thị Liên thành thật: "Những người làm ủy thác và thôn bản rất khó khăn trong bình xét đối tượng cho vay. Người nghèo thì nhiều nhưng giao vốn vào tay ai là phải lựa tìm, nếu không trâu mất, vốn cũng mất". Cũng có nghĩa, quyền lợi nhỏ nhoi của những người nhận ủy thác vốn bị ảnh hưởng. Thành ra có chuyện, nhà có trâu "32" chưa hẳn đã là hộ nghèo.

Tiền Chính phủ chờ dân

Ngân hàng sốt sắng nhưng dân thì lần khất không làm hồ sơ vay. Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Trần Quang Sơn cho biết: "Tổng dư nợ vốn "32" hết năm nay dự tính 2,5 tỷ đồng với 500 hộ vay vốn. Tới ngày 22.8.2010, giải ngân 1 tỷ 752 triệu đồng cho 350 hộ mua 350 con trâu bò. Kết quả này góp phần tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện cho bà con từng bước thoát nghèo. Tuy nhiên, hiện giờ 748 triệu đồng của chương trình đang đóng băng tại ngân hàng vì người dân không làm thủ tục vay vốn".

Định hướng của huyện khi triển khai "32" là cho dân vay để mua trâu bò, tạo giá trị tài sản cho dân, giúp dân từng bước thoát nghèo và góp phần tăng đàn trâu bò của địa phương. Giá trâu bò mỗi năm một tăng, 7 triệu rồi lên trên dưới 13 triệu đồng/con. Người dân cầm chắc 5 triệu đồng không lãi, có trâu bò rồi không muốn vay thêm vốn để thanh toán cho bên cung ứng. Dân không vay, khất lần, ngân hàng không thể đem tiền ưu đãi đặt vào tay bà con được, tư tưởng phổ biến là Nhà nước cho không thì bà con nhận.

Chuyện tiền Chính phủ dân lần khất không vay, tư tưởng ỷ lại, chỉ muốn nhận không trong một bộ phận người dân chỉ là một lý do. Còn có lý do trâu bò bị ốm bệnh chết, mắc dịch lở mồm long móng, hay các hộ nhận trâu bò về "xóa đói, giảm nghèo" ngay lập tức… Một cán bộ ngân hàng nêu chuyện, có nơi dân dắt trâu bò về tự ý bán hoặc giết mổ, khi kiểm tra gắt gao thì nói trâu ốm chết đem chôn, khai quật lên thì xương cũng không thấy. Doanh nghiệp giao trâu cho dân nhưng dân không làm hồ sơ vay vốn để thanh toán cho doanh nghiệp. Thái độ bên cung ứng là chỉ khi thanh toán hết tiền nợ mới tiếp tục triển khai. 748 triệu đồng vốn "32" vẫn nằm chờ trong két ngân hàng vì lẽ đó!

Cần có sự linh hoạt và "mềm dẻo"

Không thể cầu toàn một chủ trương khi triển khai thực hiện - nhất là ở vùng đặc biệt khó khăn, đối tượng là người dân tộc thiểu số sẽ đạt kết quả tốt đẹp như ý muốn. Chủ trương của Văn Chấn là mua trâu, bò cho người dân, sau đó tạo điều kiện để họ tiếp cận vốn ưu đãi lãi suất thấp đầu tư hoàn thiện, từ đó đẩy nhanh tốc độ nhân đàn trâu, bò ở địa phương. Tuy nhiên, việc nhập đàn qua cung ứng của doanh nghiệp do nhiều lý do đã đưa Văn Chấn thành trọng điểm dịch bệnh trâu, bò trong những năm gần đây. Việc hỗ trợ người dân kiến thức chăn nuôi và phòng dịch bệnh chưa theo kịp yêu cầu và phát sinh từ thực tiễn.

Chủ trương đúng, cấp huyện chỉ đạo quyết liệt nhưng cấp xã, thôn bản chậm vào cuộc, nhiều nơi thờ ơ, phó mặc ngân hàng, các hội ủy thác và hộ dân. Phải khẳng định rằng, tập trung vốn vay hộ nghèo mua trâu bò đã đem lại cơ hội để bà con vươn lên xóa đói giảm nghèo nhưng dường như việc chỉ đạo thực hiện đã thiếu đi sự linh hoạt, mềm dẻo. Khảo sát các hộ nghèo nuôi trâu bò, nhiều ý kiến đề nghị để họ tự đề xuất và lựa chọn phương hướng sản xuất. Theo bà con, những hộ có điều kiện nên nhận nuôi trâu bò nhưng những hộ khác có thể không nuôi trâu bò vẫn có thể phát triển sản xuất một cách phù hợp, tránh được rủi ro, bởi với họ con trâu thực sự là đầu cơ nghiệp!

Giải quyết tồn tại, vướng mắc xong trước ngày 25/9/2010

Ông Nguyễn Hợp Đoàn - Phó chủ tịch UBND huyện Văn Chấn cho biết: Thường trực UBND huyện Văn Chấn đã làm việc với các cơ quan liên quan, các xã thực hiện dự án tăng đàn trâu bò và đại diện Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh) thống nhất giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn đọng, vướng mắc xong trước ngày 25/9/2010. 

Các hộ có trâu bò nhiễm bệnh lở mồm long móng đã khỏi làm thủ tục vay vốn ngân hàng để thanh toán cho doanh nghiệp cung ứng. Hộ gia đình không vay vốn thì UBND xã lập biên bản thu hồi trâu bò trả doanh nghiệp.

Các hộ tự ý bán trâu bò, các xã lập biên bản yêu cầu hộ gia đình thanh toán tiền theo hợp đồng đã ký. Trâu bò chết sau khi hết thời gian bảo hành của doanh nghiệp, UBND xã lập biên bản xác minh cụ thể nguyên ngân, thời gian chết, có xác nhận cơ quan chuyên môn cùng hộ gia đình thỏa thuận với doanh nghiệp cung ứng thu hồi vốn. Trâu bò gầy yếu không có khả năng phát triển, UBND các xã cùng các hộ thỏa thuận giải quyết với bên cung ứng.

Tuấn Anh

Các tin khác

YBĐT - Mới đây, xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên (Yên Bái) vừa tổ chức ra mắt 2 câu lạc bộ tiền hôn nhân nhằm nâng cao hiểu biết cho những đối tượng vị thành niên và thanh niên về các nội dung chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình.

YBĐT - Ngày 14/9, tại huyện Mù Cang Chải, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị rút kinh nghiệm công tác tìm kiếm cứu nạn tại xã Chế Cu Nha.

Việc tỏ tờ khai xuất - nhập cảnh sẽ rút ngắn thời gian cho hành khách.

Bắt đầu từ hôm nay (15/9), tại tất cả các sân bay quốc tế của Việt Nam, hành khách sẽ không phải kê khai tờ khai nhập cảnh - xuất cảnh khi làm thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh tại các sân bay quốc tế của Việt Nam.

Ngày 14-9, tại Hà Nội, diễn đàn Tăng trưởng viễn thông Việt Nam 2010 với chủ đề “Tối đa hóa các cơ hội tăng trưởng tại Việt Nam” đã khai mạc dưới sự bảo trợ của Bộ TT-TT.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục