Tạp chí văn nghệ Yên Bái: Phản ánh thực tiễn đời sống

  • Cập nhật: Thứ tư, 29/12/2010 | 3:01:54 PM

YBĐT - Tạp chí Văn nghệ Yên Bái là cơ quan ngôn luận của Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Yên Bái, diễn đàn văn nghệ của văn nghệ sỹ và đông đảo công chúng Yên Bái, đồng thời cũng là một cơ quan báo chí của tỉnh.

Tạp chí xuất bản 1 số/tháng, với nhiều chuyên mục và nội dung phong phú. Là tạp chí VHNT nên các tác phẩm đăng tải phải bảo đảm tính nghệ thuật, song không vì thế mà thoát ly với thực tiễn đời sống.

Là thể loại được coi như người lính xung kích, ký luôn nhanh nhạy, có mặt kịp thời tiếp cận các vấn đề có tính chất thời sự với một thái độ rõ ràng. Hiện thực được phản ánh trong ký luôn là các sự việc, con người có địa chỉ, nhân vật thường là những điển hình xã hội. Những năm qua, ký luôn xuất hiện trên Tạp chí Văn nghệ Yên Bái, mỗi số thường đăng tải từ 2 đến 3, 4  bài ký và ghi chép các vấn đề có tính thời sự chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương và đất nước. Nhìn vào các tác phẩm ký trên tạp chí, chúng ta có thấy bức tranh khá phong phú của đời sống thực tiễn Yên Bái.

Với một tỉnh miền núi, vấn đề sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn luôn được quan tâm. Nhiều bài ký trên Tạp chí Văn nghệ Yên Bái đã đi vào mảng đề tài này. “Mầm xanh Nậm Búng” của Hoàng Thế Sinh viết về nghề trồng chè của bà con vùng cao huyện Văn Chấn, “Làng dâu Việt Thành” của Dương Soái lại đi vào việc chuyển đổi giống cây trồng, “Đại Bục, Đại Phác, hợp tác nông dân” của Vũ Quý gắn giữa việc phát triển kinh tế và văn hóa ở nông thôn…

Đề tài về an ninh - quốc phòng, về phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ cũng là một đề tài thu hút nhiều cây bút chuyên và không chuyên. Ký “Bộ đội ở bản Tà Ghênh” của Hoàng Việt Quân, “Suối Giàng - Pháo đài xanh miền sơn cước” của Vũ Quang Trung, “Một ngày ở Trung đoàn 174” của Hoàng Bảo, “Xứng danh bộ đội Cụ Hồ” của Hoàng  Kim Yến, “Trong mưa lũ hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ càng tỏa sáng” của Thanh Năm… là những bức tranh nhiều vẻ của người lính.

Các vấn đề về văn hóa, giáo dục cũng được phản ánh khá sâu sắc trong các bài ký của các cây bút  trong và ngoài ngành giáo dục. Nguyễn Ngọc Yến với “Học chữ ở Suối Giàng”, Xuân Tình với “Lớp cắm bản ở Nà Đở”, Trịnh Thị Liệu với “Thời con gái”, Nguyễn Thị Thanh với “Ngôi sao xanh phía cổng trời”, Vũ Quang Trung với “Hoa đã nở trên vùng đất trũng”…

Cuộc thi viết ký về đề tài thương binh, liệt sỹ do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và Hội VHNT Yên Bái tổ chức đã có hàng trăm tác phẩm tham dự, trong đó Tạp chí Văn nghệ đã đăng tải gần 50 tác phẩm. Những con người “tàn nhưng không phế” luôn phát  huy phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ trong mọi hoàn cảnh hiện lên mới cảm động làm sao. Những con người ấy là nông dân, thầy giáo, là ông chủ  trang trại hay cơ sở sản xuất… ở Lục Yên, Văn Yên, Yên Bình…, giữa thành phố Yên Bái sôi động, hay vùng cao xa xôi Trạm Tấu, Mù Cang Chải đều là những “Anh hùng giữa đời thường”. Đội ngũ tác giả đông đảo, có những cây bút của hội dù chuyên làm thơ, viết truyện, có những tác giả lần đầu xuất hiện, họ là thầy, cô giáo, là bộ đội, công nhân, nông dân, là cán bộ đương chức hay đã nghỉ hưu…tất cả đều viết với trái tim đầy nhiệt huyết.

Trong những năm vừa qua, hưởng ứng hai cuộc thi lớn viết về cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và “Tự hào truyền thống quê hương Yên Bái” do tỉnh Yên Bái tổ chức, Tạp chí Văn nghệ Yên Bái đã phát động sáng tác rộng rãi trong toàn thể hội viên và các cộng tác viên. Kết quả thu được thật đáng phấn khởi.

Nghệ thuật chân chính luôn phản ánh và dự báo đời sống hiện thực bằng con đường của nghệ thuật bằng các hình tượng điển hình. Ở đó, hiện thực vừa có cái riêng sinh động độc đáo lại vừa có cái chung khái quát. Chính vì vậy, nó có sức sống lâu bền.

Việc phản ánh này có ở tất cả các loại hình, loại thể VHNT. Dù là ký, truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ ca hay ảnh nghệ thuật, tranh tượng, ca khúc đều lấp lánh lên hiện thực của thực tiễn đời sống bằng ngôn ngữ nghệ thuật của riêng mình.

Tạp chí Văn nghệ đã xây dựng 2 chuyên mục về các chủ đề trên, kịp thời đăng tải, quảng bá các tác phẩm tiêu biểu. Một lần nữa quê hương, con người Yên Bái lại được phản ánh sâu sắc qua nhiều tác phẩm. Từ những ngày đầu của cách mạng là tác phẩm “Bà tôi” của Dương Hiền Nga, “La Thượng theo cách mạng”, “Những anh hùng ở căng Nghĩa Lộ” của Trần Cao Đàm, “Huyền thoại bến Âu Lâu” của Quang Bách, “Những trận đánh trên địa bàn Yên Bái” của Vũ Dương, đến Yên Bái hôm nay với “Ghi nhận ở La Pán Tẩn” của Hà Ngoan, “Đại tá về làng” của Nguyễn Thị Thanh, “Dân xin tặng các đồng chí mười tấm bằng khen” của Tuấn Anh…

Phục vụ, tuyên truyền, chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVII, Tạp chí Văn nghệ đã có nhiều bài viết phản ánh việc thực hiện nghị quyết của Đảng bộ tỉnh khoá XVI trong phát triển kinh tế, xã hội và các phong trào thi đua chào mừng đại hội.

Qua Tạp chí Văn nghệ số tháng 10 và 11 năm 2010, bạn đọc có thể thấy một Lục Yên qua “Lục Yên lúa và đá” (Hiền Lương), một Văn Yên qua “Một thoáng miền đất nhớ Văn Yên” (Quang Bách), một Nghĩa Lộ qua “Hương sắc Mường Lò” (Nguyễn Thị Thanh); một Trấn Yên qua “Măng về với xã Kiên Thành” (Nguyễn Ngọc Yến), một Mù Cang Chải qua “Một ngày ở bản Dào Sa” (Quang Bách); một Yên Bình qua “Một ngày ở Vũ Linh” (Hoàng Tương Lai)…

Tạp chí Văn nghệ Yên Bái luôn “gắn bó” với việc phản ánh thực tiễn đời sống. Người viết không chỉ "chụp ảnh" đời sống, mà còn gửi tình yêu và niềm tin của mình qua mỗi trang văn, tạo nên hình tượng văn học có sức sống lâu bền.

Nguyễn Hiền Lương - Phó TBT Tạp chí văn nghệ Yên Bái

Các tin khác
Các tổ chức, cá nhân trao tiền ủng hộ Tết vì người nghèo, nạn nhân chất độc da cam 2011 cho lãnh đạo Hội CTĐ tỉnh Yên Bái.

YBĐT - Ngày 29/12, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Yên Bái tổ chức lễ phát động ủng hộ Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam Tân Mão 2011. Ngay trong ngày đầu phát động đã có 13 tổ chức cá nhân ủng hộ với tổng số tiền trên 82 triệu đồng.

Ngôi nhà mới của chị Trần Thị Chất thôn Đồng Cò xã Động Quan.

Xuân Tân Mão sắp đến gần, niềm vui của mẹ con chị Trần Thị Chất (dân tộc Tày) thôn Đồng Cò xã Động Quan (Lục Yên) như được nhân lên. Nhìn căn nhà xây khang trang còn thơm mùi vôi vữa, chị không giấu nổi xúc động, bởi trước đó mẹ con chị phải sống trong một căn nhà chật chội, rách nát không đủ che nắng, che mưa.

YBĐT - Là một trong bốn chi hội cơ sở của Hội Nhà báo Yên Bái, Chi hội Nhà báo Đài Phát thanh - Truyền hình (PT - TH) Yên Bái có 64 hội viên sinh hoạt tại đài tỉnh và một số phân hội cụm các Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện, thị, thành phố.

Trách nhiệm quản lý nhà nước về dạy nghề tiếp tục được thực hiện theo quy định cũ.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định cụ thể trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục đối với các Bộ, UBND cấp tỉnh, Sở GD-ĐT, UBND cấp huyện, cấp xã...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục